Minh bạch hóa cây trồng biến đổi gen: Bài 1: Chưa nhận thức đúng về sản phẩm

Thứ hai, ngày 02/12/2013 06:56 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT đã hoàn tất Dự thảo Thông tư “Quy định trình tự thủ tục cấp, thu hồi giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi”. Đây sẽ là “tấm hộ chiếu” để minh bạch hóa các thông tin về cây trồng biến đổi gen ở nước ta.
Bình luận 0
Hàng năm, nước ta phải nhập khẩu khá nhiều sản phẩm biến đổi gen (GM), chủ yếu là ngô và đậu tương để làm thực phẩm và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc Bộ NNPTNT dự kiến ban hành thông tư nói trên vào cuối năm nay sẽ góp phần minh bạch hoá thông tin, giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về loại sản phẩm này.

Ngành chăn nuôi đã sử dụng sản phẩm GM

Theo Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu chế biến thức ăn trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt 2,73 tỷ USD, tăng 38,5% so cùng kỳ năm trước. Việc nhập khẩu nhóm mặt hàng này đã tăng mạnh trong các năm gần đây do nhu cầu tăng của ngành chăn nuôi trong nước. Theo đó, thị trường nhập khẩu chính là Argentina (chiếm 32,63% thị phần), Ấn Độ (11,6%), và Hoa Kỳ (12,7%). Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập 1,11 triệu tấn đậu tương, trị giá 679 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2012 tăng 1,9% về khối lượng và 4,2% về giá trị; ngô ước tính nhập tới 1,6 triệu tấn, giá trị 511 triệu USD, tăng 8,6% về khối lượng và 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Việc đưa cây ngô GM vào sản xuất sẽ góp phần tăng sản lượng ngô, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Việc đưa cây ngô GM vào sản xuất sẽ góp phần tăng sản lượng ngô, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp – PGS - TS Lê Huy Hàm cho biết, những con số trên nói lên một điều, rằng thực tế ngành chăn nuôi nước ta đã sử dụng sản phẩm GM từ hàng chục năm nay. Đặc biệt là năm 2012, Việt Nam phải nhập tới hơn 4 triệu tấn khô dầu đậu tương, trong khi trên 80% số đậu tương xuất khẩu của thế giới hiện nay là đậu tương GM.

“Rõ ràng, chúng ta đang sử dụng các sản phẩm GM một cách hết sức rộng rãi, vấn đề ở chỗ nhiều người tiêu dùng chưa biết và chưa có nhận thức đúng đắn về loại sản phẩm này. Vì vậy, việc kiện toàn hành lang pháp lý quản lý sản phẩm GM, minh bạch hóa thông tin và góp phần đẩy mạnh ứng dụng, cũng như thương mại hóa tiến bộ này trong sản xuất nông nghiệp là vô cùng cần thiết”-ông Hàm nói.

Thủ tục cần thuận tiện

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: "Từ trước tới nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) vẫn nhập khẩu ngô, đậu tương từ các nước đã ứng dụng cây trồng GM, nên chắc chắn là đã nhập khẩu nguyên liệu TACN có nguồn gốc từ cây trồng GM. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý quản lý lĩnh vực này nên các doanh nghiệp được tự do nhập khẩu mà không cần có loại giấy phép gì”.

Được biết, hiện trên thế giới có hơn 300 tính trạng GM đã được phê chuẩn và thương mại hóa rộng rãi. Khi thông tư này ra đời, có nghĩa là doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu các sản phẩm được Việt Nam phê chuẩn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam vừa thực hiện được mục tiêu quản lý an toàn, song không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại hiện hữu.

Ông Lịch cho rằng: “Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nếu chúng ta sớm ứng dụng cây trồng GM để làm tăng sản lượng ngô, đậu tương, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước thì các nhà sản xuất TACN có thể mua trực tiếp nguyên liệu từ nông dân. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ không phải tốn nhiều chi phí cho các thủ tục phức tạp để nhập khẩu TACN như thủ tục hải quan, kiểm dịch, thuế nhập khẩu, vận chuyển..., mà Nhà nước cũng tiết kiệm được ngoại tệ".

PGS - TS Phạm Văn Toản - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai, một số thủ tục và quy trình chứng nhận của thông tư cần rút gọn và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Đồng quan điểm này, PGS - TS Nguyễn Quang Thạch - giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, chúng ta đã nhập khẩu nguyên liệu TACN từ Mỹ, Argentina, Brazil – những nơi mà hơn 90% sản phẩm ngô và đậu tương là từ cây trồng GM. Gần 10 năm nay, chúng ta ăn thực phẩm từ chăn nuôi có sử dụng thức ăn GM mà chưa hề thấy xuất hiện mối nguy hại nào, vậy thì tại sao chúng ta lại phân biệt đối xử với thực phẩm GM?

Việc Bộ NNPTNT chuẩn bị ban hành Thông tư “Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật GM đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, TACN” cho thấy những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa cây trồng GM, góp phần tăng năng suất cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.


Dự thảo thông tư gồm 4 chương, 16 điều. Các tiêu chí đánh giá an toàn đối với thực vật GM đủ điều kiện làm thực phẩm, TACN tại thông tư này được quy định trên cơ sở tham khảo các hướng dẫn đánh giá an toàn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm CODEX, trong đó có các tiêu chí quan trọng như: Đánh giá theo nguyên tắc phân tích rủi ro đối với thực phẩm có nguồn gốc từ công nghệ sinh học hiện đại; hướng dẫn đánh giá an toàn đối với thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có AND tái tổ hợp...


Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem