Sau 5 năm tăng cường quản lý thực thi quyền tác giả: Càng làm càng thấy... hoang mang

Thứ sáu, ngày 23/05/2014 09:51 AM (GMT+7)
Một vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đến 3 năm vẫn chưa xử xong vì chưa mời được người giám định. Văn bản luật thì nhiều nhưng lách luật cũng nhiều. Đó là vài nét phác thảo màu xám về thực thi quyền tác giả ở Việt Nam.
Bình luận 0
3 năm không mời được giám định

Sáng 22.5, Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Chính phủ về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Có thể nói, đây là một dịp để nhìn lại toàn cảnh bức tranh về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong mọi lĩnh vực đời sống của xã hội và phải thành thật thừa nhận rằng đó không phải là một bức tranh màu sắc tươi sáng.

Đêm liveshow của ca sĩ Khánh Ly được đánh giá cao về cách thực hiện tác quyền.
Đêm liveshow của ca sĩ Khánh Ly được đánh giá cao về cách thực hiện tác quyền.

Theo các số liệu của Thanh tra Bộ VHTTDL, chỉ tính riêng trong năm 2013, số tiền xử phạt các vi phạm hành chính với các vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phần mềm máy tính là gần 3,5 tỷ đồng. Trong lĩnh vực quyền tác giả về âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình trên Internet, số tiền mà các công ty sở hữu trang kinh doanh nhạc số trả cho Hiệp hội Công nghiệp ghi âm là hơn 6,2 tỷ đồng. Thanh tra cũng đã buộc 3 website tháo gỡ hàng ngàn bộ phim của 6 hãng phim lớn của Mỹ…

Tuy nhiên, những sai phạm trong lĩnh vực bản quyền tác giả đã bị xử lý chỉ là một phần rất nhỏ trong số các vi phạm chưa bị xử lý mà nguyên nhân là thiếu cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này. Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đại diện các Sở VHTTDL các địa phương đều than thiếu người, không có ai chuyên trách lĩnh vực này mà chủ yếu chỉ làm kiêm nhiệm, bởi vậy việc kiểm tra và xử lý các vi phạm bản quyền thực sự kém hiệu quả và rất lúng túng.

Một đại diện của Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết: “Chỉ riêng việc đơn giản nhất là xác định mức độ vi phạm của các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả đã gặp muôn vàn khó khăn. Chẳng hạn năm 2009, chúng tôi xử một vụ án tranh chấp về tác phẩm âm nhạc phái sinh, rất cần giám định nhưng lúc đó mới ngã ngửa ra là chưa có tổ chức giám định.

Vậy là phải nhờ Cục Bản quyền giới thiệu cho 4 nhạc sĩ, nhưng khi mời thì 3 người từ chối, chỉ có 1 người nhận lời, không tiến hành được. Chúng tôi lại phải làm công văn nhờ Sở VHTTDL giới thiệu cho 3 nhạc sĩ khác, nhưng đã 3 năm nay, Sở vẫn chưa có câu trả lời nên việc vẫn dừng ở đó. Chính vì sự khó khăn này khiến cho các chủ sở hữu mệt mỏi, chán nản, hoang mang với việc kiện các vi phạm ra tòa”.

Bà Trần Thị Trường (Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) cũng cho biết: “Người Việt mình thường có tâm lý rất ngại chuyện “đáo tụng đình” nên mặc dù bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng rất ít khi đưa ra tòa án. Mà đến lúc ra tòa thì việc xét xử vì ở một lĩnh vực mới mẻ nên cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ví dụ vụ kiện của nhạc sĩ Lê Vinh với Hãng phim Trẻ và Công ty DIHAVINA quanh phần lời ca khúc “Hà Nội và tôi” kéo dài suốt gần 4 năm trời mới xong khiến nhạc sĩ hiện nay gần như không còn cảm hứng sáng tác nữa”.

Nhiều luật nhưng vẫn bị lách

Ông Vũ Ngọc Hoan- Cục phó phụ trách Cục Bản quyền tác giả cho biết: “Về hệ thống văn bản luật để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân ở nước ta có thể nói là đã khá đầy đủ, hoàn thiện, việc thực hiện Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ đã được các bộ ngành, địa phương triển khai nghiêm túc tuy nhiên vẫn chưa thực sự quyết liệt bởi nhận thức của các đơn vị này chưa đầy đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ”.

"Trong số các ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn từ trước tới nay, chương trình liveshow của ca sĩ Khánh Ly ở Hà Nội ngày 9.5 vừa qua là tuyệt vời nhất trong lĩnh vực chi trả tiền tác quyền. Nhà tổ chức tự giác đến gặp chúng tôi, đóng ngay 338 triệu đồng tiền tác quyền mà không hề để phải nhắc nhở. Đây là một ứng xử rất có văn hóa và tôn trọng các tác giả của nhà sản xuất chương trình”.

Bà Trần Thị Trường (Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam)

Nghệ sĩ Quốc Chiêm- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết: “Các cơ quan thực thi việc bảo vệ pháp luật thì làm việc chưa có sự thống nhất dẫn đến chuyện người phạt thì không phạt được, người cấp thì cứ cấp. Sở VHTTDL Hà Nội đã có chủ trương, với tất cả các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật từng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ ví như trốn nộp tiền bản quyền thì chúng tôi không cấp phép biểu diễn nữa.

Thế nhưng họ lại lách luật, chỉ làm một đêm thôi, trốn tiền bản quyền xong là giải tán công ty, gọi đến để xử lý vi phạm thì đã mất tích rồi. Sau đó họ lại chuyển sang đăng ký công ty mới, tổ chức chương trình mới, mà chuyện cấp phép thành lập công ty thì do bên Sở Kế hoạch -Đầu tư phụ trách, họ cứ cấp theo đúng thẩm quyền thôi. Thế nên nhà tổ chức biểu diễn không coi chuyện vi phạm pháp luật này ra gì”.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn từ TP.HCM nêu ý kiến: “Các cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.HCM kêu ca chuyện tiền bản quyền cao quá, nhưng xin thưa tính ra một quán hát ở địa điểm đẹp cũng chỉ có 2 triệu đồng/năm cho toàn bộ hơn 30.000 bài hát có trong kho dữ liệu của họ, cái giá ấy là quá rẻ chứ. Thêm nữa, các ca sĩ đi hát đám cưới cũng không hề thực hiện tác quyền, tại sao có ca sĩ đi hát đám cưới cát-xê lên tới 400 triệu đồng mà tác giả ca khúc lại không có một đồng tiền bản quyền nào?”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: “Hơn 10 năm qua, việc thực thi quyền tác giả và quyền liên quan mới bắt đầu bén rễ trong đời sống nên còn nhiều hạn chế, tầm quan trọng của bảo vệ bản quyền chưa được đánh giá đúng mức.

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực này, thậm chí phải có ý kiến với Sở Nội vụ các địa phương để tăng biên chế cho Sở VHTTDL có người chuyên trách về lĩnh vực này”.
Lê Tâm (Lê Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem