Sau 1 năm EC phạt "thẻ vàng": Nhiều tiến bộ trong khắc phục

Anh Thơ Thứ năm, ngày 08/11/2018 06:00 AM (GMT+7)
Sau 1 năm kể từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh cáo với thủy sản Việt Nam khi chưa đáp ứng được các khuyến nghị về ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong khắc phục “thẻ vàng” tình trạng này.
Bình luận 0

Hoàn thiện khung pháp lý

Ngày 23.10.2017, EC chính thức áp dụng cảnh báo thẻ vàng với thủy sản Việt Nam. Ngay sau đó, Việt Nam đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các hành động thực hiện các khuyến nghị, quy định của EC về khai thác IUU, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc giải quyết vấn đề thẻ vàng.

Cụ thể: Sửa đổi Luật Thủy sản theo hướng đáp ứng khuyến nghị của EC và dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật Biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc, Bộ luật Nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU, Hướng dẫn của FAO về thực hiện trách nhiệm quốc gia treo cờ và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 21.11.2017.

img

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc gỡ “thẻ vàng”, hướng đến nghề cá có trách nhiệm. Ảnh: T.L

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp khắc phục như: Ban hành chỉ thị về việc triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (Số 45/CT-TTg ngày 13.12.2017); Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 và một số giải pháp cụ thể khác.

Bộ NNPTNT cũng đã ban hành Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS về kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác IUU; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, trọng tâm trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu lớn hoạt động khai thác, đánh bắt, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt kịp thời cho đơn hàng.

Gắn định vị cho tàu

Để dễ dàng trong việc hoàn tất các chứng từ liên quan đến nguồn nguyên liệu đánh bắt, khai thác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu, Bộ NNPTNT đã yêu cầu các địa phương có đoàn tàu đánh bắt, khai thác có chiều dài 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Theo VASEP, Việt Nam chỉ có 3.000 tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cả nước có 62 doanh nghiệp chính thức ký cam kết chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp và thực hiện các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp để xuất khẩu các mặt hàng hải sản vào thị trường châu Âu.

Khi tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh này phải mở máy suốt 24/24 giờ khi đi khai thác trên các vùng biển. Việc lắp đặt thiết bị này phải hoàn tất trước tháng 10.2018. Có như vậy, ngành khai thác, đánh bắt của Việt Nam mới thực hiện tốt các tiêu chí mà EC đã đưa ra.

Bộ NNPTNT cũng yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan có những biện pháp cụ thể để kiểm soát xuất cảng, ra khơi. Các chi cục thủy sản và cảng cá nằm trong danh sách cung ứng nguyên liệu chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp phối hợp chặt chẽ trong xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, lực lượng kiểm tra kiểm soát tàu cá vi phạm trên biển nhưng bỏ qua, có biện pháp xử lý quyết liệt như rút giấy phép khai thác, đánh bắt, không cấp mới đối với chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.

Không chỉ ở Trung ương mà tại các địa phương, công tác khắc phục thẻ vàng IUU cũng được triển khai tích cực. Đơn cử như tại Bình Định, từ tháng 9 - 12.2018, tỉnh này phấn đấu có 100% xã, phường có hoạt động nghề cá có cán bộ và các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá được phổ biến, tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017; 100% tàu cá đăng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và xử lý; 100% tàu cá khai thác thủy sản vùng biển khơi được kiểm tra, giám sát sản lượng thủy sản khai thác khi cập cảng; 100% tàu cá dài từ 24 m trở lên có gắn thiết bị giám sát hành trình công nghệ vệ tinh Movimar và 300 tàu cá dài từ

15m đến dưới 24m có gắn thiết bị giám sát hành trình VX1700 tự động gửi thông tin về trạm bờ 2 giờ/lần.

Bình Định cũng nỗ lực nâng cấp, xây dựng trạm bờ, đảm bảo tiếp nhận thông tin về vị trí của các tàu cá. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm quy định IUU.

Với những nỗ lực này, hy vọng EC sẽ gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam vào đầu năm 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem