Sau những vụ “chết chùm”, lộ rõ các nhóm lợi ích khủng

Vương Hà Thứ sáu, ngày 15/11/2019 13:20 PM (GMT+7)
Một số quan chức đứng đầu địa phương biến chất đã dám làm tất cả vì lợi ích nhóm, họ bất chấp pháp luật, bất chấp dân khiếu nại, tố cáo gay gắt. Một số đã bị vạch mặt, đã bị kỷ luật, truy tố, nhưng có thể còn không ít đối tượng vẫn an toàn trong bóng đêm.
Bình luận 0

img

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh (trái) và nguyên Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng cùng bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Nối tiếp một số quan chức bị cách chức, truy tố, mới đây nhất đến lượt hai đời chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh vừa bị Ban Bí thư cách hết các chức vụ trong Đảng. Chắc chắn sắp tới các vị này còn bị xử lý về mặt chính quyền và không loại trừ khả năng có thể bị xử lý hình sự.

Theo các cơ quan chức năng công bố, ngoài vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, hai ông Thắng, Vinh còn vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai, về thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các dự án, là nguyên nhân quan trọng, mang yếu tố khởi nguồn cho những sai phạm khác.

Điểm lại các vụ án, vụ việc vừa qua, có thể thấy đây cũng là nguyên nhân chính “đánh gục” nhiều quan chức trong chiến dịch phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo.

Trước đó, cũng nguyên nhân này, hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã bị khởi tố cùng với Vũ “nhôm”. Nhằm trục lợi, họ đã để cho Vũ “nhôm” giật dây, thao túng mua bán nhiều công sản và những mảnh đất “vàng” của thành phố.

Để làm được việc này, Vũ “nhôm” được các “đại ca” của mình trong lực lượng xuất một loạt công văn trái nguyên tắc, vượt thẩm quyền. Hậu quả, hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân cùng một số vị tướng tá khác bị khởi tố.

Cũng liên quan đến quản lý đất, ông Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân) bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tương tự như vậy, trong việc triển khai dự án khu đô thị Thủ Thiêm, một loạt quan chức đã, đang và có thể sẽ còn tiếp tục bị khởi tố, bị kỷ luật... Câu hỏi nóng bỏng phải đặt ra: Vì sao các nhóm lợi ích, trong đó có cả những quan chức đầu tỉnh, dám hoành hành bất chấp pháp luật tới mức như vậy?

img

Hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (trái) và Văn Hữu Chiến bị truy tố trước pháp luật.

Trước hết, chúng ta đều biết, những vấn đề liên quan đến đất đai chiếm khoảng 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo và hầu hết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người cũng từ đây mà ra. Trong đó, không ít đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, khi giải quyết chính quyền địa phương cho rằng không có cơ sở, nhưng lúc cơ quan trung ương vào cuộc, một số kết luận khẳng định, những nội dung tố cáo của dân cơ bản là đúng.

Dự án khu đô thị Thủ Thiêm là ví dụ điển hình và vẫn đang nóng bỏng dư luận. Điều này phản ánh thực tế: Một số lãnh đạo địa phương và doanh nhân đã “ngoắc tay” nhau chặt chẽ, tạo những nhóm lợi ích kinh hoàng. Họ bất chấp tất cả, từ quy định tối thiểu nhất của luật lẫn khiếu nại, tố cáo gay gắt của dân.

Thứ hai, giá đất Nhà nước ban hành quá chênh lệch so với giá thị trường khiến một số quan chức lợi dụng để bán rẻ cho các doanh nhân núp dưới cái tên mỹ miều: Dự án.

Trong tất cả các vụ án, các vụ quan chức bị kỷ luật dính đến đất đai đều xuất phát từ giá đất rất vô lý mà ra. Ai cũng thấy giá đó là vô lý, nhưng tại sao nó vẫn tồn tại? Đây có phải do độ trễ chính sách hay sự cố tình của ai đó nhằm trục lợi?

Thứ ba, một số địa phương lợi dụng chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về dự án BT (xây dựng - chuyển giao, thường được gọi là đổi đất lấy hạ tầng), BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) để trục lợi. Thậm chí, không ít dự án dạng này chưa triển khai nhưng đất đã được trao hết cho doanh nghiệp và họ sớm phân lô bán nền! Khá nhiều tỉnh, thành để xảy ra hiện trạng này.

Ngay ở Hà Nội, khá nhiều dự án kiểu này bị Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính “tuýt còi” và một số dự án đang phải tạm dừng chờ quy định mới của Chính phủ. Hoặc như, Tập đoàn Yên Khánh liên quan Út "Trọc" không có vốn nhưng đã liên danh, liên kết với các công ty khác để trúng đấu giá thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và hàng loạt dự án khác.

Những vụ án, vụ việc như trên cho thấy, nếu thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật, không thể có chuyện “tay không bắt giặc” như Vũ “nhôm”, Út “trọc” và cũng không thể trao đất, trao dự án mà không đấu thầu. Mặt khác, nếu thực hiện đúng luật và những văn bản dưới luật đã có, cũng không thể có chuyện trao đất cho doanh nghiệp, kể cả khi họ chưa triển khai dự án.

Mọi lý do về pháp luật chưa rõ, chồng chéo hoàn toàn là ngụy biện và bao che lẫn nhau. Chính một số quan chức đứng đầu địa phương biến chất đã dám làm tất cả vì lợi ích nhóm, bất chấp pháp luật, lũng đoạn cả cơ quan và các đoàn thể bị họ điều khiển như con rối. Một số vị đã bị vạch mặt, đã bị kỷ luật, truy tố, nhưng có thể còn không ít đối tượng vẫn an toàn trong bóng đêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem