Trong nước, thiếu gì chỗ học trồng cây!
(Việc Hà Nội yêu cầu cử cán bộ đi học trồng cây ở nước ngoài)
“Thời gian qua tôi thấy việc chọn lọc để xác định một hệ cây xanh cho TP.Hà Nội chưa được. Tuy nhiên, điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta không có người làm nổi vấn đề trên và phải cử cán bộ đi học tập nước ngoài? Theo tôi, vấn đề nằm ở trách nhiệm, chịu khó học hỏi và làm việc một cách tận tụy. Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm trong nước bởi nước ta có viện nông nghiệp, viện cây trồng với hơn 40-50 năm tích lũy kinh nghiệm, các viện này có nhiều giáo sư nông nghiệp có thể tư vấn cho Hà Nội.
Bên cạnh đó chúng ta những thành phố như Đà Nẵng, họ làm rất tốt vấn đề đô thị, quản lý cây xanh, các tỉnh thành có thể học tập lẫn nhau.
Hơn nữa điều kiện nước ngoài khác mình về thời tiết khí hậu, cây trồng cũng khác, vậy nên chúng ta hãy học tập trong nước trước, chưa cần vội vàng cử người đi học nước ngoài, như thế sẽ rất tốn kém mà chưa chắc đã học được gì nhiều.
(TS Quản lý giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy)
“Tôi cho rằng chủ trương cử một số cán bộ ra nước ngoài học tập kinh nghiệm quản lý cây xanh đô thị là rất đáng hoan nghênh và nên làm. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm các nước có hệ thống cây xanh đường phố đẹp như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, mỗi nước có một điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau vậy nên chúng ta cần học tập có chọn lọc, cần học tập phương pháp và cách quản lý của họ để làm sao có thể triển khai được ở nước mình”.
(Chị Lê Minh Nguyệt, phường Đội Cấn, quận Ba Đình Hà Nội)
Dễ nảy sinh tiêu cực
(Về việc một số trường ĐH-CĐ sẽ xét tuyển học bạ để tuyển sinh năm 2016)
“Việc học sinh đi học rồi đi thi vào trường Đại học (ĐH) là một chuyện có tính hệ thống từ lâu, không phải dễ dàng gì một lúc có thể bỏ ngay đi được. Nếu bỏ các kỳ thi vào ĐH thì quá trình vào trường ĐH sẽ đơn giản hơn, rồi tiết kiệm được tiền tổ chức các kỳ thi nhưng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là việc rất dễ xảy ra khi phụ huynh “chạy” điểm cho các cháu ngay trong trường phổ thông bởi vì lúc đó số điểm trong học bạ sẽ quyết định việc các cháu có vào được trường ĐH tốt hay không? Nếu chuyện này xảy ra nhiều sẽ dẫn đến việc làm hoen ố hoặc thậm chí ảnh hưởng nhiều đến hệ thống giáo dục ở các trường phổ thông”.
(Nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thâm(nguyên Hiệu phó trường PTTH Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)
Đập đi, xây lại càng nhanh càng tốt!
(Về việc Hà Nội quyết định rà soát để di dời chung cư cũ)
“Ở Hà Nội ngoài các hệ thống phố cổ từ thời Pháp để lại thì hiện nay đang tồn tại rất nhiều chung cư xây thời bao cấp. Có những cái xây vào những thập niên 60-70 như ở Thanh Nhàn, Nguyễn Công Trứ, hoặc thập niên 80 ở Giảng Võ. Tất cả đều giống nhau ở chỗ để cũ kỹ và bất tiện. Nhiều chung cư cũ mốc, ọp ẹp rất mất mỹ quan của thành phố. Chưa kể là khả năng nguy hiểm bất cứ lúc nào nếu nó sụp đổ. Theo tôi, những chung cư này cần phải đập đi và xây lại càng nhanh càng tốt. Vì hiện nay, cải tạo những chung cư cũ này hiện tiến hành rất chậm”.
(Họa sĩ Lê Dũng Cường, khu chung cư D2, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội)
Sao bây giờ mới biết?
(Xung quanh việc Công ty Liên kết Việt lừa đảo tới 60.000 người)
“Hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Liên kết Việt đã khiến hàng trăm hộ gia đình khuynh gia bại sản. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao hoạt động của công ty này rất rầm rộ, công khai diễn ra trong thời gian dài mà không có cơ quan chức năng nào phát hiện ra? Đặc biệt lại núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng? Rồi Lê Xuân Giang công nhiên mặc quân phục với cấp hàm Đại tá đứng trước bàn dân thiên hạ mà không ai biết là giả thì thật không thể tin nổi? Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân cấp phép và quản lý hoạt động của Công ty Liên kết Việt ở đâu? Có sự móc nối tiếp tay hay không? Cơ quan điều tra cần làm rõ để xử lý và không bỏ lọt tội phạm. (ảnh 1)
(Luật sư Nguyễn Hoài Hước - Giám đốc Công ty Luật Bảo Bình)
Nên tăng số lượng người trẻ ở Quốc Hội
(Xung quanh việc chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội)
“Đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập rất mạnh mẽ, đặc biệt là hội nhập kinh tế. Do đó bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng rất cần những cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ cao, ngoại ngữ giỏi… Do đó tôi mong muốn Quốc hội lần này cần tăng số lượng đại biểu là trí thức trẻ, để họ góp phần với Quốc hội đề ra những chủ trương, chính sách mang tính đột phá đưa đất nước phát triển nhanh trên con đường hội nhập. Và như thế Quốc hội mới hoàn thành được sứ mệnh mà nhân dân giao phó. (ảnh 2)
(Bạn đọc Nguyễn Minh Khanh, Nam Định)
Chỉ là phần nổi của tảng băng
(Xung quanh báo cáo của ngành tòa án trước chỉ còn 3 trường hợp kết án hình sự oan trong nhiệm kỳ)
“Tôi cho rằng, con số 3 án oan trong cả nhiệm kỳ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tiễn trong quá trình tham gia tranh tụng, tôi thấy còn không ít người bị kết án oan. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là những chứng cứ mà luật sư đưa ra không được tòa tôn trọng xem xét thận trọng, khách quan; khi bị kết án rồi thì vì nhiều lý do bị can, bị cáo lại không có điều kiện kêu oan, hoặc có kêu nhưng tiếng kêu của họ lại bị chìm vào quên lãng bởi sự thiếu trách nhiệm của những người có thẩm quyền. Để hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai, theo tôi trong quá trình cải cách tư pháp thì trước tiên phải cải cách từ tranh tụng, vai trò của luật sư phải được tôn trọng.(ảnh 3)
(Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.