Sau Tết: “Ứng xử” với tiền lì xì cách nào hiệu quả?

Hồng Hương Thứ tư, ngày 17/02/2021 16:49 PM (GMT+7)
Từ khoản tiền mừng tuổi được nhận vào dịp Tết, trẻ có thể học được nhiều bài học về tài chính cũng như góp phần hình thành nhân cách từ lời khuyên của cha mẹ.
Bình luận 0

Tiền lì xì - tiền mừng tuổi tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới mọi người dành cho nhau. Sau những ngày Tết, phần lớn trẻ nhỏ sẽ có được một khoản tiền mừng tuổi lớn so với số tiền tiêu vặt được nhận hàng ngày. Để trẻ không sử dụng lãng phí cũng như học được nhiều bài học quản lý tài chính, cha mẹ có thể nhân dịp này đưa ra nhiều lời khuyên cho trẻ.

img

Ngày đầu xuân năm mới trẻ nhỏ háo hức nhận tiền lì xì kèm lời chúc may mắn từ người lớn

Trân trọng tiền lì xì

Tiền lì xì vốn mang ý nghĩa tượng trưng cho lời chúc may mắn, hạnh phúc và là nét đẹp văn hóa cổ truyền. Vì vậy, cha mẹ trước tiên cần dạy trẻ trân trọng những lời chúc tốt đẹp từ người mừng thay vì chỉ quan tâm số tiền bên trong.

Bên cạnh đó, trẻ nên học cách nhận lì xì từ người lớn một cách lễ phép, biết nói lời “cảm ơn” và chúc lại những điều tốt đẹp. Ngoài ra, không nên để trẻ mở lì xì ngay trước mặt khách hay bàn luận về số tiền bên trong để thể hiện thái độ tôn trọng.

Hiểu giá trị của đồng tiền

Khi có được số tiền lớn, trẻ có xu hướng phung phí, muốn mua những món đồ yêu thích thay vì sử dụng hợp lý. Để tránh điều này, cha mẹ nên dạy trẻ đặt câu hỏi trước khi quyết định mua một món đồ: "Con đã có món đồ tương tự chưa?", "Con sẽ dùng món đồ này làm gì, có thường xuyên không?", "Con có thực sự cần nó không, vì một khi chi ra, con sẽ không thể lấy lại số tiền đó".

Những câu hỏi này sẽ khiến trẻ học được cách cân nhắc, biết giá trị của số tiền mình đang có để chi tiêu hợp lý hơn.

img

Cha mẹ cần dạy cho các con hiểu và trân trọng ý nghĩa văn hóa cổ truyền khi nhận lì xì đầu năm 

Con hãy “nuôi” một chú heo tiết kiệm

Trong những ngày Tết đầu năm, hầu hết các bạn nhỏ đều được nhận khá nhiều tiền lì xì, với số tiền tương đối lớn. Do đó, bố mẹ có thể gợi ý bé dùng một chú heo đất để cất tiền lì xì.

Như vậy, bé vừa được giữ tiền lì xì cho mình, vừa tạo được một đức tính tiết kiệm ngay từ nhỏ. Không những thế còn tránh được việc, bé bắt chước những anh chị lớn tiêu tiền lì xì không đúng mục đích, hay đòi hỏi bố mẹ mua đồ chơi, hoặc bất cứ thứ gì bé thích bằng tiền lì xì.

Sử dụng tiền lì xì vào những việc có ý nghĩa

Dạy bé cách cách tiêu tiền lì xì của mình một cách hợp lý và ý nghĩa nhất sẽ tạo đức tính tốt cho bé ngay từ nhỏ. Có thể bé nhà bạn là những cậu bé ham chơi, thích mẹ dùng tiền lì xì mua siêu nhân, ô tô… hoặc là những cô bé điệu đà, thích mẹ mua cho búp bê, váy áo…, đó là những điều bé thích, bé chưa thể biết được như thế nào mới là tiêu tiền lì xì ý nghĩa.

Mẹ có thể hướng bé tới việc dùng tiền lì xì làm từ thiện, giúp đỡ những bạn nhỏ miền núi nghèo khó, không được ăn Tết đầy đủ như chính con.

Mẹ cũng có thể xây dựng một ý tưởng cho bé tiết kiệm tiền để mua những món quà cho người thân, ví như cùng bố mua một món đồ cho mẹ ngày 8/3 sắp tới, hay mua một món quà dành tặng mọi người trong gia đình nhân ngày sinh nhật họ.

Khi đó tiền lì xì của bé được sử dụng một cách ý nghĩa nhất, và bé của bạn sẽ trở thành người giàu tình cảm hơn.

img

Cha mẹ có thể gợi ý cho con "nuôi" chú heo tiết kiệm để cất tiền lì xì

Tiết kiệm cho tương lai

Thông thường, trẻ không có nhiều nhu cầu chi tiêu gì đặc biệt ngoài đồ dùng thường ngày và dụng cụ học tập. Vì vậy, cha mẹ có thể gợi ý con gửi tiền lì xì vào ngân hàng với tài khoản riêng để lấy lãi. Số tiền này có thể dùng để mua đồ dùng con cần trong tương lai hoặc đầu tư vào các kế hoạch con muốn thực hiện.

Bên cạnh đó, những bài học cơ bản về lãi suất khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ dần hình thành tư duy tính toán, đầu tư và sử dụng tiền thông minh trong tương lai.

Ngoài ra, với nhiều gia đình, các ông bố bà mẹ còn có nhiều cách giúp con sử dụng tiền lì xì mang lại ý nghĩa không nhỏ.

Chị Nguyễn Việt Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) có hai con nhỏ một bé 8 tuổi và một bé 4 tuổi, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, sau Tết mẹ sẽ là người kiểm tiền cùng các bé. Sau đó mình thống nhất cùng con dùng số tiền lì xì đó mua vàng, trung bình mỗi năm tôi mua cho mỗi con 01 chỉ vàng. Số vàng đó mình cất đi, khi nào con lớn con sẽ dùng mua đồ dùng học tập cho bản thân”.

Với anh Ngô Thanh Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) thì lại hướng dẫn con sử dụng tiền lì xì theo cách khác. Năm nào hai bé nhà anh Bình cũng được nhận khá nhiều tiền lì xì Tết từ hai họ nội – ngoại, và sau Tết, anh đều dành thời gian nói chuyện với các con về việc sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả, ví dụ số tiền đó có thể mua được những gì, nếu gửi tiết kiệm sẽ sinh lời như thế nào,…

“Tết năm nay hai bé nhà tôi đều đã lớn (một bé 10 tuổi, một bé 14 tuổi). Sau khi kiểm tiền lì xì mỗi bé được 6 triệu, tôi cho các con giữ một phần nhỏ (200-300.000 đồng) để con tự mua đồ dùng học tập hoặc đồ dùng cá nhân theo sở thích của con, phần còn lại tôi tự nhận mình là ngân hàng, các con gửi tiền và tôi trả lãi cho các con hàng tháng. Số tiền lãi tương đương 50.000 đồng/tháng, các con được dùng tiền đó để tiêu vặt trong tháng, số tiền gốc khi nào con cần mua đồ dùng giá trị như máy tính, xe đạp,... bố sẽ hỗ trợ con cùng mua. Như vậy, các con rất phấn khởi tôi cũng đồng thời giúp các con hiểu hơn cách quản lý tiền”. – anh Bình chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem