Số phận Trung Đông trong bàn tay của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 18/02/2019 12:00 PM (GMT+7)
Rất hiếm thấy có khi nào mà tình hình hiện tại và triển vọng tương lai của khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh lại chế ngự chương trình nghị sự của đồng thời nhiều sự kiện chính trị an ninh thế giới như hiện tại. Ở Sochi (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp của Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và của Iran Hassan Rohani tiến hành cuộc gặp lần thứ 4 của khuôn khổ diễn đàn đối thoại tay ba Astana về Syria.
Bình luận 0

img

Ở Varsaw (Ba Lan), nước chủ nhà cùng Mỹ chủ trì một hội nghị quốc tế trên danh nghĩa chính thức về Trung Đông nhưng trong thực chất nhằm tập hợp lực lượng thành liên quân chống Iran mà theo ngôn từ của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm "thúc đẩy lợi ích chung của một cuộc chiến tranh chống Iran". Ở  Munich (Đức) diễn ra hội nghị an ninh lần thứ 57 với hai sự kiện đáng chú ý là có hội nghị của những nước thành viên tham gia liên quân đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria cũng như có chuyện phó tổng thống Mỹ Mike Pence công khai thôi thúc Đức, Anh và Pháp cũng rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran như Mỹ.

Ở đây có hai điều đáng được chú ý. Thứ nhất, cả EU lẫn Thổ Nhĩ Kỳ trong tư cách là thành viên NATO đều không tham dự sự kiện ở Varsaw. Cho dù Mỹ, Israel, Ba Lan và một số nước khác mong muốn thì EU và NATO không hậu thuẫn ý định phát động cuộc chiến tranh nhằm vào Iran. Nội bộ EU và NATO rõ ràng hiện bị phân hoá rất sâu sắc về chính sách đối với Iran. Thứ hai, trong khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chuẩn bị cả về chính trị lẫn quân sự cho thời kỳ sau khi Mỹ rút quân ra khỏi Syria thì cuộc đối địch công khai mà chắc chắn sẽ không chỉ có về chính trị hay khẩu chiến giữa Mỹ, Israel, Ả rập Xê út và đồng minh với Iran đang dần định hình và trở nên không thể tránh khỏi được nữa.

Mỹ rút quân ra khỏi Syria tạo ra cục diện tình hình mới ở Syria có lợi cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và chính phủ Syria với tổng thống Bashir al-Assad về quân sự cũng như chính trị, giúp họ có thể thúc đẩy tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho Syria. Nhưng đối địch giữa Mỹ, Israel và đồng minh với Iran gia tăng mà không chỉ biểu hiện ở những biện pháp chính sách của Mỹ trừng phạt Iran và hoạt động quân sự của Israel ở Syria hay của Ả rập Xê út và liên quân ở Yemen sẽ làm cho toàn bộ khu vực lớn này không thể có hoà bình, an ninh và ổn định. Việc có được giải pháp chính trị hoà bình cho Syria thêm khó khăn và phức tạp. Chiến tranh và xung đột bạo lực sẽ chỉ dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác và giữa các bên này sang thành giữa các bên khác. Mỹ dẫu có rút hết quân đội ra khỏi Syria mà lại tập trung vào đối địch Iran như thế thì vẫn vướng mắc, nếu như không nói là sa lầy, về chính trị an ninh ở khu vực lớn này. Nga cũng bị gây khó khăn thêm đáng kể với việc thực hiện những mục tiêu chiến lược đề ra cho sự can thiệp quân sự vào Syria nói riêng và cho cả khu vực lớn này nói chung. Chuyện chống khủng bố, tiêu diệt IS hay nội tình ở Syria, Iraq, Libia và Yemen sẽ bị lu mờ bởi đối địch gia tăng giữa Mỹ, Israel, Ả rập Xê út và đồng minh với Iran ở khu vực này.

Triển vọng tương lai như thế thật không tốt lành gì, nếu như không muốn nói là rất đáng lo ngại, đối với khu vực lớn này. Nó lơ lửng giữa chiến trường và bàn hội nghị nên khu vực lớn này sẽ chưa thể sớm yên bình. Khu vực càng bất an bất ổn dai dẳng và vẫn còn chiến tranh hay nội chiến cũng như đối địch lẫn nhau thì nguy cơ IS phục hồi hay hình thành những tổ chức khủng bố cực đoan mới như IS sẽ càng gia tăng. Cả trong thời gian tới, khu vực lớn này vẫn là một trong những nơi quyết định chính trị thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem