Gần đây, phim điện ảnh ngày càng nở rộ và các nhà sản xuất cũng tìm đủ cách để tạo ấn tượng cho phim của mình. Nhiều chiêu quái gở xuất hiện: Tựa phim dài ngoằng, vô nghĩa kiểu “Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó” hay nhạc phim gây sốc như “Bài ca thịt chó”.
Sốc với tựa phim vô nghĩa
Khi mới đọc, ban đầu ai cũng nghĩ tựa sẽ là “Ca sĩ, siêu mẫu, nhà khoa học và con chó” nhưng khi nhìn kỹ lại thì chính xác tựa phim là "Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó"!
Không hiểu nhà sản xuất nghĩ thế nào khi quyết định quảng bá tựa phim khó hiểu như thế? Trong tiếng Việt thì rõ ràng ghép những câu chữ này lại chẳng có ý nghĩa gì và nó trái khoáy, khó nhớ. Hay nhà sản xuất muốn tạo một kiểu lạ để thu hút sự chú ý của khán giả vì vốn dĩ nội dung bộ phim là một môtíp khá cũ?
Phim chủ yếu kể về một nhà khoa học vì muốn cứu con gái mình khỏi căn bệnh sốt bại liệt nên đã nghiên cứu và chế tạo ra máy chuyển đổi thân xác. Chính nhà khoa học và con chó của mình cũng bị chuyển đổi thân xác cho nhau gây ra bao tình huống dở khó dở cười…
Khi báo giới thắc mắc về tựa phim, nhà sản xuất không ngại cho biết tựa gốc khi vừa hoàn thành kịch bản là "Giới tính lộn xộn". Sau khi đoàn làm phim tổ chức thi đặt tựa phim trên một diễn đàn, tựa "Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó" được nhiều người tham gia chọn nhất.
Không biết thực hư thế nào nhưng ngay khi tựa phim vừa xuất hiện trên các báo và diễn đàn mạng đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi. Đa phần, các bạn trẻ cho rằng tựa phim đã làm “xấu” tiếng Việt.
“Chỉ những kẻ thiếu ý thức, không phải là người Việt mới có thể nghĩ và đặt cái tên phim nhảm nhí - vớ vẩn - tào lao và đầy xúc phạm tiếng Việt đến thế. Cục Điện ảnh và Sở VH-TT-DL TPHCM mà để cái tên phim này lọt ra rạp thì không chỉ là gây "thảm họa tiếng Việt", "thảm họa điện ảnh Việt" mà còn là tiếp tay giết chết tiếng Việt” - Facebooker Raul Hoàng Liên Sơn cho biết.
Trong khi đó, chị Lê Nguyễn Bảo Trân (28 tuổi, giáo viên cấp 3) trăn trở rằng dù nhà sản xuất muốn “đánh bóng” phim nhưng cũng không nên chọn cách “rẻ tiền” như thế. “Xin nghệ sĩ đừng góp phần giết chết tiếng Việt, xin hãy làm nghệ thuật bằng một cái tâm trong sáng” – chị Bảo Trân chia sẻ.
Tạo sự chú ý cho một sản phẩm bằng những sáng tạo mới không phải là xấu nhưng người làm nghệ thuật cần biết đâu là điểm dừng. Không thể chỉ dựa vào cái cớ sáng tạo mà họ cố làm lệch đi những quy chuẩn cần thiết đã hun đúc từ lâu của xã hội.
Cổ xúy ăn thịt chó?
Chưa hết chuyện tựa phim gây sốc, cư dân mạng lại được dịp xôn xao khi trailer phim “Cột mốc số 23” được tung ra. Phần được đưa ra bàn luận nhiều nhất không phải nội dung phim hay diễn viên tham gia mà chính là bài hát có tựa... “Bài ca thịt chó”!
Đây là bài hát do diễn viên Huy Khánh, diễn viên chính trong phim, thể hiện.
Clip này thu được hơn 50.000 pagesview chỉ sau thời gian ngắn được tung ra. Nhiều bạn trẻ tham gia bình luận sôi nổi với tư tưởng trái chiều. Một số ý kiến nhỏ cho rằng bộ phim sẽ rất vui nhộn, sôi nổi. Tuy nhiên, phần lớn thì lên án hành động cổ vũ cho việc ăn thịt chó, một loài vật được xem là bạn của con người.
“Chó là loài động vật gần gũi nhất trong gia đình - được xem là thân thiết và cũng là thành viên trong gia đình, lúc vui lúc buồn, lúc đi làm về đều có nó- vậy mà nỡ tay giết hại loại động vật này” – một cư dân mạng chia sẻ.
“Diễn văn của luật sư George Graham Vest tại phiên tòa xử vụ kiện hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Safire - Báo New York Times bình chọn là hay nhất trong các bài diễn văn trên thế giới trong 1.000 năm qua. Trong đó, có đoạn tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại dột. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt, có thể sẽ là những kẻ ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở, đó là chú chó của ta.” – một bạn có nickname tachitrung thể hiện ý kiến.
Rõ ràng, cái cách mà các nhà sản xuất trên lựa chọn để quảng bá phim cho thấy các chiêu quảng cáo ngày càng “rẻ tiền”. Nghệ thuật không phải là việc sử dụng những kiểu giật gân, gây sốc để được biết đến. Có lẽ, đến lúc các nhà quản lý cần vào cuộc để ngăn chặn hình thức “đánh bóng” gây sốc này.
Theo NLĐ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.