Xung quanh vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
|
Ông Cao Sỹ Kiêm. |
Vinaconex vẫn được giao làm đường ống nước, lý do là Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội đã nghe doanh nghiệp nhận lỗi "thành thật" và tin Vinaconex làm tốt hơn đơn vị khác. Ông có nhận định thế nào về vấn đề này?
- Trước hết phải khẳng định rằng đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội đang vận hành do Vinaconex là chủ đầu tư quá kém chất lượng. Nếu như lần vỡ thứ nhất, thứ hai thì còn có lý do để thanh minh, giải thích nhưng hiện nay đã có đến 9 lần vỡ liên tục gần nhau như thế thì trong thi công có vấn đề.
Về việc này, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc và khi nào có kết luận về sai phạm thì chắc chắn phải xử lý. Tôi cho rằng ngoài việc phải xử lí trách nhiệm về kinh tế thì cũng có thể khởi tố vụ án hình sự. Rõ ràng đây là việc làm thiếu trách nhiệm và quản lý yếu kém, gây hậu quả nghiêm trọng, tốn kém về chi phí và ảnh hưởng đến đời sống của hơn 70.000 hộ dân không có nước sử dụng.
Hiện nay, Vinaconex đang là đối tượng trong quá trình điều tra, thanh tra mà lại được giao làm tiếp việc mà chính Vinaconex đã làm sai; việc kinh doanh như thế này thì không đâu trên thế giới làm thế. Thường thì không bao giờ họ chọn đơn vị có sai phạm như thế để tiếp tục giao một công trình vừa có giá trị kinh tế cao, mà lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như vậy. Bởi lẽ, đơn vị đó đã không còn được tín nhiệm, hơn nữa, với quy trình, cách thức như thế mà công trình liên tiếp bị hỏng hóc thì không thể chấp nhận được.
Việc UBND TP Hà Nội vẫn chọn Vinaconex là đơn vị thi công với lý do là đơn vị có vốn, công nghệ, trình độ quản lý và không có đơn vị nào khác ngoài Vinaconex làm được... là không đúng, cần phải xem xét lại.
Để thuyết phục Bộ Xây dựng và TP.Hà Nội, Vinaconex "lý sự" rằng họ làm tốt hơn các doanh nghiệp khác, vì đã biết quy trình, công nghệ phù hợp... Ông thấy như thế có hợp lý hay không?
- Một gói thầu thi công lớn như thế này thì theo tôi hoàn toàn có thể mở thầu quốc tế vì có nhiều công ty quốc tế có kinh nghiệm, trình độ quản lý cũng như có sẵn vốn, họ hoàn toàn có thể làm tốt công việc này.
Tôi cho rằng, trong việc này UBND TP.Hà Nội phải giải thích cụ thể và có sức thuyết phục, tại sao cứ phải chọn Vinaconex mà không chọn nhà thầu quốc tế, hay tại sao không thực hiện đấu thầu công khai.
Ngay cả trong nước, nhiều đơn vị có thể làm được công trình này, chứ không riêng gì Vinaconex. Thực tế là ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị đã làm công trình dẫn nước rất lớn và có chất lượng tốt cho TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Do vậy, nếu không giải thích rõ việc này thì người dân có quyền nghi vấn có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
|
Kể từ cuối năm 2012 đến nay, đã có 9 lần đường ống nước sông Đà bị vỡ.
|
Đã 9 lần đường ống nước vỡ, cuộc sống của 70.000 hộ dân nội thành khốn khổ, song Vinaconex mới chỉ nói xin lỗi. Theo ông, nếu tiếp tục giao Vinaconex, có nên ràng buộc trách nhiệm cụ thể của cá nhân liên quan, nếu làm kém, để xảy ra sự cố sẽ phải đi tù, bỏ tiền túi ra đền không, thưa ông?
- Việc điều tra của các cơ quan chức năng cần phải có thời gian, nhưng phải đảm bảo sự minh bạch, nếu không, tôi khẳng định rằng dư luận sẽ không để yên. Họ sẽ không chỉ giám sát việc xử lý những sai phạm trong việc hỏng hóc đường ống dẫn nước lần thứ nhất; dư luận, nhân dân họ không thể tin được là Vinaconex làm có chất lượng.
Hơn thế, UBND TP.Hà Nội vẫn quyết đinh giao cho Vinaconex làm tuyến đường ống dẫn nước thứ hai thì tôi nghĩ cần phải có biện pháp giám sát đặc biệt.
Ngay từ đầu phải có một hội đồng, có một quy chế và có cách kiểm tra rất ngặt nghèo. Có sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ, cơ quan chức năng nhà nước, thanh tra, kiểm toán, giám sát thi công…
Đây là một công trình rất lớn, tốn kém và có tiền lệ nhỡn tiền như thế rồi mà bây giờ cố làm theo cách gượng ép thì trước mắt người dân sẽ phản ứng và sau này xảy ra sai sót rất khó quy trách nhiệm. Muốn hay không muốn lần này phải thi công không để cho có sự cố, cho nên không thể làm đơn giản theo kiểu chỉ định thầu như thế được.
(Theo Đời sống và Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.