Sẽ không thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán?

Thứ sáu, ngày 23/12/2011 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết nước ta sẽ thiếu khoảng 30.000 tấn thịt. Tuy nhiên, ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Không hề có chuyện thiếu thịt như tính toán của Bộ Công Thương.
Bình luận 0

Trước tiên, ông có thể đánh giá, nguồn cung ứng thực phẩm trong nước hiện nay có đủ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

- Có thể khẳng định, hiện chăn nuôi phát triển tương đối tốt, đặc biệt vào thời điểm cuối năm này. Do đó, nếu dịch bệnh không xảy ra và không có sự hút hàng của Trung Quốc, thì nguồn cung thực phẩm cho Tết không có vấn đề gì. Hiện tổng số thịt (lợn, bò) trong nước đang tăng khoảng 7,7-8%, chưa kể thịt gà tăng tới 500.000-1 triệu tấn.

img
Theo Bộ NNPTNT, thực phẩm cho dịp tết này sẽ không thiếu.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, dịp Tết tới, nước ta sẽ thiếu hụt khoảng 30.000 tấn thịt và sẽ phải nhập khẩu bổ sung. Ông đánh giá ra sao về sự tính toán này?

- Tôi cũng không hiểu họ tính toán như thế nào, có thể họ cho rằng năm nay nhu cầu tiêu thụ thịt tăng lên, nên mới thiếu đến như vậy.

Như vậy, có thể nói Bộ Công Thương đã tính toán sai so với thực tế và cho đến giờ, hai bộ vẫn chưa thống nhất được với nhau về số liệu thực tế?

- Như tôi đã nói ở trên, tôi cũng không rõ tại sao Bộ Công Thương lại đưa con số dịp Tết, thực phẩm sẽ tăng 20-30%. Thông thường, những năm trước, có tăng như vậy, nhưng từ vài năm trở lại đây nhu cầu tiêu thụ thịt dịp Tết đã giảm đi. Như dịp Tết năm 2011 vừa rồi, chỉ tăng có 12-13%. Nguyên nhân là do, tiêu thụ thịt của chúng ta đã dãn ra tất cả các mùa trong năm, chứ không chỉ tập trung vào Tết nữa.

Hơn nữa, thị trường hiện nay cũng mở cửa, có thể mua thịt được ở khắp nơi, thậm chí mùng 1, mùng 2 Tết người ta đã bán thịt trở lại rồi, nên không có chuyện lo như trước đây. Do đó, việc dự đoán nhu cầu tiêu thụ thịt tăng 20-30% so với ngày thường là không sát.

Chúng ta không lo thiếu, mà lo lắng của chúng tôi là sự điều hành phân phối không đồng đều, có thể có chỗ thừa, nhưng có chỗ thiếu cục bộ. Còn nhìn tổng thể có thể khẳng định, nguồn cung thực phẩm sẽ không thiếu trong dịp Tết tới đây.

Để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước, Bộ NNPTNT đã đặt ra một số mục tiêu tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi đến năm 2020. Cụ thể, đối với đàn lợn sẽ tăng số lượng đầu con từ 35 lên 70%, sản lượng thịt tăng từ 40 lên 80%. Đối với gà, số lượng đầu con tăng từ 30% lên 70%, sản lượng thịt tăng từ 40% lên 80%. Đối với đàn vịt, số lượng đầu con tăng từ 20% lên 40% và sản lượng thịt, trứng tăng từ 25% lên 50%.

Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp Tết, vừa rồi lãnh đạo Bộ NNPTNT đã yêu cầu phải tổ chức tích trữ thực phẩm, việc này đang được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Nhiệm vụ kiểm tra các kho thịt hay các điểm kinh doanh về thịt không thuộc trách nhiệm của Bộ NNPTNT, mà do Bộ Công Thương phụ trách. Nhưng khi giao cho chúng tôi phải làm, chúng tôi đã đi kiểm tra các nơi và có thể khẳng định thực phẩm để cho Tết đang tăng lên rất mạnh như ở TP. Hồ Chí Minh, có những kho hàng tăng lên tới 100%, thậm chí có nơi tăng 250%.

Vậy theo dự báo của Bộ NNPTNT, trong dịp Tết tới, giá thực phẩm có tăng đột biến không, thưa ông?

- Nhìn về tổng thể, sẽ không có sự tăng giá đột biến như hồi tháng 7, 8 vừa rồi. Nhiều người trong giới chuyên môn cũng cho rằng, giá cả sẽ đứng ở mức độ như hiện nay hoặc có thể giảm. Thậm chí, ra Tết, giá thịt gà còn xuống nhẹ, do nguồn cung ứ đọng. Đối với thịt lợn, nếu có tăng, chỉ ở mức 2-3% là cùng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem