Sẽ đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu lợn hơi chính ngạch

Việt Tùng Thứ năm, ngày 05/01/2017 16:37 PM (GMT+7)
Như Báo NTNN phản ánh, hơn 1 tháng nay, giá lợn hơi liên tục sụt giảm, phần do cung vượt cầu, phần do phía Trung Quốc (TQ) hạn chế thu mua. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch trình Chính phủ và làm việc với phía Trung Quốc để ký các hợp tác song phương, giúp các doanh nghiệp có thể xuất khẩu chính ngạch mặt hàng lợn…
Bình luận 0

Xung quanh các giải pháp này, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT.

Thưa ông, hiện nay giá lợn hơi đã xuống tới mức “chạm đáy”, tại miền Bắc có nơi chỉ còn 23.000 – 25.000 đồng/kg, nông dân đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ. Bộ NNPTNT đã nắm bắt được tình hình này chưa và đánh giá nguyên nhân do đâu?

img

Hiện giá thành lợn nuôi ở Việt Nam ở mức cao nên khó xuất khẩu lợn sang nhiều nước có nền chăn nuôi tiên tiến  (ảnh minh họa). Ảnh: B.D

Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi cần liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để chăn nuôi theo chuỗi (giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến, thị trường) để giảm nguy cơ rủi ro. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo người dân không nên bỏ chuồng, ngừng sản xuất, vì chỉ 4-6 tháng sau thị trường trong nước bị thiếu hụt nguồn cung, giá thịt lợn hơi thương phẩm sẽ phục hồi trở lại.  

- Đúng vậy, hiện giá lợn hơi đang rất thấp, một số vùng đã chạm đáy. Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hiện số đầu lợn hơi đang rất cao. Cụ thể, vào thời điểm này năm 2015, cả nước có 27,8 triệu con lợn thì nay có khoảng 29,1 triệu con. Số đầu lợn tăng, đồng nghĩa với sản lượng tăng. Trong khi đó thị trường tiêu thụ đang bị bó hẹp. Hơn 1 tháng nay, phía TQ đã chỉ đạo các tỉnh giáp biên giới với nước ta giám sát chặt chẽ việc nhập lợn qua các đường tiểu ngạch, do đó các thương lái xuất lợn sang TQ gặp rất nhiều khó khăn, bởi từ trước tới nay lợn vẫn chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch, hầu như chưa từng xuất qua đường chính ngạch.

Trước đó, Cục đã có những khuyến cáo gì cho người chăn nuôi, thưa ông?

- Năm nào chúng tôi cũng có những khuyến cáo gửi Sở NNPTNT các tỉnh, khuyến cáo trong kế hoạch của năm mới, rồi khuyến cáo dịp giữa năm, dựa trên tổng đàn và giá cả, mức độ tiêu thụ để khuyến cáo người dân... Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn chủ yếu chăn nuôi theo lối tư duy cũ mà chưa có sự liên kết theo chuỗi bền vững. Nghĩa là người chăn nuôi hầu như mới chỉ làm được khâu xây trang trại, gắng nuôi thật nhiều lợn, năng suất thật cao, còn đầu ra thế nào, giá cả ra sao lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Bao giờ cũng thế, hễ thấy giá lợn cao là người dân vào đàn, dẫn đến cung vượt cầu, rồi giá tụt giảm, thua lỗ lại bỏ chuồng và khi thấy giá lợn tăng lại vào đàn, bất kể các ngành chức năng đã khuyến cáo rất nhiều.

Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan khác cũng đã nói rất nhiều đến “liên kết chuỗi”, vậy tại sao vẫn không làm được, vướng ở đâu, thưa ông?

- Liên kết chuỗi là một hình thức sản xuất tiên tiến và bền vững, ở đó có sự hài hòa lợi ích giữa các bên. Song để làm được mô hình này, người dân phải có ý thức, kỷ luật cao và phải có một doanh nghiệp đầu tàu. Cái khó của chúng ta hiện nay là quy mô sản xuất mang tính nhỏ lẻ, ý thức kỷ luật chưa cao, vẫn chủ yếu chạy theo giá cả, hễ có lợi là người dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng.

Ở Hà Lan, họ phải mất cả thế kỷ để xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất. Ở đó họ đã xóa được sản xuất nhỏ lẻ. Họ làm rất khoa học, người chuyên sản xuất giống rồi bán cho người chuyên nuôi lợn thịt và người nuôi lợn thịt bán cho các lò mổ, cơ sở chế biến. Quy mô chăn nuôi của họ rất ổn định, chỉ tăng đàn khi đầu mối tiêu thụ báo là nhu cầu tăng, chứ không phải cứ thích là tăng đàn nên rất bền vững.

Hiện lợn hơi chủ yếu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang TQ, vì sao chúng ta không đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu sang các nước khác?

- Đúng vậy. Bài toán này đã được các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, hiện giá thành thịt lợn ở nước ta đang cao hơn nhiều nước khác. Trong khi đó, chất lượng chưa cao, việc kiểm soát dịch bệnh còn hạn chế. Ở các nước phát triển, họ chăn nuôi theo chuỗi nên chi phí, giá thành thấp, về điều này thịt lợn của chúng ta rất khó cạnh tranh. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp trong nước còn nhập khẩu thịt lợn của Mỹ về để chế biến vì giá “mềm” hơn giá lợn hơi trong nước.

Đứng trước những khó khăn này, Cục và Bộ NNPTNT có kế hoạch gì kiến nghị lên Chính phủ, các doanh nghiệp để hỗ trợ người nuôi lợn không?

- Hiện chúng tôi chưa có văn bản nào gửi lên Chính phủ để xin hỗ trợ người chăn nuôi, tiêu thụ lợn. Bởi lợn hơi khác với các mặt hàng khác, không thể mua tạm trữ được. Còn kêu gọi các doanh nghiệp cũng rất khó, do hầu hết các doanh nghiệp lớn cũng đã có chuỗi của họ rồi. Công suất, nhà kho, kho lạnh của họ có hạn, mua về thì để đâu, bán như thế nào? Vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT cũng đã có kế hoạch trình Chính phủ để sang làm việc với phía TQ, nhằm thỏa thuận việc hợp tác xuất khẩu lợn chính ngạch. Tuy nhiên, để đàm phán sao cho hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích giữa hai bên thì cần phải có thời gian.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem