Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử và Chính quyền TP.HCM do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức chiều 22/9, nhiều nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử phản ánh các sàn liên tục nâng mức phí thanh toán trên doanh thu bán ra.
Bà Lê Thị Phượng Diễm - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Trái Dừa (quận 11), cho biết Shopee từ đầu năm đến nay đã 2 lần tăng phí thanh toán. Lần một tăng từ 2,5% lên 3% vào đầu năm, và mới đầu tháng 9 này tiếp tục tăng từ 3% lên 4%.
“Nhìn qua con số này thì thấy không đáng kể. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động được, tức phải chi thêm cho chi phí cố định, phí quảng cáo thì tổng chi phí đội lên đến 22 - 23% doanh thu, như vậy là rất cao. Điều đáng nói là họ chỉ tăng phí dịch vụ mà không tăng chất lượng phục vụ”, bà Diễm phản ánh.
Bà cũng cho biết thêm, phía nhà bán hàng chỉ nhận được thông báo từ phía Shopee trước vài ngày và thực hiện theo, chứ không có phương án nào khác.
Tương tự, chị Hoài Thu - đại diện công ty Rebaca, bán mỹ phẩm trên TikTok Shop, cho biết TikTok đã 4 lần tăng mức phí thanh toán, giai đoạn đầu chỉ 1,5%, sau đó lên nhích tăng, liên tục tăng và hiện đã 10,8%.
“Dù tăng liên tục nhưng sàn lại không đi kèm nâng cấp, cải thiện dịch vụ”, chị Thu nói thêm.
Các nhà bán hàng này đặt vấn đề hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đã có cơ chế nào để kiểm tra, giám sát việc ban hành mức phí của các sàn hay chưa?
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết việc tăng phí thanh toán trên các sàn hiện nay, nhà nước không quy định về niêm yết giá.
Theo ông, đây là mối quan hệ dân sự giữa người mua và người bán.
Tuy nhiên, theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên, có thể việc tăng phí thanh toán phải được thông báo trước trong bao nhiêu ngày. Các sàn phải nêu rõ cách thức tính giá dịch vụ. Từ đó, nhà cung cấp có quyền tham gia hoặc không tham gia.
Ông Tuấn cũng nói thêm khi các sàn có quyền tăng giá, phí thanh toán thì các nhà cung cấp có quyền khiếu nại theo quy định khi cảm thấy việc tăng này là không cạnh tranh lành mạnh.
Nhà cung cấp có thể gửi đơn, yêu cầu khiếu nại, phản ánh đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (trước đây là Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng).
Nhiều nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cho rằng quyền lợi của nhà bán hàng trên các sàn cũng cần được bảo vệ như quyền lợi quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo đó, có nhà bán hàng đề xuất thành lập Hiệp hội Nhà bán hàng vừa và nhỏ trên sàn thương mại điện tử TP.HCM, đặt dưới sự quản lý của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đây sẽ là nơi thu thập, phản ánh vướng mắc, khiếu nại của nhà bán hàng với các sàn hoặc chuyển ý kiến, nguyện vọng đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.