Số phận bi đát của nhà nghiên cứu khoán hộ

Thứ sáu, ngày 17/12/2010 14:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bí thư Kim Ngọc được cả nước biết đến là cha đẻ của khoán hộ. Thế nhưng có một người từng sát cánh cùng Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, ủng hộ chủ trương khoán hộ của ông bằng một luận án dày 72 trang, lại ít ai biết đến.
Bình luận 0

Luận án khoán hộ đầu tiên

img
Với chiếc xe đạp cà tàng, hàng ngày ông Thiết bán vé số dạo khắp phường Hương Long.

Đến chợ Thông (phường Hương Long, TP. Huế), hỏi ông Lê Xuân Thiết, các tiểu thương sốt sắng chỉ tay về phía quầy vé số khiêm tốn nằm bên con đường dẫn vào chợ, nơi có một ông già nhỏ thó đang bán vé số cho khách. “Chỉ cần hỏi “ông Thiết vé số” là người dân cả phường ni ai cũng biết”- ông cười vui vẻ khi gặp chúng tôi.

Ông Thiết sinh năm 1937, ở làng An Ninh Hạ, xã Hương Long, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, TP. Huế. Từ nhỏ ông làm du kích, thường xuyên đột nhập các đồn giặc để vẽ bản đồ giúp bộ đội đánh đồn.

Năm 1953, ông là một trong số ít người trong tỉnh được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ du kích thi đua. Sau đó ông cùng Tiểu đoàn du kích Bình Trị Thiên tập kết ra Bắc và được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho tiểu đoàn. Khi tiểu đoàn du kích này giải tán, ông được cử đi học ở Hà Nội và đến năm 1960 thì học ở Trường Đại học Ki- ép (Liên Xô).

3 năm sau, ông về nước học tiếp Đại học Kinh tế kế hoạch Hà Nội cho đến năm 1967. Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, ông được phân về công tác ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú.

Là người được đào tạo bài bản, ông sớm nhìn ra nhiều hạn chế của phong trào hợp tác hóa đang phát triển rầm rộ nhiều nơi. Từ đó, ông bắt tay vào thực hiện luận án về chính sách giao ruộng đất lâu dài cho nông dân, nhà nước chỉ thu thuế.

Đúng vào thời điểm này, ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú bắt đầu rộ lên phong trào nông dân tự chia nhau ruộng đất để sản xuất. Phong trào này đưa năng suất lên cao, đời sống người dân đổi thay nhanh chóng. Hay tin, ông tức tốc về Lập Thạch nắm thêm tình hình, tìm hiểu nguyện vọng người dân để có đủ cứ liệu xây dựng luận án của mình.

Từ hiệu quả của phong trào chia nhau ruộng đất của nông dân huyện Lập Thạch, ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú thời bấy giờ đã quyết định nhân rộng mô hình này ra nhiều huyện khác trên địa bàn. Chủ trương đúng đắn của người đứng đầu tỉnh khiến ông Thiết hết sức phấn khởi, càng tích cực hơn trong vai trò thúc đẩy phong trào khoán hộ phát triển.

Tuy nhiên, khi thông tin về phong trào khoán hộ ở Vĩnh Phú lan tới Trung ương, ông Kim Ngọc đã bị kiểm điểm với lý do “quay lại con đường tư bản chủ nghĩa” và “đi ngược đường lối của Đảng”. “Điều đó càng thôi thúc tôi hoàn thành luận án của mình để ủng hộ chủ trương của ông Kim Ngọc”- ông Thiết kể.

Rồi một luận án dày 72 trang có tên “Khoán hộ” của ông Thiết ra đời. Tại đây, ông Thiết cho rằng, người nông dân của một nước nông nghiệp lạc hậu chưa thể làm ăn tập thể do trình độ thấp nên phải kích thích họ làm việc bằng hình thức giao khoán.

Nếu để tập thể làm, một sào ruộng chỉ thu được 1,5 tạ lúa, nhưng nếu khoán cho hộ nông dân thì mỗi sào sẽ thu được ít nhất 3 tạ. Theo ông Thiết, luận án đã góp phần làm thay đổi nhận thức của không ít trí thức ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú cũng như nhiều cơ quan khác trong tỉnh thời bấy giờ. Tuy nhiên, không nhiều người dám công khai ủng hộ bởi sợ bị quy kết là “lệch lạc tư tưởng”.

Một đời chìm nổi

img
Ông Thiết ghi số trúng thưởng thông báo cho khách mua vé số

Công trình của ông Thiết không được chấp nhận và cá nhân ông bị quy cho “tội” xét lại, chống chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ. Ông đứng ra bảo vệ luận án của mình bằng những luận cứ khoa học nhưng cuối cùng cơ quan vẫn quyết định khai trừ ông ra khỏi Đảng và chuyển ông xuống làm tạp vụ.

Năm 1975, nhiều cơ quan trung ương mời ông làm việc nhưng không được Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú đồng ý. Một thời gian sau, khi Ủy ban Kế hoạch tỉnh Thừa Thiên- Huế có chủ trương xin trí thức tập kết ra Bắc về xây dựng quê hương, ông xin về tỉnh. Tuy nhiên, khi thấy lý lịch của ông “có vấn đề”, ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế lập tức chuyển ông xuống làm nhân viên của Phòng kế hoạch huyện Hương Trà.

Tại Phòng kế hoạch huyện Hương Trà, khi ông về công tác là thời điểm rộ lên chương trình cải tạo công thương nghiệp. Từ thực tế sai lầm khi cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc, ông viết một bản thuyết trình gần 20 trang gửi lên tỉnh Thừa Thiên- Huế nói rõ không nên tiến hành cải tạo công thương nghiệp vì sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, ý kiến của ông không được lãnh đạo tỉnh đồng ý.

Không làm ngơ trước những chủ trương sai lầm của lãnh đạo, ông phản đối kịch liệt nên năm 1977 ông bị điều chuyển đến Nhà máy vôi Long Thọ. Tại nơi làm việc mới, vì tiếp tục có ý kiến trước những chủ trương sai lầm của lãnh đạo nên ông bị đưa vào “danh sách đen”, bị coi là “người thiếu thiện chí”. Năm 1980, quá chán nản, ông xin nghỉ mất sức.

Nước mắt tuổi già

Trở về quê ở tuổi 44, ông lập gia đình trong cảnh hoàn toàn trắng tay. Không ruộng vườn, nghề nghiệp để mưu sinh, cuộc sống của gia đình ông ngày càng bi đát. Đã vậy, năm 1989, tiền lương hưu mất sức ít ỏi của ông cũng bị cắt. Để tồn tại, ông phải đi nhặt ve chai đem bán lấy tiền nuôi gia đình.

Tuổi tác ngày càng lớn, sức khỏe suy yếu, ông phải chuyển sang nghề bán vé số. Ngày nắng, với chiếc xe đạp cà tàng, ông đạp xe đi khắp phường Hương Long bán vé số, ngày mưa sức khỏe không cho phép, ông phải ngồi lại chợ Thông để bán.

“Thu nhập từ bán vé số mỗi ngày chỉ được vài chục nghìn, không đủ để lo cho vợ con. Nhưng hoàn cảnh thế này thì biết làm gì khác hơn”- ông buồn nói. Hiện vợ chồng ông có một người con trai đang học đại học nên cuộc sống gia đình ông càng ngày càng túng quẫn.

Khi nhắc đến bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy” đang được chiếu trên VTV1, giọng ông buồn buồn: “Xem phim tui bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Số phận của ông Kim Ngọc thật gian truân nhưng cuối cùng người ta cũng minh oan và vinh danh cho ông ấy. Tui thì chẳng muốn ai vinh danh mình, mà chỉ cần có sức khỏe để kiếm đủ tiền lo cho con ăn học”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem