Thạch Kim Tuấn (cử tạ)
Niềm hy vọng số 1 của cử tạ Việt Nam tại nội dung 56 kg nam là người
dân tộc Khmer. Kim Tuấn sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em
thuộc huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Năm Tuấn lên 3 tuổi, mẹ anh qua đời vì
bị tai nạn giao thông. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên người chị
cả Thạch Thị Giáng Hương mới cùng các em vào TP.HCM tìm kế sinh nhai.
Thạch Kim Tuấn đang là niềm hy vọng của cử tạ Việt Nam tại hạng cân 56kg
Năm 2006, Kim Tuấn tình cờ làm quen với môn cử tạ thông qua người anh
trai Thạch Kim Anh. Nhờ tố chất sẵn có, Kim Tuấn đã nhanh chóng thành
danh ở môn cử tạ với những thành tích rất nổi bật. Anh đoạt HCV Olympic
trẻ năm 2010 ở hạng cân 56 kg, đoạt 2 HCB, 1 HCĐ giải trẻ thế giới 2012,
3 HCB giải châu Á 2013 cũng như 3 HCĐ giải VĐTG 2013.
Với thành tích ổn định trong hơn 1 năm qua, Kim Tuấn đã được chọn
thay Trần Lê Quốc Toàn tranh tài ở hạng cân 56 kg nam. Dù đã đoạt vô số
thành tích tại giải thế giới cũng như châu lục nhưng Kim Tuấn vẫn chưa
vô địch SEA Games. Vì thế, giải đấu tại Myanmar sắp tới sẽ là cơ hội để
anh bổ sung tấm HCV vào bảng thành tích của mình.
Se Pha (thể hình)
Trong thành phần ĐT thể hình Việt Nam tham dự SEA Games 27 ngoài
những cái tên lẫy lừng như Phạm Văn Mách, Văn Lâm, Anh Thông còn có 1
VĐV rất đặc biệt. Anh là Chăm In Se Pha - một người con của dân tộc
Churu. Se Pha sinh ra trong một gia đình nghèo của bản Pa Rér, xã Phú
Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng.
Se Pha được xem là Hercules của núi rừng Tây Nguyên
Se Pha bắt đầu mê thể hình từ năm 2002 trong một dịp tình cờ. Nhờ vóc
dáng đẹp khi lao động tay chân từ nhỏ, anh đã được các HLV thể hình
chọn mặt gửi vàng. Sau khi đoạt liên tiếp các HCV tại các giải trẻ, Se
Pha gây được tiếng vang lớn bằng tấm HCB châu Á ở hạng cân 70 kg vào năm
2008.
Sau đó 2 năm Se Pha xuất sắc đoạt HCV ở hạng cân trên 70 kg. Tại SEA
Games 27 sắp tới, Se Pha là niềm hy vọng số 1 của thể hình Việt Nam ở
hạng cân này. Anh quyết tâm trở thành VĐV dân tộc Churu đầu tiên đoạt
huy chương SEA Games, rạng danh cho thôn bản.
Anh em người Mường trên đường chạy
Tại SEA Games 27, đội tuyển điền kinh Việt Nam lần đầu tiên có sự
xuất hiện của 2 anh em ruột là Quách Công Lịch và Quách Thị Lan. Hai anh
em sinh ra trong một gia đình người Mường thuộc tỉnh Thanh Hóa và là 2
tài năng đặc biệt của điền kinh Việt Nam.
Anh em Lịch - Lan có nhiều cơ hội đoạt thành tích cao tại SEA Games tới
Quách Thị Lan(sinh năm 1996) được xem là ứng cử viên số 1 cho tấm
HCV nội dung 400 m rào nữ khi ĐKVĐ SEA Games người Malaysia không tham
dự. Thành tích của cô ở cự ly này thậm chí tiệm cận huy chương châu lục.
Quách Công LịchhơnLan2 tuổi cũng là niềm hy vọng lớn của điền kinh
Việt Nam ở nội dung 400 m nam.
Bùi Văn Hải (bóng chuyền)
Vận động viên Bùi Văn Hải là chủ công của đội bóng chuyền Tràng An Ninh
Bình nhưng anh quê gốc Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh là người dân tộc
Mường và được bạn bè trong đội tuyển gọi đùa là “Hải dứa” vì quê gốc
miền núi Thạch Thành của anh bạt ngàn những quả đồi thâm canh cây dứa.
Bùi Văn Hải là chủ công lợi hại của đội bóng chuyền nam
Bùi Văn Hải tuy thể hình không quá lý tưởng nhưng lại có sức bật tốt,
khả năng chắn bóng hiệu quả. Với việc Ngô Văn Kiều vắng mặt, Bùi Văn
Hải được hy vọng cùng Nguyễn Hữu Hà tạo thành bộ đôi tấn công hiệu quả
của đội bóng chuyền nam Việt Nam.
Lừu Thị Duyên (boxing)
Nữ võ sĩ xinh đẹp này sinh ra ở Lào Cai trong một gia đình dân tộc
Mông. Được phát hiện vào năm 2007 khi mới 14 tuổi, Lừu Thị Duyên sớm trở
thành nữ võ sĩ boxing hàng đầu Việt Nam. Vừa khỏe, dẻo dai lại lỳ đòn,
Duyên đã làm rạng danh boxing Việt Nam bằng tấm HCV giải trẻ thế giới
tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011.
Lừu Thị Duyên đặt quyết tâm cao đổi màu huy chương SEA Games
Một năm sau đó, cô suýt chút nữa đã giành vé chính thức dự Olympic London 2012. Tại SEA Games 26, Lừu Thị Duyên đoạt HCB khi bị trọng tài xử ép trắng trợn. SEA Games năm nay, cô tiếp tục là niềm hy vọng lớn của boxing Việt Nam.
Tri Thức (Theo Tri Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.