Sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2022: Cấy sớm, thu hoạch nhanh, tăng năng suất để giảm chi phí
Sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2022: Cấy sớm, thu hoạch nhanh, tăng năng suất để giảm chi phí
Minh Ngọc
Thứ bảy, ngày 04/06/2022 12:53 PM (GMT+7)
Đó là thông tin từ Hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022, triển khai kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa và định hướng vụ đông 2022 các tỉnh phía Bắc, vừa được Bộ NNPTNT tổ chức.
Theo bà Trần Thị Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân 2021-2022 gặp nhiều khó khăn do giá phân bón ở mức rất cao so với cùng kỳ (một số loại phân bón nhập khẩu tăng 80-100%), ảnh hưởng đến đầu tư cho sản xuất lúa.
Thời tiết có nhiều bất thường như nền nhiệt độ trung bình vụ thấp hơn trung bình nhiều năm; mưa lớn vùng Bắc Trung Bộ từ 31/3 - 3/4 gây ngập lụt, ngã đổ nhiều diện tích lúa.
Năng suất và sản lượng vụ đông xuân 2021-2022 đều giảm so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, năng suất ước đạt khoảng 62,7 tạ/ha, giảm 1,8 tạ/ha so với vụ trước; sản lượng ước đạt 6,8 triệu tấn, giảm khoảng 246.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ có năng suất trung bình đạt 61,3 tạ/ha, giảm 4,1 tạ/ha so với năm trước; các tỉnh đồng bằng sông Hồng đạt 65,8 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha; các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đạt 58,5 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha.
Lợi nhuận trung bình trên đơn vị diện tích gieo cấy cũng giảm hơn so với vụ trước khoảng 2,8 triệu đồng/ha.
Do điều kiện thời tiết, thời gian sinh trưởng lúa vụ đông xuân kéo dài từ 7 - 10 ngày dẫn tới các vụ hè thu, vụ đông 2022 cũng chậm hơn. Đặc biệt, thời tiết từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay cũng nhiều bất thuận cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm 2022 dự báo trên khu vực biển Đông sẽ có khoảng 4 - 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến nước ta.
Cần đề phòng bão có thể xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.
Từ tháng 7 - 9/2022 dự báo lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%, riêng tháng 8 cao hơn từ 5-15%; dự báo lũ tại khu vực Bắc Bộ có thể cao hơn mức trung bình nhiều năm.
Tăng năng suất để giảm chi phí
Về sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2022, toàn vùng dự kiến gieo cấy gần 1,2 triệu ha (giảm khoảng 20.000 ha so với năm 2021); năng suất trung bình dự kiến đạt 53,1 tạ/ha (tăng khoảng 0,8 tạ/ha); sản lượng ước đạt 6,37 triệu tấn.
Để tiếp tục giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất góp phần bù đắp sản lượng lúa đã bị giảm trong vụ đông xuân vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đề nghị các địa phương cần khẩn trương thu hoạch lúa khi vừa chín tới theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" và thực hiện nguyên tắc gieo cấy vụ hè thu, vụ mùa càng sớm càng tốt.
Đồng thời, tăng cường sử dụng các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, chống chịu khá với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận.
Mỗi địa phương nên cơ cấu từ 3 - 4 giống lúa chủ lực và 3 - 4 giống lúa bổ sung.
Về sản xuất vụ đông 2022, toàn vùng có khoảng 400.000ha diện tích; tỷ lệ cơ cấu cây ưa ấm và cây ưa lạnh khoảng 50 - 50% diện tích; phấn đấu tổng giá trị sản xuất khoảng 32.000 - 34.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất trung bình đạt 80 - 85 triệu đồng/ha.
Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương nhận định, vụ mùa, bệnh bạc lá có nguy cơ phát sinh, gây hại trên diện rộng, do đó khuyến cáo đặc biệt lưu ý bố trí cơ cấu giống lúa, ưu tiên các giống có gen kháng bạc lá.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam dự báo, trong vụ hè thu, vụ mùa, giống chuyển vùng tại chỗ gặp nhiều khó khăn, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống lúa có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về số lượng, chất lượng giống lúa.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo định hướng phát triển vụ đông như một vụ chính, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành trồng trọt; đồng thời phát triển vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
Ông Doanh đề nghị các địa phương và ngành liên quan bám sát tình hình, chủ động phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa nhất là nguy cơ đạo ôn cổ bông, rầy; chuẩn bị tiêu thoát nước trong điều kiện thời tiết bất thường; tập trung mọi điều kiện để thu hoạch nhanh gọn lúa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Đối với vụ hè thu, vụ mùa sẽ bị muộn do thời gian vụ đông xuân kéo dài hơn cùng kỳ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý ngay sau khi thu hoạch vụ đông xuân cần tiến hành làm đất ngay, cấy càng nhanh càng tốt đồng thời tính toán kỹ lưỡng về lịch thời vụ, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày, riêng vùng Bắc Trung Bộ là giống cực ngắn, các tỉnh đồng bằng sông Hồng không nên gieo sạ nhiều…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.