Sau khi được đưa từ rừng sâu thuộc địa phận xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi trở về, do tuổi cao, sức yếu nên người cha Hồ Văn Thanh (82 tuổi) được đưa vào bệnh viện để chăm sóc. Còn con là Hồ Văn Lang (41 tuổi) tạm thời sống tại nhà ông Hồ Văn Tâm - anh con bác ruột (thôn Trà Nga, xã Phong).
Sợ hãi đeo bám, bỏ làng vào rừngChiều 8.8, khi tiếp xúc với chúng tôi, dù không bỏ chạy khi thấy người lạ như trước đó, nhưng “người rừng” Lang ngồi thu mình sát vách tường, với ánh mắt đầy cảnh giác. Đưa bàn tay xoa nhẹ bờ vai như thể trấn an em, giọng ông Hồ Văn Tâm buồn khi nhắc lại chuyện cũ: Khi Lang được cha đưa vào rừng sâu, tôi mới 3 tuổi, nên không biết lý do cha con bỏ làng ra đi.
Tuy nhiên cha tôi kể, sau gần 1 năm kể từ khi mẹ ruột và 2 đứa con chết do bom Mỹ, ông Thanh bồng Lang, lúc đó mới 1 tuổi, rời làng (xã Trà Khê) trốn tận rừng sâu. Có lẽ do không chịu nổi sự ám ảnh khi tận mắt thấy mẹ và 2 con chết thảm nên ông Thanh bỏ đi. Khi đi, ông mang theo 1 con heo nái, 2 con gà, một ít lúa giống, 1 cái xà gạc, 2 bộ đồ cho mình và 2 bộ đồ cho con.
Ông Tâm (trái) và “người rừng” Hồ Văn Lang.
“Lần đầu tiên theo cha vào rừng để thăm và đem đồ dùng cho chú và em, là khi tôi khoảng 12-13 tuổi. Lúc đó đường đi rất hiểm trở, cây cối rậm rạp... nên phải đi cả ngày mới vào đến nơi. Tại đây tôi thấy những vật dụng, đồ dùng mà cha tôi mang vào trước đó, ông Thanh vẫn để nguyên ở góc nhà mà không sử dụng bất cứ thứ gì. Sau này khi tôi hỏi, ông Thanh giải thích: Đồ vật đó của làng cũ, còn tao ở làng mới nên không dùng được” - ông Tâm kể.
Khi đã trưởng thành, cứ mỗi năm một lần, ông Tâm lại lặn lội mang muối, áo quần, giống cây trồng... vào tiếp tế và thăm 2 cha con chú. Và cũng như những lần trước đó, dù nhận nhưng ông Thanh không sử dụng bất cứ vật gì đem vào.
4 thập niên nuôi con nơi rừng thẳmĐể tồn tại nơi rừng thiêng nước độc và tránh sự tấn công của thú dữ, ông Thanh đã chọn làm nhà cách mặt đất gần 10m, sát cạnh một cây rừng to hơn 2 vòng tay người ôm. Ngôi nhà có bề rộng khoảng 3m, dài 4m. Vách làm bằng nứa; mái lợp bằng lá mây và dứa; sàn làm bằng cây gỗ nhỏ.
Để có lương thực ăn, ông Thanh phát rừng làm rẫy, với diện tích khoảng 4 sào (500m2/sào) để trồng lúa, rồi trồng thêm sắn (mì); lượm trái cây, làm bẫy bắt thú rừng làm thức ăn. Để có thêm dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, từ số vỏ nhôm, sắt... nhặt được trong lúc đi làm, ông Thanh đã mài và tạo ra rựa, dao, chén... Dù sống tách rời cộng đồng, thế nhưng ông Thanh không quên sử dụng một miếng nhôm mỏng để làm dao cắt tóc và lược chải đầu cho 2 cha con. “Lần nào vào thăm, cũng thấy chòi đầy thóc, mì khô” - ông Tâm kể.
Riêng muối, thì có lần thấy ông Thanh đốt tranh để lấy. Còn quần áo thì làm bằng lá chuối để bện thành khố; dùng vỏ cây tếch dính thành tấm để mặc. Ngoài ra cha con còn làm cả áo mưa bằng vỏ cây. “Thấy cảnh cha con sống nơi xa xôi, hiểm trở, còn thằng Lang đã lớn nên nhiều lần vào thăm, tôi nói 2 cha con nên về lại làng. Thế nhưng lần nào cũng nhận được cái lắc đầu dứt khoát từ ông Thanh” – lời ông Tâm.
Cứ thế, hết năm này qua năm khác, cha con ông Thanh sống thui thủi trong rừng mà không một lần trở về làng, không tiếp xúc với ai, trừ ông Tâm. Điều kì lạ là dù sống kham khổ, nhưng sức khỏe của 2 cha con ông Thanh vẫn bình thường. Và qua lời của ông Tâm, ông Lang cho biết ông Tâm chưa bị ốm lần nào.
Trở vềCách đây không lâu, khi vào thăm thấy ông Thanh sức khỏe đã yếu, chỉ nằm một chỗ, ông Tâm đã bàn với người thân, đồng thời đến UBND xã Trà Phong đề nghị cho người vào đưa ông Thanh và con ra. Vào sáng 7.8, cùng với 10 trai tráng trong làng, huyện Tây Trà đã cho 20 cán bộ huyện, xã Trà Phong lên đường vào chỗ “người rừng”.
Sau gần 5 giờ cắt rừng lội suối, đoàn người đã vào được nơi ở của cha con ông Thanh. Thấy đông người lạ, ông Lang đã bỏ chạy. Tuy nhiên khi thấy mọi người khiêng cha lên võng để đưa đi, ông Lang liền hoảng hốt chạy theo. Đến chiều tối cùng ngày, khi ra đến trung tâm huyện, ông Thanh được đưa thẳng vào Bệnh viện Tây Trà để chăm sóc; còn ông Lang phải mất nhiều giờ thuyết phục mới chịu đến nhà ông Tâm để ở.
Hiện gia đình tôi và người em trai của Lang rất khó khăn; trong khi bản thân Lang cần phải mất một thời gian rất dài mới có thể hòa nhập được với cộng đồng. Vì vậy rất mong sự quan tâm và hỗ trợ từ các cấp ngành của xã và huyện. Ông Hồ Văn Tâm
|
Cả đêm qua, Lang không chịu ngủ, ngồi ăn trầu, hút thuốc liên tục và thỉnh thoảng lại đi ra, đi vào, miệng lầm bầm. Sợ Lang nhớ rừng lại vào nơi cũ, ông Tâm phải thức để canh chừng. Qua gần 1 ngày trở về, ông Lang ăn uống bình thường. Do sống cùng cha nên ông Lang vẫn nói được tiếng của đồng bào mình là tiếng Cor, nhưng chỉ nói tiếng một.
Vào chiều cùng ngày, trao đổi với PV NTNN về vấn đề này, ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết:
Ngay sau khi cha con ông Thanh được đưa về, tôi cùng cán bộ của huyện đã vào thăm, động viên, hỗ trợ 2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tôi đã chỉ đạo cho xã Trà Phong cử người trông chừng để tránh trường hợp ông Lang bỏ về rừng, làm thủ tục cấp đất, làm nhà cho ông Lang. Đồng thời chỉ đạo cho Trung tâm Y tế huyện chăm sóc sức khỏe cho ông Thanh...
Công Xuân (Công Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.