Simexco Dak Lak: Cùng nông dân phát triển cà phê bền vững

Thứ sáu, ngày 12/04/2013 09:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không là đơn vị tiên phong nhưng đến nay đã có gần 9.000 hộ dân đồng hành cùng Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk (Simexco Dak Lak) sản xuất cà phê theo hướng bền vững.
Bình luận 0

Những gian nan ban đầu đã lùi xa, hàng ngàn nông dân giờ đã tự tin bước vào một quy trình sản xuất mới...

Tư duy mới, cuộc sống mới

Ông Lê Thế Linh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cho biết: Xã có hơn 46% là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng số hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất thấp. Tư duy sản xuất đã làm thay đổi thì đời sống kinh tế...

Ông kể: Ngày trước ngay bản thân ông, một nông dân trồng cà phê “chính hiệu” cũng không biết phải chăm sóc, đầu tư cho vườn cây thế nào cho hợp lý. Cũng như hàng ngàn nông dân khác, ông tin rằng cứ bón phân, tưới nước thật nhiều thì năng suất cây trồng sẽ cao. Thế nên những ngày đầu Simexco Dăk Lăk đến vận động bà con tham gia sản xuất cà phê bền vững, chẳng ai tin rằng cà phê có thể “bền vững”. Cây cà phê muôn đời vẫn thế. Mùa đạt, mùa mất - thay đổi sao được?

Nhắc đến chuyện này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự án Cà phê bền vững Simexco Dak Lak hồi tưởng: “Suốt 1 năm ròng, hơn 10 cán bộ của phòng đi khắp các ngõ ngách, thôn làng mà chỉ vận động được vỏn vẹn gần 1.000 hộ tham gia. Nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, mời đi tập huấn mà không cho tiền là họ quẳng tài liệu đi về. Gian nan vô cùng!”.

img
Kỹ sư nông nghiệp của Simexco Dak Lak hướng dẫn người trồng cà phê kỹ thuật cắt cành, tạo tán cho cây cà phê.

Nhưng ông Dũng không ngờ rằng bây giờ ở Ea Kao, không hiếm hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã sắm được ô tô. Những cái tên như Y Blăc Buôn Yă, Nông Thị Thào ở Ea Kao giờ khó ai bì kịp. Họ giàu từ cà phê - chính xác hơn như khẳng định của ông Linh- họ giàu nhờ tham gia dự án phát triển cà phê bền vững. Ông Linh cho biết, khi tham gia dự án, nông dân thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn miễn phí kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê. Việc này giúp nông dân giảm được đáng kể chi phí đầu tư, tăng năng suất cho cây trồng và đặc biệt họ bán được sản phẩm với giá cao nhất…

Ông Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Dlei Ya (huyện Krông Năng, Đăk Lăk), cũng khẳng định: Sản xuất cà phê theo hướng bền vững chính là giúp nông dân “bền vững” cùng cà phê… Chính ông Sơn là một minh chứng sống. Quần quật cả chục năm trời với 8 sào rẫy cà phê, gia đình ông Sơn cũng chỉ gọi là có cái ăn. Kinh tế của ông Sơn chỉ thực sự thay đổi khi tham gia dự án sản xuất cà phê bền vững. Giờ mỗi năm, nhà ông Sơn thu về đến vài tỷ đồng.

“Mỗi năm tôi tiết kiệm được 30% chi phí cho cây cà phê do giảm bớt lượng phân hóa học, chuyển sang dùng các loại phân ủ từ nguyên liệu có sẵn. Lợi nhuận hàng năm tăng lên rất nhiều so với kiểu sản xuất truyền thống. Nhờ thế mà tôi có được một số vốn đáng kể để mở rộng sản xuất”- ông Sơn nói.

Theo thạc sĩ Trần Thị Minh Huệ, Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc sản xuất cà phê theo lối truyền thống đang lãng phí nguồn nước, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá mức. Điều này không chỉ khiến nông dân phải tăng thêm chi phí sản xuất mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường, chất lượng đất; chất lượng sản phẩm kém do việc thu hái cà phê xanh quá nhiều…

Sát cánh cùng nông dân

Đến cuối niên vụ 2012, số hộ dân tham gia Dự án Phát triển cà phê bền vững cùng Simexco Dak Lak đã lên đến con số gần 9.000 với tổng diện tích hơn 13.000ha, sản lượng đạt tiêu chuẩn 4C và Utz đạt gần 5 vạn tấn. Theo anh Nguyễn Tiến Dũng, khi tham gia dự án, nông dân sẽ được cộng thưởng khi bán sản phẩm. 10 kỹ sư nông nghiệp và 184 tổ trưởng được đào tạo bài bản sẽ là nơi chia sẻ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn về kỹ thuật cho nông dân. Không chỉ thế, đơn vị còn ký hợp đồng với Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân. Đặc biệt, mỗi năm đơn vị sẽ trích kinh phí hỗ trợ từ 2 - 3 vạn cây giống cho nông dân để cải tạo vườn cà phê già cỗi - một vấn đề rất nan giải đối với hàng vạn dân nghèo...

“Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ đồng hành cùng nông dân để làm sao có được sản phẩm cà phê xuất khẩu đạt chất lượng tốt nhất”.

Ông Dũng cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành phát triển cà phê bền vững cùng nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum với quy mô khoảng 8.000ha nhằm từng bước nâng tổng diện tích cà phê bền vững lên 50.000ha vào năm 2015. Điều này cũng có nghĩa là Simexco Dak Lak phải đối mặt với rất nhiều gian nan phía trước.

Diện tích cà phê Tây Nguyên rất lớn nhưng lại phân bố manh mún. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như quản lý chất lượng cà phê theo hướng tập trung. Phía nông dân, phần lớn vẫn canh tác theo thói quen, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau mà chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nan giải nhất đấy là việc tái canh những vườn cà phê già cỗi. Không chỉ mất hơn trăm triệu đồng để tái canh được 1ha cà phê, nông dân phải đợi ít nhất 4 năm mới có thu hoạch.

Bên cạnh đó còn rất nhiều khó khăn khác như phần lớn chất lượng cà phê của nông dân không đạt do tình trạng hái xanh, thiếu sân phơi, thiếu thiết bị xay, sấy… Giống cà phê trước đây đa phần là giống thực sinh, kháng bệnh yếu, năng suất thấp. Trong khi tình trạng hạn hán đang ngày càng gia tăng thì nông dân trồng cà phê lại đang lãng phí nguồn nước. Việc sử dụng phân bón cũng thiếu khoa học không chỉ gây lãng phí mà làm ảnh hưởng đến chất đất, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây…

Tuy nhiên, “tất cả những rào cản nói trên đã được chúng tôi tính đến và đã có giải pháp để tháo gỡ. Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ đồng hành cùng nông dân để làm sao có được sản phẩm cà phê xuất khẩu đạt chất lượng tốt nhất”- ông Dũng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem