Sẽ ứng dụng, sản xuất 2-3 giống biến đổi gen

Khải Huyền Chủ nhật, ngày 13/07/2014 06:22 AM (GMT+7)
Sang năm 2015, TP.HCM sẽ đưa vào sản xuất có kiểm soát từ  1 - 2 giống hoa mới bằng công nghệ biến đổi gene.
Bình luận 0

Ngoài ra, giống các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao như lan, hoa kiểng, cá cảnh… sản xuất tại địa phương sẽ đáp ứng từ 80 - 90% nhu cầu của thành phố.


Cùng với đó, tận dụng những lợi thế sẵn có như tập trung nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, viện, trường, đội ngũ đông đảo các nhà khoa học…, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng giống tốt nhất cả nước. Qua đó, tăng thu nhập cho nông dân ở các xã nông thôn mới (NTM).

img Giống lan cấy mô là một trong những tiến bộ của nông nghiệp TP.HCM. 

Tập trung sản xuất giống

Với điều kiện đất sản xuất ngày càng eo hẹp, việc đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất giống được xem là một thế mạnh của nông nghiệp TP.HCM. Nâng cao giá trị sản xuất đất nông nghiệp thành phố cũng là điều kiện để tăng thu nhập cho nông dân trong quá trình xây dựng NTM.

Ông Lê Minh Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, nhận thấy những tiềm năng to lớn của ngành giống, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm hiện đại, hệ thống nhà kính, nhà lưới, phòng nuôi cấy mô…

Điển hình là công tác sản xuất heo giống. Nhờ áp dụng phương pháp BLUP trong việc ước lượng giá trị gây giống, chất lượng đàn heo tại các trang trại đã cải thiện rõ rệt, thể hiện qua các chỉ tiêu như số lứa đẻ đạt 2,23 lứa đẻ/nái/năm, số ngày nuôi heo đạt trọng lượng 90kg chỉ còn 155 ngày, giảm 14 ngày so với năm 2010...

Trong khi đó, TS Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cho biết, là một sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2006, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình phát triển giống hoa lan, phục vụ phát triển sản xuất. Đặc biệt, nhờ áp dụng kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp cấy mô thực vật, giá thành cây lan giống giảm 50% so với cây nhập nội cùng kích cỡ, cây sinh trưởng đồng đều, ít rủi ro.

Cùng với đó, giống tốt cũng đã giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng rau ở TP.HCM. Năm 2011, năng suất rau bình quân của thành phố đạt khoảng 22,1 tấn/ha/vụ, đến năm 2013, con số này tăng thêm 7 tạ/ha/vụ, lên mức 22,8 tấn/ha/vụ.

Phát triển theo hướng công nghệ cao

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM), trong 5 năm trở lại đây, công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp cả nước. Việc phát triển công nghệ cao trong sản xuất giống cũng là mục tiêu chung của ngành nông nghiệp TP.HCM.

Ông Lê Minh Dũng cho biết, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ nâng tỷ lệ sử dụng giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, giống xác nhận lên mức 80 – 90%, nâng năng suất cây trồng các loại thêm 10 – 15%.

Đặc biệt, sẽ đưa vào ứng dụng, sản xuất có kiểm soát từ 2-3 giống biến đổi gene (GMO) đã được Bộ NNPTNT công nhận.

Riêng Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM sẽ là đơn vị tiên phong thực hiện áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thành phố.

Ông Xô cho rằng, hoạt động nghiên cứu, lai tạo giống hoa lan mới tại TP.HCM hiện nay là tiền đề cho việc tạo ra giống mới của riêng Việt Nam. Từ đó, giảm sự phụ thuộc nguồn giống vào nước ngoài như hiện nay.

    Lập trung tâm giống thủy sản tại Cần Giờ

Bên cạnh giống rau hoa, cá cảnh... TP.HCM có kế hoạch hình thành các trung tâm giống tôm tại huyện Cần Giờ, phục vụ 30 - 50% nhu cầu phát triển sản xuất tại chỗ. Dự kiến, mỗi năm, Cần Giờ sẽ sản xuất hơn 1,1 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng và khoảng 880 triệu con giống tôm sú.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem