Vụ SAGRI liên quan cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
Phiên tòa phúc thẩm vụ SAGRI diễn ra vào này 11/5 vừa qua tạm hoãn do bị cáo Trần Trọng Tuấn làm đơn xin vắng mặt (lý do sức khỏe).
Dự kiến, từ ngày 8 -10/6, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm tại SAGRI đối với các bị cáo: ông Lê Tấn Hùng (cựu Tổng giám đốc SAGRI), ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm về các tội "tham ô tài sản", "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Liên quan vụ án này, 7 bị cáo có kháng cáo và kháng nghị của Viện trưởng VKSND, gồm: ông Lê Tấn Hùng - cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI); ông Trần Vĩnh Tuyến - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Trần Trọng Tuấn - cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM; bà Nguyễn Thị Thúy - cựu Kế toán trưởng SAGRI; ông Hồ Văn Ngon - cựu Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên SAGRI; bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - cựu Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI và ông Đoàn Quang Hồi - cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV Lữ hành Hòa Bình Quốc Tế.
Theo bản án sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên vào 18/12/2021, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng và 17 bị cáo bị TAND TP.HCM xét xử về hàng loạt hành vi xảy ra tại SAGRI (100% vốn Nhà nước).
"Hành vi của bị cáo Hùng và một số đồng phạm gây mất niềm tin của người dân vào việc quản lý tại các cơ quan Nhà nước nên cần phải có mức án nghiêm", tòa nhận định, đồng thời tuyên phạt bị cáo Hùng 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý nhà nước", 14 năm tù về tội "Tham ô tài sản", tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 25 năm tù.
Tòa tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến mức án 6 năm tù do sai phạm khi phê duyệt chủ trương cho SAGRI chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại 672 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn bị đề nghị mức án bằng bị cáo Tuyến. Bị cáo Tuấn cho rằng việc tham mưu cho ông Tuyến là thực hiện đúng theo trình tự, quy định của pháp luật. Ông và các luật sư đề nghị tòa xem xét một cách toàn diện, công tâm để "tránh oan sai".
Toà đánh giá vai trò, trách nhiệm của bị cáo Trần Trọng Tuấn trong vụ án tương đương ông Trần Vĩnh Tuyến, tuyên phạt 6 năm tù về cùng tội danh.
Vụ SADECO liên quan ông Tất Thành Cang - cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM
Trước đó, vào ngày 5/5, phiên tòa phúc thẩm liên quan đến bị cáo Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và các đồng phạm trong vụ phát hành 9 triệu cổ phiếu tại SADECO bị hoãn do có bị cáo mắc Covid-19.
Liên quan sai phạm tại Công ty CP phát triển nam Sài Gòn (SADECO), phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC; Chủ tịch HĐQT SADECO), bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và các đồng phạm sẽ mở lại từ ngày 6 – 17/6.
Theo bản án sơ thẩm xác định, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, bị cáo Tất Thành Cang đã có bút phê đồng ý vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.
Ngoài ra, các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng SADECO) đã chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài trái quy định; gây thiệt hại cho SADECO gần 3,6 tỷ đồng; gây thất thoát gần 2,2 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Đối với tội Tham ô tài sản, 8 người có hành vi sai phạm trong việc sử dụng tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018. Tổng số tiền họ chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.
Trong phiên xét xử sơ thẩm hồi tháng 1, HĐXX nhận định hành vi của ông Tất Thành Cang đã tạo điều kiện cho Tề Trí Dũng thực hiện việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Ngoài ra, bị cáo Dũng đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa tham quan, khảo sát gây thất thoát hơn 2,1 tỷ đồng và tham ô 4,6 tỷ đồng từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty.
Đối với bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc, HĐXX đánh giá bị cáo là người có vai trò quan trọng sau Tề Trí Dũng, giúp sức tích cực cho Chủ tịch HĐQT trong tất cả các hành vi sai phạm.
Vụ "đất vàng" 185 Hai Bà Trưng liên quan ông Nguyễn Thành Tài - cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM
Dự kiến, từ ngày 23 – 27/6, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương), bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) liên quan sai phạm hoán đổi "đất vàng" 185 Hai Bà Trưng (Q.3 TP.HCM).
Theo bản án sơ thẩm, Công ty Diệp Bạch Dương đem thế chấp tài sản 57 Cao Thắng (Q.3) tại Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) TP.HCM từ năm 2008 đến nay chưa được giải chấp. Năm 2010, bị cáo Diệp vẫn thực hiện xin hoán đổi tài sản này để lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng.
Sau khi có tài sản 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không đưa vào thay thế tài sản thế chấp tại Agribank như thỏa thuận, mà thế chấp tài sản này để vay 160 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank). Hậu quả đến nay, sổ đỏ 57 Cao Thắng vẫn đang làm tài sản đảm bảo khoản vay tại Agribank, nhà nước mất tài sản 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại hơn 186 tỷ đồng.
Có 4/10 bị cáo trong vụ án này kháng cáo. Trong đó, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp kháng cáo HĐXX phúc thẩm xét xử, tuyên bị cáo không phạm tội, trả tự do tại tòa. Bị cáo Nguyễn Thành Tài kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự. Công ty Diệp Bạch Dương kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đối với phần liên quan đến công ty. Sacombank kháng cáo đề nghị sửa phần nội dung bản án liên quan đến tài sản 185 Hai Bà Trưng.
Xét xử sơ thẩm vào tháng 11/2021, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Nguyễn Thành Tài 5 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của UBND TP.HCM từ 3 năm tù treo đến 4 năm 6 tháng tù.
HĐXX tuyên thu hồi, xác lập lại quyền sở hữu nhà nước đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng và trả lại cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. Hoàn trả tài sản 57 Cao Thắng cho Công ty Diệp Bạch Dương để giải quyết quan hệ thế chấp với Agribank.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.