Sẻ chia định hướng tương lai

Thứ hai, ngày 11/03/2013 11:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Không chỉ được các thầy cô tư vấn trực tiếp, cụ thể để có thể tự tin nộp đơn chọn ngành, chọn trường trong kỳ thi tuyển ĐH-CĐ sắp tới, chúng em còn được nghe nhiều chia sẻ bổ ích giúp chúng em định hướng được việc chọn ngành, nghề một cách nghiêm túc!".
Bình luận 0

Đó là cảm nhận của nhiều học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh "Cùng con em nhà nông chọn ngành, chọn trường" do Báo NTNN phối hợp với cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM tổ chức ngày 10.3.

img
Tổng Biên tập Báo NTNN Lưu Quang Định phát biểu tại buổi tư vấn trực tiếp.

Những câu hỏi "ào ào đổ bộ"

Buổi chiều 10.3, buổi tư vấn trực tiếp là điểm nhấn của ngày hội. Vì sức chứa của hội trường ĐH Nông lâm TP.HCM có hạn, nên chỉ hơn 700 học sinh được tham gia "vòng trong". Còn "vòng ngoài" là các bàn tuyển sinh, hàng ngàn em chen chúc hỏi han, tìm hiểu thêm thông tin. Để trả lời, đồng thời cũng "hướng nghiệp" cho học sinh muốn học khối nông lâm, ông Trần Ngọc Trí - Tổng Giám đốc Green Feed chia sẻ: "Tôi chia sẻ với tư cách từng là học sinh đứng trước các sự lựa chọn; góc độ phụ huynh học sinh, sẽ hướng dẫn con em mình thế nào; tư cách thứ 3 là nhà tư vấn, nhà tuyển dụng. Ngành nông lâm hiện nay đang rất thiếu nhân lực. Chúng tôi đã làm việc với nhiều khoa, trường đào tạo khối ngành này để tuyển dụng nhưng rất tiếc, thực tế nhiều em không biết vì sao mình lại chọn ngành học này, không biết ngành này làm gì. Vì thế, cần có định hướng tốt về ngành học trước khi thi".

Bên cạnh câu hỏi về khối ngành nông lâm, các em còn quan tâm nhiều khối học khác. Học sinh Ngọc An tới từ tỉnh Long An hỏi: "Ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, sinh học có gì khác nhau, ra trường làm gì, trường nào đào tạo uy tín?". Về câu hỏi này, PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn - Hiệu trưởng ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM trả lời: "Trường Đại học Công nghệ thực phẩm của chúng tôi đào tạo cả 2 ngành này. Về cơ bản, đại cương, 2 ngành này học chung 1 năm rưỡi, sau đó, ngành công nghệ hóa học chủ yếu đi vào các phản ứng hóa học; công nghệ sinh học thì đi vào chuyên ngành nghiên cứu gen, cây trồng, vật nuôi. Đôi khi học 2 ngành khác nhau nhưng có thể làm cùng 1 vị trí; có thể làm ở công ty nước, môi trường, làm ở các bệnh viện, các công ty sản xuất thức ăn gia súc".

Để thông tin thiết thực với con em nhà nông

Rất nhiều phụ huynh, giáo viên tới ngày hội thích thú với dòng chữ "cùng con em nhà nông”. Cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Bến Lức, Long An, nói: "Tôi dẫn các em tham gia tư vấn tuyển sinh nhiều lần rồi nhưng lần này cảm thấy gần gũi nhất và hiệu quả nhất".

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ (VTV Cần Thơ), Đài PTTH An Giang, PTTH Đồng Nai và PTTH Lâm Đồng. Đồng thời, thông qua tổng đài 1900575707, nhiều học sinh tại các tỉnh cũng tham gia đặt câu hỏi tới ban tư vấn.

Cùng với các trường THPT, Hội Nông dân các tỉnh, nhiều doanh nghiệp cũng đã thức đêm, lặn lội về tỉnh để cùng tham gia "hộ tống" đưa con em nhà nông về TP.HCM tham gia ngày hội. Ông Trần Văn Hạt - Chủ tịch Hội Từ thiện, thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: "Chúng tôi có mặt tại Bến Tre trước một ngày, cùng hỗ trợ để đảm bảo đưa con em về dự ngày hội an toàn, lành mạnh. Nhìn thấy chương trình hoành tráng, thiết thực như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ còn được đồng hành cùng chương trình trong những năm tới".

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - đơn vị đăng cai tổ chức sắp xếp cho hơn 2.700 học sinh tham quan nhà trường gồm các khu ký túc xá, vườn ươm, thư viện, "để các em hình dung được môi trường học tập ở đại học"- TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường bày tỏ. Hoạt động này kéo dài xen kẽ từ sáng tới hết buổi chiều. Bùi Mỹ Hà - học sinh tới từ Bến Tre bày tỏ: "Bọn em có một ngày hoạt động liên tục nhưng vui và bổ ích".

Những con số ấn tượng

6.000 Là số học sinh tới dự ngày hội, trong đó có 3.700 em tới từ 9 tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL, gần 2.300 em tới từ các huyện ngoại thành TP.HCM...

70 Là số xe mà Ban tổ chức đã thuê để chở học sinh các huyện vùng sâu, xa về khuôn viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM.

2.700 Là số hộp cơm được Ban tổ chức cung cấp cho học sinh từ các tỉnh xa tới dự ngày hội.

4.100&15.000 Là số nước khoáng và Coca Cola được các nhà tài trợ cung cấp cho tất cả các học sinh tham dự ngày hội.

150 Là số sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tham gia phân luồng xe, hướng dẫn học sinh, phát cơm trưa và hướng dẫn học sinh nghỉ trưa tại các giảng đường.

200 Là số cán bộ hội nông dân các tỉnh, giáo viên - thành viên Ban giám hiệu các trường THPT đưa học sinh tới ngày hội.

42 Là tổng số gian hàng của các trường ĐH-CĐ- trung cấp tham dự ngày hội.

1.000 Là số lượng câu hỏi mà các chuyên gia tư vấn, các trường nhận được từ phía học sinh qua nhiều hình thức: Hỏi trực tiếp tại các gian hàng tư vấn, hỏi trong 2 buổi tư vấn chung của chuyên gia (sáng và chiều ngày 10.3) và hỏi qua tổng đài 1900757507.

Vượt đường trường đi nghe tư vấn

Hàng ngàn học sinh các tỉnh Bến Tre, Long An, Bình Phước đã vượt hàng trăm cây số để kịp tới dự ngày hội. Thầy Huỳnh Lê Hữu Nguyên-giáo viên Trường THPT Măng Thít, huyện Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, với quãng đường gần 250km, thầy và trò trường này đã phải khởi hành từ 3 giờ sáng.

img
 

Tuy nhiên, thầy trò rất phấn khởi bởi tới nơi, Ban tổ chức lo cả bữa sáng lẫn bữa trưa. “Chưa từng có ngày hội tư vấn nào mà Ban tổ chức chu đáo như thế” - thầy Nguyên bày tỏ.

Bữa ăn trưa khổng lồ

Chương trình tư vấn diễn ra trọn ngày 10.3, buổi trưa, hơn 2.700 suất ăn miễn phí được phát tới học trò các tỉnh vùng sâu, xa. TS Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã phải cho mở cửa 3 khu giảng đường, căng tin lớn để học sinh đồng loạt ăn bữa trưa.

img
 

Tuy rất đông người nhưng bữa ăn khổng lồ này diễn ra khá trật tự, ngăn nắp. Đặc biệt ở khu của đoàn Long An, gần 20 sinh viên tình nguyện đã giúp 850 em học sinh nhận suất ăn nhanh chóng, thuận tiện.

“Thầy cô khéo tay quá”

Trần Ngọc Diễm- học sinh tới từ Bình Phước tranh thủ học… tỉa hoa dưa hấu tại gian hàng tư vấn của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

img
 

Em bày tỏ: “Em rất ngạc nhiên khi thầy cô các trường biểu diễn nhiều kỹ năng thú vị, giúp chúng em hiểu ngay ngành học đó là làm gì”. Bàn tư vấn của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM bày nấm linh chi; Cao đẳng Bách Việt có hẳn bàn pha chế cocktail, nước hoa quả... Nhiều trường khác thì thầy cô vẽ tranh ký họa nhanh, thao tác các kỹ năng đồ họa…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem