Cụ thể, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ngày 10.9 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2016 đến 31.7.2017 đối với sản phẩm cá tra-basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13). Cũng theo thông báo, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày ra kết luận sơ bộ, dự kiến vào khoảng tháng 1.2019.
Như vậy, là hai bị đơn bắt buộc trong giai đoạn xuất khẩu từ 1.6.2016 đến 31.7.2017, công ty cổ phần Hùng Vương có mức thuế chống bán phá giá tại Mỹ là 0 và công ty Nha Trang Seafood phải chịu mức thuế 1,37 USD/kg. Mức thuế bình quân cho các công ty còn lại là 0,41 USD/kg.
Cá tra, basa Việt Nam vừa được giảm thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ cho kỳ POR14.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác đầy đủ với DOC và Bộ Công Thương trong các giai đoạn tiếp sau của vụ việc để bảo đảm kết quả cuối cùng khả quan, tích cực.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
7 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,198 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất là Trung Quốc – Hong Kong, Mỹ và EU tăng trưởng khả quan.
Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ lần đầu tăng trở lại sau hơn một năm sụt giảm do các rào cản kỹ thuật và mức thuế cao khi xuất khẩu vào Mỹ. Cụ thể, giá trị xuất khẩu vào Mỹ đạt 139,1 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vào Mỹ vẫn đang tích cực giữ thị trường này và ngóng tin do những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo nhận định, một khi hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao tại Mỹ, các nhà nhập khẩu sẽ tìm nguồn thay thế, trong đó có sản phẩm thủy sản của Việt Nam, vốn đã có mặt từ thị trường này từ rất lâu.
Việc được giảm mức thuế sẽ tạo thêm điều kiện để cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: Nguyên Vỹ.
TS.Nguyễn Tiến Thông, Đại học Nam Đan Mạch, cho rằng, chiến tranh thương mại nếu xảy ra sẽ tác động trực tiếp, làm tăng giá nhập khẩu trung bình của hàng Trung Quốc vào Mỹ. Tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên do giá thấp hơn, còn xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm.
TS.Thông cho rằng nếu không có chiến tranh thương mại, Mỹ vẫn là thị trường lớn. Nếu chiến tranh thương mại có xảy ra thì giá sẽ không ảnh hưởng nhiều, lợi thế cho cá tra trong nước có khi còn cao hơn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, sự sụt giảm tỷ trọng của cá rô phi tại thị trường Mỹ đang “thắp” lên niềm hi vọng cho các nhà cung cấp cá rô phi khác như Indonesia, Đài Loan, Mexico hay Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp cho cá tra Việt Nam củng cố thêm niềm tin giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật Chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ.
Hiện, Việt Nam cũng chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có Vĩnh Hoàn (VHC). Về mặt thị trường, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của VHC, chiếm hơn 64% tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.