Sinh con được hỗ trợ 3 - 4 triệu: Không thấm vào đâu

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 29/10/2021 19:25 PM (GMT+7)
Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế lấy ý kiến có đề xuất hỗ trợ 3-4 triệu đồng cho mỗi đứa trẻ sinh ra để khuyến khích phụ nữ ở các tỉnh có mức sinh thấp sinh đủ 2 con. Tuy nhiên, các chuyên gia dân số nhận định, điều này chỉ như "muối bỏ biển".
Bình luận 0

Mức sinh giảm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế xã hội

Phân tích về tình hình mức sinh ở Việt Nam giảm, GS.TS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia dân số, nguyên nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em) cho biết, trong 21 tỉnh có mức sinh thấp thì các tỉnh ở Nam Bộ có mức sinh thấp nhất.

Cụ thể, năm 2019, số con trung bình của mỗi phụ nữ tính đến hết tuổi sinh đẻ vùng Đông Nam Bộ chỉ có 1,56; vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. Trong đó, TP.HCM chỉ còn 1,39; Tây Ninh: 1,53; Bình Dương: 1,54,...

Trong khi đó, mức sinh thay thế chuẩn phải là 2,1 đứa trẻ/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.

Sinh con được thưởng 3-4 triệu: Không thấm vào đâu - Ảnh 1.

Nhiều gia đình trẻ hiện nay chỉ sinh 1 con, phụ nữ lập gia đình muộn, có con muộn. (Tiêm vaccine Covid-19 cho thai phụ tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ảnh BVCC)

GS Cử nhận định, nếu xu hướng này tiếp tục duy trì và lan rộng ra cả nước sẽ gây tác động nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước và hạnh phúc của gia đình. Tình trạng giảm mức sinh rất sâu ở nhiều nước cho thấy hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề.

Đây là bài học đáng chú ý đối với các nhà hoạch định chính sách dân số của Việt Nam.

Theo Quyết định 2019 của Bộ Y tế thì có 21 tỉnh, thành phố được phân vào vùng mức sinh thấp, bao gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Hỗ trợ 3-4 triệu chỉ mang tính "tượng trưng"

Nhận định về đề xuất hỗ trợ tiền để "khuyến sinh" đủ 2 con trong dự thảo Luật Dân số, GS Cử cho rằng: "Giải pháp này cho thấy sự chia sẻ của nhà nước nước về chi phí sinh con với các gia đình trẻ. Tuy là giải pháp kinh tế nhưng ý nghĩa kinh tế của nó không đáng kể. Việc "hỗ trợ tiền" lại chỉ mang tính kinh tế tượng trưng và có ý nghĩa khuyến khích về tinh thần là chính".

GS Cử phân tích, sự hỗ trợ 3-4 triệu đồng/đứa trẻ được sinh ra theo mức lương tối thiểu vùng hiện nay hoàn toàn chẳng thấm vào đâu so với chi phí nuôi dạy 1 đứa trẻ đến lúc trưởng thành. Trong khi đó, càng ở các tỉnh có mức sinh thấp (nơi có kinh tế phát triển), chi phí sinh hoạt, học hành càng đắt đỏ.  

Theo GS Cử, vấn đề giảm sinh hiện nay không chỉ là gánh nặng kinh tế khiến người ta "sợ đẻ" mà còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như: nhà ở, giáo dục, môi trường xã hội, gánh nặng việc nhà, việc làm, thu nhập của phụ nữ, thời gian nghỉ ngơi của cha mẹ.

Do đó, để khuyến sinh thì cả một hệ thống chính sách phải được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân muố sinh con. Ví dụ như quy định về thời gian nghỉ đẻ, chế độ làm việc linh hoạt cho bố mẹ có con nhỏ, nhà ở, trường học, an toàn xã hội, chính sách cho các gia đình di cư để họ thuận tiện nuôi dạy con, cho con đi học, tuyên truyền để chồng đỡ gánh nặng việc nhà cho vợ...

"Nếu nhà cửa chật chội, nếu xin học cho con khó khăn, đắt đỏ, nếu sinh con ảnh hưởng đến công việc, thậm chí bị giảm lương mất việc, nếu các bậc cha mẹ nhận thấy môi trường xã hội có nhiều rủi ro cho con trẻ (nghiện hút, cờ bạc, lô đề, tai nạn giao thông,...) thì người ta sẽ không muốn sinh nhiều con để thêm lo lắng, thêm gánh nặng...", GS Cử chia sẻ.

Sinh con được thưởng 3-4 triệu: Không thấm vào đâu - Ảnh 2.

Để khuyến sinh cần tạo điều kiện cho các gia đình nuôi dạy con tốt (Khám mắt cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh chụp trước dịch Covid-19. Ảnh BVCC)

"Tóm lại, khuyến sinh là hệ thống giải pháp chứ không đơn giản chỉ là trợ cấp cho một ít tiền. Tôi không nghĩ chỉ giải pháp này đi đến thành công. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng chưa nước nào thành công trong trong việc "vực dậy" mức sinh", GS Cử nói thêm.

Do đó, theo GS Cử, cùng với việc triển khai đồng bộ việc "khuyến sinh" (mà chưa biết đến lúc nào làm được – PV) thì giải pháp cấp bách hơn cả là Việt Nam cần phải có chiến lược thích ứng với mức sinh thấp, thích ứng với già hóa dân số, thiếu hụt lao động,... mà giải pháp cốt lõi là nâng cao năng suất lao động.

Ngoài hỗ trợ tiền, Dự thảo Luật Dân số cũng đề xuất các biện pháp khuyến sinh khác như: Cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập, miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập.

Các cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình.

Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình; khuyến khích trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem