Sinh viên lo lắng khi phải sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu an toàn

Việt Hoàng - Phan Hoàn Thứ hai, ngày 27/05/2024 15:46 PM (GMT+7)
Nhiều sinh viên đang học tập tại Thủ đô phải loay hoay sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, nằm sâu trong ngõ nhỏ, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hỏa hoạn xảy ra.
Bình luận 0

Những phòng trọ chật hẹp, nằm sâu trong ngõ nhỏ

Tại Hà Nội, không khó để tìm thấy những khu trọ nằm sâu các con ngõ ngoằn nghèo, chật hẹp. Ngõ 470 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chưa đến 2m, đi sâu vào bên trong nhiều ngóc ngách nhỏ hẹp. Vị trí này gần các trường đại học như Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Hà Nội nên nhiều sinh viên tập trung thuê trọ.

Đỗ Anh Nhất Khoa (sinh viên Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Khu vực tôi đang ở trọ, chủ nhà trọ đã trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, lối vào là một ngách nhỏ, chỉ vừa một xe máy nên rất khó cho lực lượng chức năng ứng cứu nếu như không may hỏa hoạn xảy ra”.

Sinh viên lo lắng khi phải sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu an toàn- Ảnh 1.

Lối vào một khu trọ trên địa bàn quận Cầu Giấy nhỏ hẹp.

Hiện Nhất Khoa đang ở cùng với hai bạn nữa trong căn phòng trọ rộng khoảng 16m2 với giá thuê 3 triệu đồng. Sau vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Nhất Khoa cùng các bạn khá lo lắng nhưng thời điểm hiện tại họ không có lựa chọn nào khác.

Đường Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội), một con ngõ nhỏ chỉ dài khoảng 500 m, rộng hơn 2m nhưng có tới 6 căn chung cư mini lớn nhỏ từ 3 đến 5 tầng. Bạn Nguyễn Huyền Sâm (sinh viên) cho biết nơi đây tập trung dày đặc nhà trọ cho thuê.

Cửa vào khu trọ của Sâm chật hẹp, tầng một được sử dụng làm chỗ để xe máy, xe đạp. Mỗi tầng có 3 phòng trọ nhưng chỉ có duy nhất một phòng là có cửa sổ hướng ra bên ngoài. Dọc hành lang và cầu thang được chủ trọ trang bị bình cứu hỏa khi cấp thiết.

Sinh viên lo lắng khi phải sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu an toàn- Ảnh 3.

Các nhà trọ nằm san sát nhau, thậm chí ban công lấn chiếm che hết đường đi phía dưới.

Sinh viên lo lắng khi phải sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu an toàn- Ảnh 4.

Khung cửa sổ phòng trọ của Sâm là lối thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn.

“Phòng trọ của mình có một cửa sổ lớn. Nếu cấp bách mình có thể tháo song sắt của cửa sổ ra để nhảy xuống hoặc chạy lên tầng thượng có một lối thoát dẫn sang nhà hàng xóm. Nhưng mình cũng không rõ lối đó có dùng được hay không vì thấy đóng suốt”, Sâm lo lắng.

Dù bất tiện là vậy, nhưng Huyền Sâm vẫn chưa có ý định chuyển trọ vì cô cho rằng bây giờ tìm được một phòng trọ phù hợp là rất khó khăn: “Mình cũng đi khảo sát giá thuê ở nhiều nơi khác. Nếu đảm bảo thông thoáng, phòng cháy, chữa cháy tốt thì ít nhất là 5 triệu. Còn nhà trọ từ 2 - 3 triệu thì nhiều lắm, nhưng vào sâu trong ngõ, cũng không tốt hơn chỗ cũ là bao”.

Qua vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, bản thân Huyền Sâm cho biết, cô sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phòng cháy chữa cháy ngay trong chính căn phòng của mình.

Người dân chủ động mua sắm trang thiết bị phòng cháy chữa cháy

Theo ghi nhận, bên cạnh lối đi chật hẹp, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các ngõ sâu còn phải đối mặt với rào cản lớn như dây điện, dây cáp giăng như mạng nhện xòa xuống lòng đường. Thậm chí, có nơi cột điện vì phải tải quá nhiều đường dây mà nghiêng hẳn về một bên, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy.

Bà Nguyễn Thị Hồng (ngõ 165/49 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy) chia sẻ: “Những búi dây điện này có từ lâu, ở đây từng có chập điện. Mỗi lúc như vậy chúng tôi chỉ có chủ động dập cháy bằng bình cứu hỏa của gia đình”.

Sinh viên lo lắng khi phải sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu an toàn- Ảnh 5.

Những chùm dây điện như mạng nhện trong các con ngõ nhỏ ở Hà Nội.

Sinh viên lo lắng khi phải sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu an toàn- Ảnh 6.

Tủ phòng cháy chữa được lắp đặt bên trong khu dân cư ở Hà Nội.

Giải pháp tốt nhất hiện tại mà gia đình bà hay những hộ dân sinh sống tại đây có thể làm được là trang bị các công cụ như bình cứu hỏa, mặt nạ oxy và làm lại toàn bộ đường dây điện trong nhà.

Tại những con hẻm nhỏ, được trang bị bộ công cụ phòng cháy, chữa cháy, bao gồm bình cứu hỏa và một vài dụng cụ như búa, xà beng, kìm cộng lực để kịp tời phá vỡ các vật cản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem