Sắp tới, giá nông sản sẽ còn bấp bênh nữa nếu vẫn làm ăn manh mún

Đình Thắng (Thực hiện) Thứ tư, ngày 31/01/2018 13:00 PM (GMT+7)
“Sắp tới giá cả còn bấp bênh nữa” - đó là nhận định của TS Lê Văn Bảnh (ảnh) – nguyên Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (nay là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NNPTNT) khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN xung quanh câu chuyện một số loại nông sản đang có chiều hướng giảm giá...
Bình luận 0

Báo NTNN đã phản ảnh tình trạng giá một số nông sản ở nhiều địa phương có xu hướng giảm trong thời điểm tết đã cận kề, như mía, cam, hồ tiêu... Theo ông, điều đó có bất thường khi thị trường tết đang sôi động?

- Đây là vấn đề không mới ở nước ta. Trong nhiều năm qua nông sản Việt Nam luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, lúc thì cam, dưa hấu, lúc thì chuối, hành rớt giá thê thảm… Điệp khúc này cứ kéo dài mãi trong nhiều năm qua.

img

Sản xuất nhỏ lẻ, ít áp dụng kỹ thuật khiến nhiều loại nông sản khó bảo quản, chịu sức ép về tiêu thụ sớm... (Ảnh: Thu hoạch cà phê ở Đăk Lăk). Ảnh: T.L

"Với việc giảm thuế về 0% từ 1.1.2018 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, không chỉ mía đường mà rất nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt, như trái cây, hồ tiêu… Giảm giá như hiện nay là còn ít”.

TS Lê Văn Bảnh

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản rớt giá là do phần lớn bà con sản xuất còn manh mún, thiếu thông tin định hướng thị trường, sản phẩm chủ yếu bán ở dạng thô, chất lượng không đồng đều, quy trình không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Và hơn hết là chưa có đầu tư khoa học công nghệ cũng như mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá, nên số lượng sản phẩm ít và chưa ổn định.

Một số nguyên nhân khác khiến cho giá nông sản của chúng ta khó ở trạng thái ổn định, thiếu sức cạnh tranh, đó là do chi phí sản xuất còn cao, phải tiêu thụ qua nhiều lớp trung gian, thương lái; nông dân sản xuất tự phát, người này thấy người kia làm tốt cũng chạy theo làm mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường, đến lúc sản xuất nhiều quá thì không biết bán cho ai.

Riêng với ngành mía đường, thời gian gần đây giá mía thu mua của các nhà máy rất thấp, khiến nông dân chán nản không muốn trồng mía nữa. Điều này đang dấy lên lo ngại ngành mía đường sẽ bị “đè bẹp” trong thời gian tới?

- Đối với mía đường, với giá thành sản xuất cao như hiện nay thì mặt hàng này khó có cơ hội cạnh tranh, nhất là khi chúng ta thực hiện giảm thuế về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Ngành mía đường đang đứng trước viễn cảnh khó khăn khi hàng ngoại nhập tràn vào trong nước chiếm lĩnh thị trường, các nhà máy ế ẩm, thu mua mía với giá thấp và nông dân thì đang quay lưng với cây mía.

Hiện giá đường trong nước khoảng 16.000-17.000 đồng/kg, trong lúc giá đường Thái Lan nhập lậu chỉ 12.000 đồng/kg. Còn ở Trung Quốc đang có sản phẩm đường bắp, đây là dạng đường lỏng, độ ngọt cao, giá rẻ, rất phù hợp để làm mứt, bánh kẹo. Giờ sản phẩm đường các nước này sẽ vào nước ta theo chính ngạch, liệu đường trong nước có cạnh tranh nổi?

img

Sơ chế chuối xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: I.T

Vậy mấu chốt của vấn đề giá cả của các mặt hàng nông sản của chúng ta là gì?

- Thực ra chúng ta đã biết quá rõ “bệnh” của mình. Mấu chốt là ở chỗ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất nông hộ còn nhiều nên khó quản lý. Quy trình sản xuất chưa hợp lý dẫn đến giá thành cao, giá bán cao, khó cạnh tranh hàng ngoại nhập.

Ngoài ra, khâu nghiên cứu thị trường của chúng ta cũng yếu nên không nắm bắt được nhu cầu để sản xuất đủ. Một yếu tố rất quan trọng nữa là khâu chế biến bảo quản cũng yếu nên sản phẩm của chúng ta không phong phú chủng loại, bảo quản được ít ngày dẫn tới chịu sức ép về mặt thời gian.

Tôi đi nhiều nước và thấy rằng họ làm rất tốt khâu bảo quản, chế biến nông sản. Rau xanh của họ bảo quản được cả tháng mà vẫn tươi ngon. Vì vậy họ không bị nhiều sức ép về tiêu thụ, hôm nay bán chưa hết thì để ngày mai bán tiếp, tuần này bán chưa hết để tuần sau bán tiếp...

Còn nông dân chúng ra có rất nhiều nỗi lo khi sản xuất ra mặt hàng nào đó, đến kì thu hoạch mà không bán được hàng thì chỉ còn cách “phá giá” để bán cho bằng hết.

Để các mặt hàng nông sản luôn giữ giá ổn định, cần phải ưu tiên làm việc gì?

- Thực tế chúng ta đã đưa ra được giải pháp đúng và trúng, tuy nhiên chúng ta nói thì nhiều nhưng làm có được bao nhiêu? Dù cho mình đã bắt được bệnh nhưng không tập trung xử lý bệnh thì bệnh tình khó thuyên giảm.

Ngay như việc tổ chức sản xuất theo kinh tế hợp tác, tạo ra những cách đồng lớn, tôi thấy giải pháp này rất hay và căn cơ, tuy nhiên thực hiện không được mấy, ở đồng bằng sông Hồng chưa nhân rộng được, còn ở ĐBSCL cũng chưa mở rộng được nhiều. Khâu chế biến bảo quản còn rất yếu, vậy nên chúng ta mới chứng kiến đợt khủng hoảng giá lợn kéo dài  năm 2017 và chưa dừng lại.

Vậy nên muốn giải quyết được vấn đề, chúng ta phải làm tập trung với quyết tâm cao nhất.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem