Sẽ khắc phục thanh tra chồng chéo

Thứ sáu, ngày 24/06/2011 08:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 300 câu hỏi tập trung chủ yếu vào các nội dung: Khi nào cơ quan thanh tra vào cuộc? Tình trạng chồng chéo trong thanh tra được giải quyết như thế nào?... đã được đưa ra tại giao lưu trực tuyến của Thanh tra Chính phủ (TTCP) sáng 23.6.
Bình luận 0

Khi nào thanh tra vào cuộc?

Ông Lữ Ngọc Bình - cán bộ thanh tra tỉnh Quảng Ngãi thắc mắc: Thế nào là dấu hiệu vi phạm pháp luật đủ điều kiện thanh tra? Cơ chế nào để Chánh Thanh tra tỉnh có điều kiện phát hiện được dấu hiệu vi phạm? Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho biết, theo điều 22 Luật Thanh tra thì Chánh Thanh tra tỉnh có quyền quyết định thanh tra. Quy định này thể hiện tính chủ động trong hoạt động thanh tra, khắc phục tính bị động trước đây là phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, được đồng ý mới được tiến hành thanh tra.

img
Phó TTCP Trần Đức Lượng (trái) tại cuộc giao lưu trực tuyến.

“Cơ sở pháp lý nào để xác định tính chất mức độ vi phạm? Mức độ nào thì bị xử phạt hành chính? Mức độ nào thì bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự?”- ông Đặng Văn Chiêu (ở Đồng Nai) hỏi. Ông Đỗ Gia Thư - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP) cho rằng, cơ sở pháp lý để xác định tính chất mức độ vi phạm cần căn cứ vào Bộ luật Hình sự, xác định hành vi vi phạm đã gây nguy hiểm cho xã hội đến mức trở thành tội phạm hay chưa? Nếu là tội phạm thì là phạm tội gì? Đối với những hành vi không phải là tội phạm thì tùy theo mức độ mà xem xét áp dụng các hình thức kỷ luật hoặc xử lý vi phạm hành chính.

Chồng chéo nhiệm vụ

Tại cuộc giao lưu, nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề quanh việc chồng chéo chức năng của các đoàn thanh tra, gây khó khăn, rắc rối cho đối tượng được thanh tra. Công tác ở một Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, bà Đỗ Mai Thi (ở Nghệ An) khá bức xúc trước tình trạng một đơn vị có nhiều đoàn thanh tra vào thanh tra cùng một lúc.

Thanh tra Tài chính xử lý hơn 16.400 tỷ đồng

Báo cáo tổng kết nhiệm vụ 5 năm (2006 -2010), Thanh tra ngành Tài chính đã thực hiện gần 33.000 cuộc thanh tra, phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 16.409 tỷ đồng. Kết quả công tác thanh tra cho thấy, Thanh tra các đơn vị chức năng đã chủ động chuyển từ thanh tra vụ việc sang thanh tra chuyên đề diện rộng, không né tránh những vấn đề phức tạp...

Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho rằng các cơ quan thanh tra cần có sự phối hợp ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra, để vừa bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, không gây khó khăn cho đơn vị được thanh tra, vừa bảo đảm trật tự kỷ cương pháp luật. Thực tế, ở nhiều địa phương áp dụng phương thức thanh tra liên ngành, các Sở cùng tiến hành thanh tra một hoặc một vài dự án đầu tư, khi đó sẽ khắc phục được những chồng chéo trong thanh tra.

Trước thắc mắc về việc nhiều cơ quan có chức năng cùng thanh tra một đối tượng, ông Lượng giải thích: Theo quy định của Luật Thanh tra, thanh tra Bộ, Sở tiến hành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Sở. Nếu chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Sở rõ ràng, rành mạch, không chồng chéo thì hoạt động thanh tra cũng không chồng chéo. Tuy nhiên, trên thực tế, chức năng, nhiệm vụ của một số Bộ, Sở còn có sự giao thoa, nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng. Vì vậy, sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra đang là một thực tế.

Ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng TTCP nói: “Luật Thanh tra đã quy định cho người đứng đầu cơ quan thanh tra có trách nhiệm xử lý sự chồng chéo. Khi các Bộ, Sở cùng có kế hoạch thanh tra đối với cùng một đối tượng, thì Tổng TTCP, Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố phải có ý kiến để xử lý tình huống này”.

Hôm nay 24.6, TTCP tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Luật Thanh tra năm 2010. Thông qua trang mạng thanhtravietnam.vn, sẽ tiếp tục nhận câu hỏi, chuyển đến lãnh đạo TTCP để trả lời trên diễn đàn Hội nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem