Hiện nay xu hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn đang được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nông sản sạch ở Việt Nam?
- Nông sản sạch hay nói đúng hơn là nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang là xu hướng phát triển chung của xã hội, bởi vì nhu cầu của người dân là muốn được thụ hưởng nông sản sạch, nông sản an toàn, đấy là quyền của người dân.
Đại diện Sở NNPTNT Hà Nội và doanh nghiệp kiểm tra vùng sản xuất rau su su an toàn tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Ảnh:T.L
Nếu người sản xuất làm ăn gian dối, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin, tẩy chay sản phẩm trong nước... Vì vậy bản thân người sản xuất phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng đến sản xuất bài bản chuyên nghiệp quy mô lớn để phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Như Cường
|
Theo điều 7 của Luật An toàn thực phẩm, các đơn vị khi sản xuất thực phẩm trong đó có rau đưa ra thị trường tiêu thụ phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Trách nhiệm của người sản xuất phải sản xuất sản phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường.
Việt Nam với trên 90 triệu dân, ai cũng mong muốn được sử dụng nông sản sạch, đảm bảo an toàn, vì vậy nhu cầu cho thị trường này rất lớn. Điều đó chứng tỏ tiềm năng của ngành hàng này là vô cùng rộng mở. Không chỉ rộng mở ở thị trường trong nước mà còn đầy tiềm năng xuất khẩu ở thị trường các nước trên thế giới. Hiện nay xuất khẩu rau quả mang lại giá trị hơn 1 tỷ USD mỗi năm, thị trường ASEAN, EU… là những thị trường tiềm năng mà chúng ta cần khai phá.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, mở rộng sản xuất nông sản sạch, nhà nước, chính quyền địa phương cần làm gì, thưa ông?
-Hiện nay các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn về đất đai. Họ là những người làm ăn lớn nên cần sản xuất lớn, cần diện tích lớn. Vậy làm sao tạo điều kiện để doanh nghiệp có đủ ruộng đất sản xuất, điều này phụ thuộc rất lớn vào cơ chế chính sách của nhà nước và địa phương, chính sách tốt thì mới thu hút được nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp. Trung thực mà nói, thời gian qua nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống, tới đây các cơ quan nhà nước cần điều tra, đánh giá, rà soát bổ sung những chính sách thực sự có hiệu quả để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và nông dân.
Phải có sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý trung ương, chính quyền địa phương và người dân thì mới thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, thúc đẩy sản xuất nông sản sạch, an toàn phát triển mạnh. Nếu các bộ ngành vào cuộc mạnh mẽ mà địa phương thờ ơ thì câu chuyện sẽ không được giải quyết, điều đó cũng giống như một bàn tay làm sao vỗ được thành tiếng.
Tôi thấy những địa phương nào, lãnh đạo chính quyền vào cuộc quyết liệt thì ở đó việc thực hiện sẽ được làm tốt. Ví dụ như ở Hà Nam, lãnh đạo tỉnh đứng ra tập hợp người dân, tập hợp đất đai thành một vùng sản xuất rộng lớn, người dân tham gia sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, doanh nghiệp có được đất dai rộng lớn để sản xuất lớn, tập trung.
Tôi còn nhớ thời đó Bí thư tỉnh ủy Hà Nam là anh Mai Tiến Dũng đã đến vận động từng hộ dân liên kết tập hợp đất đai để làm ăn sản xuất lớn. Sở TNMT đại diện UBND tỉnh đứng ra thay mặt người dân ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp. Như vậy doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho nông nghiệp địa phương, người dân cũng yên tâm vì đã có chỗ dựa tin cậy là lãnh đạo tỉnh. Không chỉ có Hà Nam, rất nhiều tỉnh khác như Hà Nội, Lâm Đồng, TP.HCM, Hà Tĩnh… đều có chính sách riêng để hỗ trợ thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, sản xuất nông sản sạch, an toàn.
Được biết Bộ NNPTNT đang soạn thảo quy định mới về chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh xu hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn. Vậy quy định mới sẽ có gì khác so với trước thưa ông?
- Trước đây Bộ NNPTNT đã đưa ra quy định về sản xuất VietGAP với 65 chỉ tiêu bắt buộc, 9 chỉ tiêu khuyến khích. Tuy nhiên sau gần 10 năm thực hiện, việc sản xuất rau được chứng nhận VietGAP là không nhiều, khoảng vài chục nghìn ha. Bởi các chỉ tiêu này rất phức tạp và tốn kém. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Trồng trọt xây dựng tiêu chuẩn VietGAP làm sao đảm bảo sản xuất an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thành tiêu chuẩn. Hiện tại Bộ tiêu chuẩn đó đang được xây dựng, đến năm 2017 bộ tiêu chuẩn này sẽ được ban hành.
Quy trình sản xuất được chứng nhận VietGAP mới theo chỉ đạo của Bộ trưởng phải đáp ứng 3 tiêu chí: đơn giản, dễ thực hiện và chi phí thấp. Bộ tiêu chí mới chỉ có 18 chỉ tiêu bắt buộc, 2 chỉ tiêu cần thực hiện. Hiện nay chúng tôi đang lấy ý kiến góp ý của các địa phương, các doanh nghiệp, nông dân sản xuất theo VietGAP, các tổ chức chứng nhận, các hợp tác xã.
Bên cạnh xây dựng bộ tiêu chí mới, Cục Trồng trọt đang xây dựng chương trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 900.000ha để phục vụ cho hơn 90 triệu người dân được thụ hưởng. Quy trình sản xuất này sẽ rất đơn giản, tập trung hướng dẫn 3 vấn đề: thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, đất. Bên cạnh đó phải có sự thúc đẩy liên kết và giám sát lẫn nhau của các hộ dân.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.