Mang bụng bầu lên sân khấu và hạnh phúc làm mẹ
Trong mỗi giai đoạn cuộc đời, mỗi con người sẽ có một niềm hạnh phúc riêng. Trước đây, tôi lao vào nghệ thuật, chỉ biết niềm hạnh phúc giới hạn trong nghệ thuật. Ngay thời điểm này, có gia đình, có con, tôi được sống trong một niềm hạnh phúc mới mẻ của một người vợ, người mẹ.
|
Linh Nga mặt mộc, chia sẻ hạnh phúc làm mẹ với phóng viên |
Ngày tôi mang thai con gái ở tháng thứ 4, tôi vẫn luyện tập cho một chương trình, quên tất cả, lên sân khấu say mê cùng những vũ điệu. Không muốn mọi người lo lắng, sợ ảnh hưởng bào thai, tôi đã mặc một chiếc áo rộng thùng thình, bên trong bó bụng lại. Và khán giả, không ai biết tôi đang mang thai cả.
Hôm công diễn, cả bố mẹ ruột và bố mẹ chồng, chồng đều lo lắng vì ngày xưa, mẹ tôi mang thai tôi, lúc bụng đã to mà vẫn bước lên sân khấu, say mê cùng vũ điệu, nên hậu quả là đã sinh non ra tôi. Bác sĩ đã dặn tôi phải nghỉ múa sớm, sợ tôi bị di truyền, lại giống mẹ…
Đến lúc tôi làm người mẫu quảng cáo cho một sản phẩm nước ngoài, quay xong hết, tôi mới cho một anh người Tây trong êkíp biết mình đang mang bầu hơn 4 tháng. Anh này tròn mắt ngạc nhiên: “Chúc mừng cô. Tôi thật thán phục…”. Hạnh phúc trong công việc, hạnh phúc vì sắp làm mẹ xen lẫn trong tôi, rất khó diễn tả.
Đến lúc bào thai trong bụng đã ở tháng thứ 8, tôi vẫn còn chưa chịu ngừng nghỉ, vẫn say sưa dàn dựng một tiết mục của nhà hát ca múa kịch dân tộc Bông sen để dự thi Hội diễn ngành múa toàn quốc. Tôi hay tin tiết mục này đã đoạt huy chương vàng, lúc vừa sinh xong, mẹ tròn con vuông. Ông trời đã cho tôi hai niềm vui cùng lúc.
|
Linh Nga mặc áo rộng, bó bụng lên sàn diễn khi mang thai con gái tháng thứ 4. |
Sinh xong, những ngày nằm ở nhà ôm con nhỏ, nhiều lúc vô tình xem truyền hình, thấy một cảnh múa, là lòng tôi nôn nao, chơi vơi một cách kỳ lạ. Nhưng thiên chức làm mẹ nhắc nhở tôi rằng, mình nên phải tạm lánh ánh hào quang nghệ thuật để chăm lo cho Nguyễn Khánh Linh Linh bé bỏng. Ít có diễn viên múa nào dám cho con bú bằng sữa của mình, vì sợ mất dáng, biến dạng hình thể, nhưng với tôi đó là một niềm hạnh phúc lớn.
Nhìn con lớn từng ngày, hôm nay biết cười, ngày mai biết mừng khi mẹ đến gần, tôi cảm thấy cuộc đời mình đã quá đủ đầy. Đi đâu, làm gì, tôi đều nghĩ về con và nôn nao muốn trở về nhà chăm sóc con.
Thời gian bên con, tôi phát hiện ra xung quanh mình còn có nhiều niềm vui khác, không liên quan đến nghệ thuật mà tôi chưa từng biết: Nấu cho chồng một bữa cơm, thanh thản tập yoga, dạo phố…
Tự hào về bố mẹ ruột và gia đình bên chồng
Tôi may mắn có được bố mẹ cùng nghề (NSƯT Vương Linh – Đặng Hùng – PV), đã hiểu và dạy dỗ tôi trong cuộc sống, cũng như trong nghệ thuật. Sau này, thêm một may mắn nữa, khi lập gia đình thì chồng, bố mẹ chồng đều hiểu cho tôi, ủng hộ tôi rất nhiều.
Tôi hãnh diện, tự hào về bố mẹ ruột. Hai người là những nghệ sĩ chân chính đúng nghĩa, đã truyền cho tôi dòng máu đam mê nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực múa. Từ nhỏ, bố mẹ đã hướng tôi theo những vũ điệu, nhưng luôn muốn con gái tự đứng trên đôi chân của mình, không muốn con ỷ lại. Năm 12 tuổi, tôi đã bắt đầu sang Trung Quốc học, theo ý nguyện của bố mẹ.
Một đứa con gái phải xa nhà, tự xoay sở mọi thứ khi tuổi còn quá nhỏ như tôi không phải là dễ dàng. Tôi phải tập làm quen dần với cuộc sống tự lập, tại một nơi hoàn toàn xa lạ. Mọi thứ rồi cũng ổn. Ở Trung Quốc, có lần tập động tác uốn mình, tôi bị trật đốt sống. Rất đau nhưng tôi lặng lẽ chịu đựng một mình, không hề báo cho bố mẹ biết, vì nếu có, bố mẹ vẫn xem nhưng sự cố như thế là rất bình thường, dù trong lòng rất xót xa cho con gái, vì tôi thừa biết biết ngày xưa bố mẹ luyện tập vất vả hơn tôi rất nhiều, có những lúc bị tai nạn, đều chấp nhận và tiếp tục lăn xả. Trên người tôi hiện giờ có rất nhiều vết tích của những buổi tập luyện gian khổ, gần như thâu đêm suốt sáng và chỉ mình tôi biết….
Chồng tôi là một người làm bên ngành công an, không am hiểu nhiều về múa nhưng anh ấy rất hãnh diện với bạn bè về vợ, nhất là mỗi khi xem tôi trình diễn trên sân khấu. Những lúc ấy, tôi biết ánh mắt anh như bị thôi miên, say sưa…
Bố chồng tôi (Thứ trưởng Bộ công An, ông Nguyễn Khánh Toàn – PV), vốn dĩ là một chính trị gia nên rất trầm tĩnh. Ông không thích biểu hiện cảm xúc ra ngoài, rất kiệm lời nhận xét về những vũ điệu của con dâu nhưng qua ánh mắt, tôi biết ông rất quan tâm. Ông âm thầm ủng hộ mọi hoạt động nghệ thuật của con.
Trong gia đình chồng, mẹ chồng là người thường góp ý, trao đổi với tôi về nghệ thuật nhất. Bà có một tâm hồn rộng mở, nhân hậu, đảm đang và khá lãng mạn. Những lúc rảnh rỗi sau khi làm xong việc nhà, bà hay dành thời gian làm thơ.
Trong các vần thơ mang đậm ngôn ngữ Nam Bộ ấy, thấp thoáng dòng sông nặng phù sa, bờ đê uốn lượn quanh cánh đồng xanh mướt, vườn cây trĩu quả… của quê vùng sông nước Tiền Giang, quê hương bà. Sống an nhàn, đạm bạc, bà dạy các con trong gia đình bằng một kỷ luật “thép”, thừa hưởng truyền thống từ người cha danh tiếng của mình – tướng Phan Trọng Tuệ.
Yêu và được yêu
Nhiều người hỏi tôi: Đi du học hơn 10 năm, về nước biểu diễn chỉ có 2 liveshow Vũ và Sen, có thấy phí phạm thời gian và tuổi trẻ quá không? Tôi xin trả lời ngay: Tôi không hề hối tiếc. Tôi đã làm được một việc để thỏa niềm đam mê thời con gái của mình. Vui nhất là được khán giả đón nhận.
Tôi tự hào là đến giờ này, mình vẫn được gọi là “diễn viên múa Linh Nga”, chứ không phải lót trước tên tôi là những danh xưng: Diễn viên điện ảnh, người đẹp hay ca sĩ… Tôi vẫn là nghệ sĩ thuộc lĩnh vực múa, có biên chế tại nhà hát ca múa kịch dân tộc Bông Sen, TP.HCM. Trong facebook của tôi, danh sách bạn bè cũng chỉ toàn là những diễn viên múa.
Tôi chỉ thắc mắc là, những diễn viên múa như tôi hay những diễn viên xiếc, phải luyện tập hàng chục năm, thậm chí cả đời, mới được nổi tiếng. Nếu là người mẫu, có thể bạn chụp một bức ảnh, sau đó bức ảnh được photoshop.
Nếu là ca sĩ, có thể nhờ máy móc hỗ trợ giọng hát… còn nghề múa, nghề xiếc, các diễn viên được gọi đùa “làm thật, ăn thật”, có nghĩa là lúc tập luyện gian khổ thế nào, lúc biểu diễn cũng thế đấy, không hề có sự hỗ trợ nào ngoài chính tài năng của người diễn viên. Đáng buồn là hiện nay, nhiều người chỉ tham gia một cuộc thi nào đó, đăng quang là nổi tiếng ngay lập tức. Sau một đêm, họ đã trở thành nghệ sĩ, chính thức là người của showbiz, quá dễ dãi phải không?
Thực sự ngày đầu tiên trở về nước, làm ngay liveshow Vũ vào năm 2009, tôi rất lo lắng, vì không biết mình có được đón nhận hay không. Nhưng may mắn, khán giả đã mở rộng vòng tay đón nhận tôi, cũng là đón nhận ngành múa Việt Nam, đến xem đông nghẹt tại nhà hát TP.HCM.
Tôi rất tự hào, đến giờ này, mọi người vẫn gọi tôi bằng một cái tên gắn liền với liveshow đầu tiên này: Linh Nga Vũ. Tôi đã đánh dấu kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nghệ thuật của mình bằng cách đặt tên cho công ty chuyên đào tạo nghề múa của mình là “Vương Vũ”, trong đó ý nghĩa của từ “Linh” là họ của mẹ, cả dòng họ ngoại đều theo nghệ thuật, đã ươm mầm cho tôi sống, chết với ngành múa.
Đây là động lực giúp tôi có thêm sức mạnh, làm thêm một liveshow nữa mang tên Sen vào năm 2011 tại nhà hát Hòa Bình, ở TP.HCM và vẫn được khán giả đón nhận….
Bây giờ con tôi chỉ mới chưa đầy 2 tháng tuổi, bé còn quá nhỏ, tôi không thể bỏ con để bước lên sân khấu, làm theo bản năng nghệ thuật của mình như trước kia được, nhưng chắc chắn tôi sẽ sớm trở lại với nghề, vẫn cháy bỏng đam mê. Tôi nghĩ, khi tổ chức liveshow thứ 3, tôi sẽ đặt chủ đề là Yêu, vì rất phù hợp với tâm trạng của mình ở hiện tại: Yêu và được yêu".
Theo Giáo Dục Việt Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.