Sinh viên TP.HCM mong muốn có một thế hệ "cán bộ gen Z"
Sinh viên TP.HCM mong muốn có một thế hệ "cán bộ gen Z"
Quang Sung
Thứ năm, ngày 23/03/2023 15:52 PM (GMT+7)
Trong chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ sinh viên tiêu biểu, nhiều bạn trẻ đến từ các trường đại học bày tỏ mong muốn được làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước, phát triển một thế hệ "cán bộ gen Z"
Sáng 23/3, gần 100 sinh viên giỏi, xuất sắc từ các trường Đại học, học viện trên địa bàn TP.HCM đã tham gia chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ sinh viên tiêu biểu, với chủ đề “Khát vọng sinh viên thành phố Bác".
Thế hệ trẻ tích cực học hỏi từ tiền bối
Mở đầu buổi gặp mặt, Giáo sư Trần Đông A đã chia sẻ với các sinh viên hai công trình y học mang tính lịch sử mà ông tham gia. Đầu tiên là ca mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức, thực hiện năm 1988 với nhiều yếu tố chưa từng có tiền lệ trong y văn thế giới.
Công trình thứ hai là các ca ghép gan từ người cho sống cho các bé 1-2 tuổi - là kỹ thuật khó nhất trong kỹ thuật ghép tạng, được quốc tế ghi nhận.
Tiếp theo là phần chia sẻ của ông Phan Chánh Dưỡng - thành viên nhóm tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã đóng góp vào xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của TP.HCM.
Ông Dưỡng cho biết xuất phát điểm là một thầy giáo, sau giải phóng ông tham gia vào hoạt động kinh tế. Trong đó có 7 công trình đáng chú ý: Khu chế xuất Tân Thuận đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Phú Mỹ Hưng (quận 7)...
“Với kinh nghiệm đời mình, tôi chỉ khuyên các bạn một điều rằng nếu mình có tâm, mình không vì mình, mình báo cáo cho lãnh đạo biết việc mình đang làm. Vậy là đủ rồi. Mình cứ mạnh dạn làm, không sợ gì cả", ông Dưỡng chia sẻ.
Sau chia sẻ của hai trí thức thế hệ trước, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ sự đồng tình và dành lời khuyên cho thế hệ trẻ tích cực học hỏi những bài học sâu sắc từ các bậc tiền bối.
Đồng thời ông cũng đề nghị thành phố nên khởi động chương trình Sáng kiến sinh viên, huy động trí tuệ, sáng tạo của người trẻ, tạo không gian, khuôn khổ để ý tưởng của người trẻ được phát huy; có sự kết nối với các thế hệ để cùng phát triển.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề xuất xây dựng đề án Tín dụng sinh viên, để sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận để vay một khoản chi phí học tập.
Những cán bộ thế hệ gen Z
Theo thông tin từ Thành Đoàn TP.HCM, hiện nay TP.HCM có hơn 100.000 cử nhân, trong đó có hàng trăm sinh viên giỏi, xuất sắc tốt nghiệp mỗi năm. Nhưng từ năm 2018 đến nay, vẫn chưa có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được các cơ quan chính quyền của thành phố tuyển dụng.
Vấn đề này đã tạo sự tranh luận sôi nổi trong buổi gặp mặt.
Sinh viên Võ Lập Phúc - Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, mong muốn thành phố sẽ có những cơ chế, chính sách để tái định hình tư duy của người trẻ về môi trường làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tạo ra một thế hệ “cán bộ gen Z”.
Trong khi đó sinh viên Mai Hải Yến - Chủ tịch Hội SVVN Học viện Cán bộ TP.HCM, lại nêu thực tế, sinh viên chưa biết lộ trình để làm việc trong các cơ quan nhà nước. Do đó cần có chương trình để giới thiệu, chia sẻ trực quan về quy trình trở thành cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Yến, câu chuyện đặc trưng của trường chính trị, nên sinh viên Học viện khó có thể tốt nghiệp xuất sắc dù đã rất nỗ lực học tập. Do đó, Yến bày tỏ mong muốn thành phố có cái nhìn đa chiều hơn và tiếp cận từng đối tượng của từng khu vực chuyên ngành khác nhau. Để không chỉ các bạn đạt thành tích xuất sắc, đạt các giải thưởng của các kỳ thi mới là đối tượng của chương trình thu hút nhân tài.
Các bạn sinh viên Học viện hầu hết đều mong muốn trở thành những cán bộ công chức tương lai của thành phố, đóng góp kiến thức cho sự phát triển của thành phố.
Sinh viên Võ Minh An - Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM, mong muốn trong quy trình tuyển dụng nên có kết nối với các chuyên gia đầu ngành. Từ đó để các chuyên gia tư vấn và phân bổ về các lĩnh vực, cơ quan phù hợp.
Minh An mong có cơ chế tuyển cán bộ và tạo điều kiện đi học nước ngoài, để tiếp cận với các chuyên gia và công nghệ tiên tiến. Sau đó từ những điều kiện vật chất, tài nguyên học được từ nước ngoài, trở về đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Phát biểu kết luận tại chương trình, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM được định hướng là thành phố dịch vụ - công nghiệp, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học công nghệ của cả nước. Tầm nhìn đến 2045, TP.HCM sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
“Để hoàn thành mục tiêu đó, rất cần nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ có trí tuệ, khát vọng, hoài bão. Do đó, các bạn trẻ phải chủ động học tập, nghiên cứu, trang bị ngoại ngữ, các kỹ năng trong thời đại số”, ông Hiếu nói.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, yêu cầu các sở, ngành ghi nhận cụ thể những ý kiến, đề xuất của các bạn trẻ, xây dựng thành kế hoạch, phương án theo lĩnh vực phụ trách để tham mưu cho thành phố triển khai, thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.