Đó là cảnh báo của bác sĩ Lê Vương Văn Vệ- Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Các nhà khoa học mới phát hiện ra “siêu vi khuẩn” H041 – tác nhân gây ra bệnh lậu tại Nhật Bản. Điều nguy hiểm là chủng vi khuẩn này có khả năng vô hiệu hóa (kháng lại) tất cả các loại kháng sinh trị bệnh lậu hiện nay.
Sát thủ giấu mặt H041
H041 có thể khiến bệnh nhân bị viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung, buồng trứng, lây nhiễm khuẩn toàn thân và dẫn đến vô sinh, thậm chí tử vong, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Đồng tính nam là nhóm đối tượng nguy cơ cao nhất bị lây nhiễm vi khuẩn này. Bên cạnh đó, những người có quan hệ tình dục với gái mại dâm, đặc biệt là gái mại dâm trong khu vực Đông Nam Á, cũng có nguy cơ rất cao bị nhiễm vi khuẩn này.
|
Vi khuẩn H041 gây lậu có khả năng vô hiệu hóa hầu hết các loại kháng sinh. |
Trước đó, đã có nhiều báo cáo từ Hongkong, Trung Quốc và Australia cho thấy loại vi khuẩn mới gây bệnh lậu đã bị nhờn đối với hầu hết các loại kháng sinh. Vào cuối năm 2010, các nhà khoa học Anh đã chính thức lên tiếng báo động về loại vi khuẩn mới này.
Ông Peter Collignon - Giáo sư Khoa Vi sinh và các căn bệnh truyền nhiễm, Đại học Quốc gia Australia cho hay, vi khuẩn HO41 khiến người ta nhớ lại thời kỳ trước thập niên 20 của thế kỷ 20 khi thuốc kháng sinh chưa ra đời. Do đó, bệnh lậu có khả năng lây lan nhanh chóng trên diện rộng trong tương lai. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia trên thế giới, người dân vẫn tỏ ra lơ là và thiếu cảnh giác đối với các căn bệnh lây qua đường tình dục.
Theo Giáo sư Collignon, nếu các nhà khoa học không mau chóng tìm ra loại thuốc tiêu diệt loại vi khuẩn mới này thì đây sẽ là vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
Tác nhân gây vô sinh
Bác sĩ, tiến sĩ Lê Lương Văn Vệ cho biết, ở Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội có hơn 400 cặp không có tinh trùng tới khám, thì có khoảng 10% là di chứng lây qua đường tình dục, trong đó có bệnh lậu gây tắc ống dẫn trứng dẫn đến vô sinh.
Bác sĩ Vệ cho rằng, trong cuộc chiến giữa con người với các sinh vật vi khuẩn, thì khi có thuốc ampecilin, các vi khuẩn chết hết và giới khoa học đã tạm yên tâm. Nhưng xã hội càng phát triển, các loại vi khuẩn càng biến tướng và xuất hiện các loại kháng lại hầu hết các loại kháng sinh. Ông Vệ cho rằng, có thể loại “siêu vi khuẩn” H041 vừa phát hiện ở Nhật Bản đã có mặt tại VN mà chúng ta không hay biết.
Hiện, thuốc điều trị bệnh lậu hiệu quả là penicilin, spectinomycin hoặc kanamycin. Các kháng sinh này dùng ở dạng tiêm với liều lượng do thầy thuốc chỉ định và phải điều trị dứt điểm cho cả 2 vợ chồng cho tới khi xét nghiệm lại không thấy vi khuẩn. Nhưng nếu bệnh nhân mắc bệnh do vi khuẩn HO41 thì Carbapenam là loại thuốc đặc trị duy nhất và hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, nó có giá rất đắt và chưa có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo đánh giá của các bác sĩ nam khoa, trong số những người tới khám bệnh lậu, tỷ lệ thanh niên nông thôn mắc bệnh là khá lớn, hầu hết do quan hệ với gái mại dâm.
Do đó, nếu bệnh lậu bùng phát nhanh chóng thì đây quả là điều đáng lo ngại đối với các quốc gia đang phát triển, vì những nước này sẽ không có điều kiện để mua thuốc cũng như không có đủ số lượng thuốc cần thiết để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Theo Giáo sư Collignon, một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan của siêu vi này là nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời giúp họ tạo ra thói quen trong việc sử dụng bao cao su. Bên cạnh đó, có rất nhiều cách để ngăn chặn sự nhờn kháng sinh của các loại vi khuẩn như sử dụng đúng liều lượng kháng sinh được chỉ định.
Thanh Hà - Hạ Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.