Sau Đại hội Đảng bộ, Hà Nội sắp xếp nhân sự lãnh đạo như thế nào?

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 14/10/2020 12:37 PM (GMT+7)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có ý kiến về việc sắp xếp nhân sự sau kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt là sắp xếp vị trí của 4 Phó Bí thư vừa được bầu.
Bình luận 0

Tại Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 (bế mạc chiều ngày 13/10) Đảng bộ TP.Hà Nội đã bầu một lần đủ 71 người vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII.

Cùng đó, tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội đã bầu 16 người tham gia Ban Thường vụ Thành ủy; bầu ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy khóa XVI, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp tục làm Bí thư Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối 100%.

Đồng thời, bầu các Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm: Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP; bà Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy khóa XVI; ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP; ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy khóa XVI.

Sau Đại hội Đảng bộ, Hà Nội sắp xếp nhân sự lãnh đạo như thế nào? - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Liên quan đến việc sắp xếp nhân sự khóa mới sau Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, việc đầu tiên là thực hiện phân công các thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy.

"Hiện đã có phương án, căn cứ vào kết quả Đại hội, Thường trực sẽ xây dựng một kế hoạch báo cáo với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành theo thẩm quyền quyết định phân công đồng chí nào là Phó Bí thư Thường trực, đồng chí nào là Phó Bí thư phụ trách cơ sở Đảng", ông Huệ nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tuyến đang giữ chức Trưởng ban Dân vận Thành ủy, ông Nguyễn Văn Phong đang giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy "giờ làm Phó Bí thư không thể kiêm nhiệm, nên phải có đồng chí nào đó thay Trưởng ban Dân vận, thay Trưởng ban Tuyên giáo".

Ông Huệ nhấn mạnh: "Việc này dứt khoát phải có quá trình sắp xếp. Đồng thời với việc sắp xếp cán bộ về khối Đảng thì chúng tôi sẽ phải tính đến chuyện kiện toàn nhân sự khối chính quyền theo quy định của Trung ương. Hiện nay 50 quận huyện và các đảng bộ trực thuộc đã kiện toàn xong chức danh phân công công việc về Đảng và cơ bản hoàn thiện nhiệm vụ phân công các đồng chí giữ vị trí cấp ủy chủ chốt của HĐND, UBND cũng như MTTQ và các đoàn thể của các quận huyện và tương đương. Chỉ còn một vài nơi đang thiếu Phó Chủ tịch".

Sau Đại hội Đảng bộ, Hà Nội sắp xếp nhân sự lãnh đạo như thế nào? - Ảnh 3.

Các Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội vừa được bầu gồm: Bà Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy khóa XVI; Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVI: ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội và ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy khóa XVI.

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho hay, trước đây, theo quy định, Thành ủy Hà Nội được bầu 3 Phó Bí thư. Nhưng sau đó, Bộ Chính trị đã cho phép hai Đảng bộ lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, là hai đảng bộ có số lượng đảng viên đông, có tính chất đặc biệt, được bầu 4 Phó Bí thư. 

"Hiện nay đồng chí Phó Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đã rõ. Bí thư sẽ thực hiện trách nhiệm làm Trưởng đoàn ĐBQH và theo quy định của điều lệ Đảng thì kiêm nhiệm Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô", ông Huệ nói và cho biết, còn các Phó Bí thư vừa được bầu thì "Thường trực Thành ủy sẽ cân nhắc, bố trí phù hợp với năng lực, sở trường của từng người. Nhưng dứt khoát phải có một đồng chí làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và một Phó Bí thư làm công tác xây dựng Đảng, tổ chức cơ sở Đảng", ông Huệ nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác quản lý, đánh giá cán bộ trong nhiệm kỳ mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: Trong báo cáo chính trị đã nêu rất rõ, tập thể Bộ Chính trị cũng đánh giá cao, thẳng thắn, tính chiến đấu trong việc nhận rõ những khuyết điểm hạn chế, nhất là trong công tác xây dựng đảng.

"Có những việc xảy ra mà chúng ta không mong muốn. Do đó, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, của Ủy ban Kiểm tra các cấp theo hướng tăng cường về chuyên môn, bộ máy, con người, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ về kinh phí để tăng cường vai trò phản biện, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm", ông Huệ nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho hay, trước đây, công tác kiểm tra giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp rất tốt nhưng hàng năm chưa chú trọng xây dựng các chương trình kiểm tra của cấp ủy các cấp. "Lần này sẽ phải tăng cường thêm, ngoài ra cần tăng cường vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, vai trò của các đoàn thể chính trị và toàn thể xã hội, tăng cường xử lý đơn thư, tố cáo, giải quyết bức xúc của nhân dân", ông Huệ nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem