Sau bài “Nông dân đánh bạc với tôm”: Chấn chỉnh sai phạm

Thứ năm, ngày 24/05/2012 09:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Việc tự ý chuyển đổi đất vườn, đất lúa, phá rừng phòng hộ ven biển làm ao nuôi tôm ngoài quy hoạch diễn ra ở một số nơi như Báo NTNN nêu là đúng sự thật”.
Bình luận 0

Đó là khẳng định của Bộ NNPTNT trong Công văn số 1412 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc kiểm tra về nội dung bài báo “Nông dân đánh bạc với tôm” đăng trên Báo NTNN.

img
Các tỉnh miền Trung đang chỉ đạo xư lý nghiêm tình trạng nuôi tôm ngoài quy hoạch.

Nuôi tôm chân trắng ngoài quy hoạch

Trước đó, ngày 27.3, Báo NTNN đăng bài “Nông dân đánh bạc với tôm”, phản ánh tình trạng người dân nhiều tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định, Phú Yên và Quảng Nam ào ạt phá rừng, phá vườn, phá ruộng lúa để đào ao nuôi tôm.

Như tại huyện Tuy An (Phú Yên), các ngành chức năng đã phát hiện 48 trường hợp lấn chiếm rừng phòng hộ, với diện tích 41.000m2 để đào hồ nuôi tôm. Tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định), nông dân cũng rầm rộ phá nhiều ruộng lúa, vườn ngô để nuôi tôm thẻ chân trắng...

Sau khi báo đăng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn yêu cầu Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam kiểm tra, làm rõ sự việc Báo NTNN nêu và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ NNPTNT cử các đoàn đi kiểm tra và đã có Công văn số 1412 gửi Thủ tướng.

Công văn của Bộ này khẳng định, sự việc báo nêu là đúng sự thật: “Đến nay diện tích thả nuôi tôm thẻ ngoài quy hoạch tại Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định là 242,73ha bằng 3,79% tổng diện tích nuôi tôm (6.400ha)”.

Theo Bộ NNPTNT, tại Quảng Nam, diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch từ đất lâm nghiệp, đất vườn tập trung tại huyện Núi Thành, Thăng Bình và Duy Xuyên là 188,1ha.

Tương tự như vậy, diện tích nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch ở huyện Tuy An và Đông Hòa (Phú Yên) là 78.724m2. Còn ở Bình Định nuôi tôm ngoài quy hoạch trên đất trồng cây hàng năm, đất vườn và đất đã được quy hoạch khai thác titan là 46,83ha (tại huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ).

Không riêng gì tôm thẻ chân trắng, việc nuôi tôm hùm cũng đang được người dân mở rộng vùng nuôi ngoài quy hoạch. Bộ NNPTNT cho hay, tỉnh Phú Yên đã xây dựng kế hoạch nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu là 17.960 lồng. Tuy nhiên, do giá tôm hùm ở mức cao nên đến nay người dân phát triển nuôi tôm hùm trong vùng quy hoạch tới 22.000 lồng, tăng 4.040 lồng so với kế hoạch.

Xử lý việc nuôi ngoài quy hoạch

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đối với các vùng nuôi tôm theo quy hoạch, Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, khuyến cáo người dân nuôi với mật độ hợp lý, kiểm soát tốt chất lượng con giống, chú trọng việc xử lý nước trước và sau khi nuôi để hạn chế dịch bệnh, nâng cao nhận thức của người nuôi tôm trong việc bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Bộ NNPTNT cũng cho biết, tại Quảng Nam, các đội kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện đã nhanh chóng thành lập, phối hợp với các xã đến các hộ nuôi tôm thẻ trái phép lập biên bản và tham mưu để huyện xử phạt hành chính đối với các hộ vi phạm.

UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo huyện Tuy An ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích, san ủi đất trái phép để nuôi tôm thẻ, quản lý tốt vùng quy hoạch; xử lý dứt điểm đối với các hộ, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật và không để tình trạng này tiếp tục xảy ra.

Tại tỉnh Bình Định, cơ quan chức năng yêu cầu các hộ vi phạm cam kết và thực hiện việc trả lại hiện trạng đất đã vi phạm. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật nuôi gắn với việc xử lý môi trường để hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Phú Yên: Đã khắc phục hậu quả

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc xử lý thông tin trong bài “Nông dân đánh bạc với tôm” đăng trên Báo NTNN, UBND tỉnh Phú Yên sau khi kiểm tra đã có báo cáo giải trình.

Theo đó, về tình trạng phá rừng phòng hộ chuyển sang nuôi tôm ở huyện Tuy An, UBND tỉnh Phú Yên cho biết ở xã An Ninh Đông có 48 hộ lấn đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất để làm hồ nuôi tôm, với diện tích vi phạm 68.724m2. Đến nay, từ chỉ đạo của tỉnh, 2 hộ đã tự khắc phục, 22 hộ đã thả tôm nuôi.

Về tình trạng tương tự ở huyện Đông Hòa, UBND tỉnh cho biết có 1 hộ lấn chiếm 10.000m2 ở xã Hòa Hiệp Bắc. Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử lý, UBND xã đã xử phạt hành chính hộ này. Riêng với thị xã Sông Cầu, báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên cho biết không có tình trạng phá rừng phòng hộ để nuôi tôm.

Bình Định: Chỉ đạo kiểm tra

Liên quan đến bài báo “Nông dân đánh bạc với tôm”, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng. UBND tỉnh Bình Định thừa nhận tình trạng nông dân một số vùng trong tỉnh đã tự ý phát triển nuôi tôm không theo quy hoạch, do hạ tầng không đảm bảo nên sau 3-4 vụ nuôi, môi trường bị ô nhiễm và có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây tổn thất cho nông dân.

Tình hình này xảy ra ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát, với diện tích 58,33ha. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý quy hoạch nuôi trồng thủy sản và xử lý thích hợp các trường hợp vi phạm quy hoạch nuôi tôm, vi phạm các quy định về sử dụng đất, khai thác nước ngầm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem