Về nguyên tắc, chủ đầu tư phải hoàn thành các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước thì cư dân dự án đó mới được cấp sổ đỏ. Cụ thể, theo điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ- CP ngày 15/05/2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ theo quy định để Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình đã xây dựng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở của chủ đầu tư dự án.
Trường hợp chủ đầu tư có vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở… thì Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý theo quy định pháp luật. Nếu chủ đầu tư càng lâu khắc phục sai phạm thì người dân càng lâu có sổ đỏ.
Không thể nói rằng khi chủ đầu tư bị khởi tố thì đương nhiên miễn tất cả những thủ tục còn sót lại và cấp sổ đỏ cho dân được - Phó Chủ tịch HoREA nhấn mạnh
Trường hợp dự án Đại Thanh có thể bị khởi tố như Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định thì câu chuyện sổ đỏ của người dân chắc chắn bị ảnh hưởng. Còn ảnh hưởng như thế nào tùy theo sai phạm ít hay nhiều và biện pháp, thời gian khắc phục của chủ đầu tư. Rõ ràng không ai có thể thay thế được vai trò của chủ đầu tư trong giải quyết vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân.
Không thể nói rằng khi chủ đầu tư bị khởi tố thì đương nhiên miễn tất cả những thủ tục còn sót lại và cấp sổ đỏ cho dân được. Phải phân định rõ ràng: Chủ đầu tư sai phạm thì phải khởi tố, xử phạt theo quy định của pháp luật. Song song với đó, tạo điều kiện cho họ khắc phục hậu quả, nhanh chóng ra sổ đỏ cho dân. Bởi, suy cho cùng thì trong câu chuyện Nhà nước – chủ đầu tư, người dân vô can.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.