Treo từ đất đai vườn tược đến... nghĩa địa
Ngày 24.8, PV NTNN có mặt tại khu vực được phê duyệt xây dựng Nhà máy Bột giấy Quảng Nam (thuộc xã Tam Dân, huyện Phú Ninh). Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc dự án bị chấm dứt đầu tư. Và điều dễ nhận thấy là cứ nhắc đến tên dự án này thì người dân địa phương ai cũng bức xúc.
|
Nhà của ông Nguyễn Thanh Sơn (53 tuổi) bị nứt, hư hỏng, không dám đóng cửa ngõ vì dự án treo. |
Bà Lương Thị Ký (80 tuổi, trú thôn Dương Đàn) nói: “Khi nghe xây dựng Nhà máy Bột giấy ở khu vực này, dân chúng vui mừng vì nghĩ rằng có nhà máy, người dân sẽ có công ăn việc làm cho thu nhập khá hơn. Do đó ai cũng chấp nhận chuyển đi nơi khác để nhường đất xây dựng nhà máy. Nhưng ai dè, 6 - 7 năm qua, dự án đã thu 2,5ha đất nhưng vẫn “án binh bất động”.
Trong khi đó, đất đai vườn tược của bà con cũng bị “treo” lây, không trồng trọt, chăn nuôi gì được cả. Nhà cửa hư hỏng, xuống cấp không sửa được. Nhà tôi dột nát quá, sợ nguy hiểm đến tính mạng, tôi xuống xã xin tu sửa thì xã không cho. Tôi phải đi tới đi lui nhiều lần, năn nỉ ỉ ôi, xã mới chịu cho sửa sơ để che mưa, che nắng. Tôi là gia đình chính sách nên mới may mắn như vậy, chứ nhiều nhà khác còn dột nát hơn mà đâu được sửa”.
“Theo bản đồ quy hoạch chi tiết mới đây của huyện Phú Ninh, huyện sẽ giữ nguyên định hướng quy hoạch khu vực này và tới đây sẽ chuyển sang xây dựng cụm công nghiệp tại đây”.
Ông Trịnh Ngọc An - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Ninh
Ông Nguyễn Thanh Sơn (53 tuổi) cho biết, ngày trước nếu có người chết thì chôn ở nghĩa địa phía sau núi Gò Cát rất gần, nhưng từ khi có dự án thì nghĩa địa Gò Cát vì nằm trong quy hoạch cũng “đóng cửa” luôn. Nếu có ai chết, gia đình phải đi nơi khác mua đất để chôn, vừa xa, vừa tốn kém”.
Mong được trả lại đất
Được biết, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Bột giấy Quảng Nam do Công ty cổ phần Giấy và Bột giấy Incomex làm chủ đầu tư, với mặt bằng khoảng 100ha, tổng mức đầu tư theo dự kiến trên 2.200 tỷ đồng.
Một thời nó được tung hô là dự án thuộc loại lớn nhất miền Trung. Thế nhưng những gì nó mang lại cho người dân địa phương trong những năm qua chỉ là sự cay đắng, khổ sở. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Ninh, có 213 hộ dân của 3 thôn Dương Đàn, Dương Lâm và Đàn Trung (thuộc xã Tam Dân) bị ảnh hưởng bởi dự án này.
Trong đó có 157 hộ bị thu hồi đất sẽ chuyển về khu tái định cư mới xây dựng ở thôn Dương Lâm (mới có quy hoạch). Ông Võ Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Tam Dân, cho biết: “Dự án đã làm thất vọng cho địa phương, làm “khổ” nhân dân suốt thời gian dài. Mong rằng tỉnh sẽ có hướng giải quyết mới cho nhân dân trong thời gian tới”. Rất nhiều người dân ở Tam Dân tha thiết dự án bị đình chỉ, đất đai sẽ được trả lại cho người dân để làm ăn như trước kia, nhà cửa được sửa sang, cơi nới để ở…
Tuy nhiên, mong muốn bình thường này của người dân khó thành hiện thực vì hôm 24.8, trao đổi qua điện thoại với ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông này nói rằng: “Chấm dứt dự án vì thời gian quá lâu mà nó không được triển khai. Thời gian tới, nếu có nhà đầu tư khác vào thì sẽ xét cho đầu tư”.
Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.