Sáng nay 9.4, 600 đại biểu dự buổi Thủ tướng đối thoại với nông dân

Phương Đông Thứ hai, ngày 09/04/2018 00:14 AM (GMT+7)
Sáng hôm nay, ngày 9.4 tại tỉnh Hải Dương diễn ra cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ tổ chức đối thoại với nông dân.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

600 đại biểu dự cuộc đối thoại

Chủ trì cuộc đối thoại là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo Ban Tổ chức, sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì dự kiến sẽ có hơn 600 đại biểu tham dự, gồm: đại diện lãnh đạo các Ban của Đảng, Quốc hội, lãnh đạo các Bộ; ngành Trung ương; lãnh đạo các Ban, đơn vị của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương; lãnh đạo 63 Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương.

Đặc biệt, hội nghị có sự hiện diện của 300 nông dân đến từ mọi miền Tổ quốc và tỉnh Hải Dương. Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đối thoại với giai cấp nông dân Việt Nam. Chủ đề của cuộc đối thoại là: Tháo gỡ vướng mắc; Khơi dòng động lực; Tiếp đà 30 năm Đổi mới.

Cuộc Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới” là sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo, tổ chức. Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là cơ quan được giao tổ chức thực hiện sự kiện này.

Nhà báo Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc đối thoại cho biết: “Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại với nông dân cả nước để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những vướng mắc khó khăn của người nông dân, Hội NDVN đã giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo Điện tử Dân Việt triển khai tập hợp các ý kiến của nông dân cả nước. Sau hai tuần triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi của hàng nghìn nông dân cả nước gửi về”.

Cũng theo Ban Tổ chức, buổi đối thoại sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tham dự buổi đối thoại còn có các thành viên Chính phủ, gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB,XH Đào Ngọc Dung, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành sẽ tham dự buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại này, nông dân trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: chính sách, công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chính sách thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ nông sản; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý vật tư nông nghiệp, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

2 vấn đề trước mắt, 5 vấn đề chiến lược

Trước thềm diễn ra cuộc đối thoại, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) Thào Xuân Sùng khẳng định, đây là lần đầu tiên T.Ư Hội NDVN tổ chức cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với NDVN để ND trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Người đứng đầu tổ chức Hội Nông dân Việt Nam cho biết, có 2 nhóm vấn đề mà Thủ tướng sẽ tiếp thu và có chỉ đạo ngay sau buổi đối thoại. Đó là nhóm vấn đề về biện pháp cụ thể tăng cường quản lý nhà nước đối với sản xuất phân bón, giải quyết khó khăn trong tích tụ ruộng đất, bảo vệ môi trường, dạy nghề…

img

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng (thứ 2 bên trái) trao tặng máy nông nghiệp cho nông dân vùng cao tỉnh Sơn La trong chuyến thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết 2018 hội viên, nông dân nghèo địa phương này. Ảnh: Hà Văn Hoàng/Dân Việt.

Nhóm vấn đề thứ 2 là rà soát bổ sung quy hoạch và chính sách. Tôi rất tin Thủ tướng sẽ tiếp thu và giao cho các bộ, ngành, hoặc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể giải quyết. Nhóm vấn đề này phải có đề án cụ thể, trình Quốc hội và có lộ trình giải quyết trong 1-2 năm.

Theo Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng, để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả và bền vững, điều cốt lõi là cần dựa vào nông dânvà vì nông dân. Điều này xuất phát không chỉ từ tâm tư, nguyện vọng của người dân mà còn từ đường lối, chiến lược phát triển đất nước. Để làm được điều này cần giải quyết 5 nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất: Cần tiếp tục rà soát bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp trong phạm vi cả nước, nhất là ở 6 vùng chiến lược: Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Tây nguyên, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Mục đích là để xác định rõ nhu cầu giữa cung và cầu. Từ đó có lộ trình xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa đạt hiệu quả và bền vững.

Thứ 2: Qua khảo sát các địa phương cả nước, tôi rất mong muốn Thủ tướng chủ trì giải quyết về đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp. Trên cơ sở rà soát bổ sung quy hoạch đó thì Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho hội viên, ND, các HTX và các DN trong lĩnh vực nông nghiệp kết cấu hạ tầng nông nghiệp để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản và lưu thông.

Thứ 3: Trung ương Hội NDVN coi là một giải pháp rất quan trọng, đó là cần tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động sản xuất và cung ứng phân bón. Đã đến lúc Chính phủ và Thủ tướng chủ trì nghiên cứu, ban hành chính sách về khuyến khích hỗ trợ các DN sản xuất phân hữu cơ để tăng hàm lượng dinh dưỡng trên 1 đơn vị phân bón và tăng tính hiệu quả của phân bón với cây trồng với giá hợp lý.

img

Chủ tịch Thào Xuân Sùng trao đổi với ông Trần Minh Hoàng (phải)-nông dân huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) về nuôi tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh. Ảnh: Chúc Ly/Dân Việt.

Thứ 4: Song song với hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NNPTNT thì các cấp Hội NDVN cần tiếp tục triển khai tốt Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư và Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trung ương Hội NDVN đề nghị Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền cùng tiếp tục quan tâm, điều phối nguồn lực, bố trí ngân sách bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ ND cùng cấp. Các cấp Hội NDVN coi đây là phương tiện hữu hiệu tập hợp, vận động hỗ trợ các hộ ND liên kết sản xuất hàng hóa và thực hiện tốt chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.

Thứ 5: Trung ương Hội NDVN cho rằng, con người là yếu tố cốt lõi và quyết định. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề đối với lao động nông thôn. Cần đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng lao động từ đội ngũ cán bộ quản trị HTX cho đến các chủ hộ kinh tế và các hội viên ND với cách là 1 đơn vị kinh tế tự chủ. Họ phải có đủ trình độ, đủ năng lực để phán ánh đúng mong muốn của ông cha ta. Đó là “phi trí bất hưng, phi công bất phú, phi nông bất ổn”.

Hành động để tăng thu nhập cho nông dân

"Chỉ riêng trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự 17 hội nghị, diễn đàn về các vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp", cũng trước thềm diễn ra cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã cho biết như trên khi nhận xét về ý nghĩa của cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân diễn ra hôm nay, ngày 9.4 tại tỉnh Hải Dương. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chỉ riêng trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự 17 hội nghị, diễn đàn về các vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với nông nghiệp, nông thôn và vị thế của người nông dân nước ta.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Đăng Tĩnh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Hoàng Hạnh/Nông nghiệp.

Do đó, cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân lần này sẽ là dịp để Thủ tướng trực tiếp ghi nhận, lắng nghe những ý kiến của nông dân về các vấn đề còn tồn tại, cũng như những kiến nghị cần giải quyết.

Ngành NN & PTNT trong 5 năm tới đặt ra mục tiêu phải thúc đẩy chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, đời sống nông dân phải được cải thiện hơn. 5 năm tới chúng tôi phấn đấu ít nhất là thu nhập của bà con nông dân phải tăng gấp 2 lần so với hiện nay, đây là mục tiêu không chỉ đáp ứng yêu cầu về đời sống của nhân dân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, mà đây thật sự là tiềm năng, lợi thế phải tập trung khai thác.

Thực tế, trong 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã thành công trong giai đoạn đầu rất quan trọng, đã xây dựng được kinh tế theo chiều hướng tiến bộ, trong cơ cấu kinh tế đó, nông nghiệp chỉ còn chiếm 16% trong GDP. Còn lại công nghiệp, xây dựng và khối dịch vụ du lịch đang tăng tỷ lệ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của một nền kinh tế theo xu hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển chung của bất cứ nền kinh tế nào.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một mặt tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều hướng tập trung nông nghiệp công nghệ cao, mặt khác cũng phải kiến nghị có chính sách chung, thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp vào các khu vực khác, thu hút lao động nông nghiệp vào chính khu vực đô thị.

Phấn khởi và kỳ vọng

Trao đổi với Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, nhiều đại biểu nông dân Việt Nam xuất sắc bày tỏ phấn khởi và mong chờ được tham dự hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân. “Mấy năm nay, tôi vinh dự được tham gia nhiều sự kiện, hoạt động tôn vinh nông dân có sự hiện diện phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhưng khi được mời tham dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tôi vẫn rất phấn khởi và mong chờ. Tôi có nhiều điều muốn trình bày tại hội nghị. Đó là những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của gia đình tôi…”, ông Võ Quan Huy, nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Long An bày tỏ.

img

Ông Võ Quan Huy bên vườn chuối của mình ở Long An. Ảnh: Tư liệu.

Là một nhà khoa học tâm huyết trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, TS Đặng Kim Sơn chia sẻ: “Tôi rất kỳ vọng, qua cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với ND, nhiều vấn đề khó khăn, trở ngại, thách thức của nông nghiệp, ND, nông thôn sẽ được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe từ chính người ND - đối tượng quyết định đến sự thành công của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…”.

Chi tiết buổi đối thoại, xin mời bạn đọc theo dõi trên Báo điện tử Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem