Sao Mai 2011: Vừa xem vừa... ngủ gật

Thứ bảy, ngày 30/07/2011 07:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xem Sao Mai 2011, người lơ đễnh cứ tưởng nhà đài phát lại chương trình các năm trước vì thí sinh chọn bài giống nhau, cũ mòn đến phát chán. Giờ phát thì quá muộn nên nhiều khán giả vừa xem vừa ngủ gật!
Bình luận 0

Qua hai vòng chung kết khu vực miền Bắc và miền Trung- Tây Nguyên, có thể thấy các thí sinh dự thi phong cách nhạc dân gian là... lười sáng tạo nhất.

“Bội thực” các bài hát về Nghệ - Tĩnh

Năm 2009, thí sinh Việt Hà hát “Chị Mai xuống chợ” thế nào, năm nay Vũ Thị Ngân hát lại y như thế, hay bài “Tình làng quê” đã đem lại thành công cho Bùi Lê Mận ở kỳ trước, kỳ này thí sinh Phương Thanh cũng là một bản sao không có gì khác biệt. Tràn lan ở các vòng thi là những sáng tác mang âm hưởng dân ca Nghệ - Tĩnh như “Tình làng quê”, “Hà Tĩnh mình thương”, “Vỗ bến Lam chiều”... gây cho người xem một sự nhàm chán và sốt ruột.

img
Phương Thanh - thí sinh nổi trội khu vực miền Trung - Tây Nguyên được xem là một “bản sao” của Bùi Lê Mận.

Tương tự như vậy, dòng nhạc thính phòng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các thí sinh cũng rủ nhau ôn lại các ca khúc có tuổi đời tương đương với tuổi của thế hệ cha mẹ họ như “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”, “Bóng cây Kơnia”, “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Tình ca”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Những thành phố bên bờ biển cả”...

Anh Đông Thanh - một khán giả ở Ba Đình, Hà Nội nhận xét: “May mà các thí sinh dòng thính phòng không hát trùng bài của nhau, nếu điều đó mà xảy ra nữa thì tôi chỉ còn nước tắt tivi vì chán. Sao năm nào các bạn đi thi cũng chọn hát những ca khúc đó, từ cuộc thi năm 1999 với ca sĩ Trọng Tấn đăng quang đến giải năm nay là 12 năm rồi mà tư duy chọn bài vẫn không có gì thay đổi, cứ nhạc thính phòng là hát mấy bài “lên gân lên cốt”, cứ dân gian là lại thấy mấy ca khúc về Nghệ An, Hà Tĩnh”.

Một điều lạ là bao nhiêu năm nay, Ban tổ chức, Ban giám khảo của Giải Sao Mai vẫn biết “thực đơn” âm nhạc của các thí sinh cũ mòn và thiếu sáng tạo, cứ lặp đi lặp lại như vậy nhưng chẳng có chút động thái nào để giúp họ thay đổi.

Vừa xem vừa ngủ

Tính từ cuộc thi Liên hoan Tiếng hát truyền hình (tiền thân của Giải Sao Mai) vào năm 1997 với giải đặc biệt của Thanh Sử đến nay đã là 14 năm, những hấp dẫn của Sao Mai đang ngày một bớt đi với tốc độ nhanh chóng.

Bên cạnh sự bội thực các cuộc thi hát trên truyền hình thì kịch bản của sân chơi này đã quá cũ, cần một sự thay đổi thực sự sâu tận gốc rễ. Cho dù chương trình chọn cho mình đối tượng thí sinh riêng, đó là những giọng ca được đào tạo bài bản, nhưng rõ ràng, đặt cạnh một cuộc thi trẻ trung khác là Vietnam Idol, sự già nua cũ kỹ của Sao Mai lại càng rõ.

Giá như có một đội ngũ các nhạc sĩ trẻ trung như lực lượng đang tham gia Bài hát Việt đồng hành cùng các thí sinh để giúp họ chọn bài, thể hiện phong cách, giúp họ thoát khỏi tư duy như đang thi tốt nghiệp trong các trường nhạc thì Sao Mai chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn.

Hai đêm chung kết khu vực phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên đều bắt đầu khá muộn vào lúc 21 giờ 15, đó là thời điểm mà sự hào hứng của khán giả truyền hình đã chùng xuống, lại thêm những phần biểu diễn cũ kỹ, những ca khúc nghe quen đến mức nhàm tai khiến rất nhiều người càng lúc càng dễ bị ru ngủ và thỉnh thoảng bị choàng tỉnh bởi giọng nói phấn khích một cách không cần thiết của MC mỗi khi thí sinh kết thúc phần thi. Mấy ai có đủ kiên nhẫn ngồi chờ 2 tiếng rưỡi đồng hồ qua đi để nghe kết quả công bố những thí sinh đoạt giải cao nhất vào lúc 23 giờ 45?

Các quán quân của Sao Mai đang ngày càng “chìm” dần, sau mỗi cuộc thi, khán giả kỳ vọng nhiều ở Thành Lê, Bùi Lê Mận, Xuân Hảo... nhưng các ca sĩ này chẳng mấy khi xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc, các chương trình lớn.

“Khán giả xem Sao Mai giờ ấy ngoài những phóng viên chuyên theo dõi văn hóa văn nghệ cần phải làm tin, bài thì chắc có lẽ chỉ còn có thêm người nhà của các thí sinh” - chị K.L, phóng viên một báo điện tử, nhận xét.

Một phóng viên khác đã có nhiều năm theo dõi Sao Mai cho biết: “Sau đêm chung kết khu vực phía Bắc không mấy hấp dẫn, đêm chung kết khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã làm cho nhiệt huyết của tôi biến đi đâu hết. Không thể ngờ tư duy dàn dựng chương trình của VTV đối với sân chơi này lại cũ mòn đến vậy. Đêm thi đã bắt đầu muộn lại còn màn trống hội dài cỡ 10 phút và đỉnh điểm của sự chán chường là màn MC giao lưu với khán giả khi chờ kết quả từ Ban giám khảo...”.

Sẽ còn 5 đêm thi nữa mới tìm ra được 3 ngôi sao Sao Mai sáng nhất, nếu Ban tổ chức không có những thay đổi kịp thời ở các đêm tường thuật trực tiếp tới đây, chắc chắn chương trình sẽ ngày càng mất thêm nhiều khán giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem