SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con cách làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm

Bích Ngọc - Lưu Hoài Thứ ba, ngày 02/01/2024 09:37 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, ở những vùng có điều kiện khí hậu thuận lợi, việc nuôi cá tầm trong bể xi măng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Trong chương trình Sổ tay Nhà nông hôm nay, bà con hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm.
Bình luận 0

Tìm hiểu cách làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm cùng Sổ tay Nhà nông

Khi lựa chọn địa điểm để nuôi cá tầm, cần chọn được những nơi đáp ứng được các yêu cầu của loài cá này. Những nơi có nguồn nước tự nhiên trong, sạch chảy quanh năm như suối, hồ chứa nhân tạo, sông, hồ tự nhiên hoặc nước nguồn từ các mạch ngầm là nơi lý tưởng để nuôi cá tầm. Trong chương trình Sổ tay Nhà nông hôm nay, bà con hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm

1. Thiết kế và xây dựng bể

Tại Việt Nam, cá tầm hiện đang được nuôi trong ao nước chảy, bể và lồng trên hồ chứa bằng thức ăn công nghiệp. Một điều cần lưu ý khi thiết kế, xây dựng ao, bể nuôi cá Tầm là phải có hệ thống mái che do cá Tầm không thích ánh sáng trực tiếp và hệ thống nước chảy liên tục nhằm đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cá.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm - Ảnh 2.

Thiết kế và xây dựng bể

Thiết kế và xây dựng bể:

Nên xây dựng bể trên nền đất chắc, cao ráo thuận lợi cho việc thay nước. Bể được xây dựng theo kiểu hình chữ nhật, hoặc hình tròn để tiện cho việc chăm sóc và tạo không gian tốt cho hoạt động sinh sống của cá.  

Trường hợp thiết kế và xây dựng bể hình chữ nhật, nên bo tròn góc bể, tiện cho việc vệ sinh bể sau này. Nên dùng lưới hai lớp màu đen (chuyên dùng để che phong lan) để phủ bên trên bể nuôi, giúp cho cá cảm thấy an toàn. 

Đáy bể thiết kế nghiêng về phía cống thoát với độ dốc vừa phải. Cống thoát nên đặt ở giữa bể và nên thiết kế như hình dưới đây. Độ lớn của cống phụ thuộc vào quy mô của bể nuôi. Trong các hệ thống nuôi thâm canh, lượng nước cần thay đổi bằng 200 - 300 %/giờ.   

2. Thiết kế lồng và neo lồng

Tuỳ khả năng tài chính mà người nuôi có thể thiết kế hệ thống nuôi lồng bè gồm một hoặc nhiều khoang lồng hình tròn, hình chữ nhật hoặc hình vuông, bằng các chất liệu khác nhau. Mỗi cụm lồng nên cách nhau 200 - 300m. Đáy lồng cách đáy hồ chứa ít nhất là 1m.  

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm - Ảnh 3.

Thiết kế lồng và neo lồng.

Nên đặt lồng ở nơi có nước chảy nhẹ, tránh dòng nước xoáy. Phao nổi buộc chặt vào các khung lồng. Làm nhà nổi trên mỗi cụm lồng để tiện quản lý và chăm sóc cá. 

3. Chuẩn bị ao, bể, lồng nuôi cá tầm

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con bí kíp làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm - Ảnh 4.

Chuẩn bị ao, bể, lồng nuôi cá tầm.

Chuẩn bị bể:

Bể không rò rỉ, hệ thống nước chảy liên tục đảm bảo hàm lượng ôxy hoà tan luôn > 5 mg/l.

Cho dù bể mới hay đã nuôi, cần khử trùng sạch bể nuôi bằng chlorin Ca(OCl)2 với liều lượng 15 - 25 ppm. Tuy nhiên, sau khi xử lý chlorin, lượng Cl2 vẫn còn dư thừa trong nước, nên trước khi đưa nước vào bể nuôi cá Tầm cần phải loại bỏ lượng Cl2 dư thừa này bằng Thiosulphat (kiểm tra lượng Cl2 tự do dư thừa trong nước bằng cách nhỏ 1 giọt thuốc thử Orthotolidin 1%, nếu nước chuyển sang màu vàng là còn dư Cl2. Xử lý lượng Cl2 tự do dư thừa trong nước bằng cách sau 24 giờ xử lý Chlorin, dùng một lượng Thiosulphat = lượng Chlorin đã sử dụng).

Chuẩn bị ao:

Ao nuôi được tát cạn, vét bớt bùn, tu sửa lại bờ ao, lấp hết các lổ hổng ở chân và bờ, cống ao, phát quang bờ ao, làm sạch cỏ dại. 

Sau khi lấy nước vào ao đạt mức 1 - 1,2m, chờ 3 ngày để toàn bộ trứng cá tạp (nếu có) nở ra cá bột. Bón saponin (hoặc khô dầu sở) liều lượng 5 – 10kg/1000m2 để diệt cá tạp và địch của cá. Vớt xác cá chết khỏi ao. Ốc và ấu trùng giun ít tơ  là những loài ăn tảo ở đáy vì vậy phải trừ diệt bằng Bayluscide 0,3 ppm và Abate 0,25 ppm, Sumithion 0,3 ppm hoặc Lebaycid 0,25 ppm.

Chuẩn bị lồng

Đảm bảo lồng lưới chắc chắn chịu được sóng gió. Neo lồng cố định. Đối với lồng cũ, phải giặt lưới, cọ rửa lồng sạch sẽ trước khi nuôi vụ mới. 

Trên đây là bí kíp làm bể nuôi cá tầm sao cho hiệu quả, tiết kiệm, mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem