Nông dân thiếu vốn
Đến bản Co Thịa, xã Yên Sơn vào đúng kỳ ngô vụ hè thu đang
chuẩn bị ra bắp. Anh Lò Văn Sơn, người dân trong bản cho biết: Ở đất Yên Sơn
này thu nhập chính là cây ngô, mà cũng chỉ trồng được 1 vụ. Muốn làm 2 vụ cũng
không có nước để ngô phát triển. Vì thế, nếu thất thu vụ ngô là coi như năm ấy
đói ăn. Để có vụ ngô thu hoạch cao thì không chỉ trông chờ vào trời mà còn phụ
thuộc nhiều vào chất lượng giống ngô lai, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, tiến độ
gieo trồng, thu hoạch… Mà những yêu cầu ấy đều cần đến tiền cả. Khổ một nỗi khi
vào vụ gieo trồng thì cũng là khi giáp hạt, mấy ai có tiền dự trữ đâu, vì thế
phải vay từ bao phân đạm, cân ngô giống…
Được Hội giúp vay vốn, hướng dẫn sử dụng vốn, gia đình chị Lò Thị Thinh đã thoát nghèo.
Chị Lò Thị Thinh ở bản Co Thịa, tâm sự: Bây giờ đất rừng
quản chặt lắm, không thể khai hoang bừa bãi nên muốn có thêm diện tích trồng
ngô phải đi thuê với mức 4-5 tấn ngô/ha/vụ (tương đương 23-30 triệu đồng). Thuê
đất mà không làm tốt thì lỗ ngay. Mỗi ha ngô, muốn tra loại hạt giống năng suất
cao phải tốn đến 17-20kg giống, tương đương 3,5-4 triệu đồng, tiền phân bón
cũng cần chừng 5 triệu nữa. Rồi tiền thuê nhân công làm đất, bón phân, thu
hoạch… cho kịp tiến độ. Bình quân mỗi ha ngô cần đầu tư khoảng 25 triệu đồng.
Nếu không chủ động vốn là thua thiệt ngay. Vì thế không ít hộ phải mua chịu
giống, phân bón hoặc vay tiền với lãi suất cao của tư nhân, thiệt thòi lắm. Thu
một vụ ngô tính ra tới 40-50 triệu đồng, nhưng trừ chi phí các khoản, nếu phải
vay lãi để đầu tư thì chỉ còn 5-10 triệu đồng.
Hội vào cuộc
Cũng theo chị Thinh, cách đây chưa lâu, gia đình chị là hộ
nghèo. "Từ năm 2010, tôi và một số hộ nghèo trong bản được cán bộ Hội ND
tư vấn, bảo lãnh vay 30 triệu đồng/hộ của Ngân hàng CSXH trong 3 năm. Số tiền
ấy, cán bộ hướng dẫn tôi đầu tư trồng ngô và chăn nuôi. Ngô trồng khoảng 4
tháng thu hoạch với mức đầu tư ban đầu chỉ hơn chục triệu đồng. Số vốn còn lại
tôi nuôi gà. Thu hoạch ngô, tôi bớt lại
một phần để chăn nuôi lứa khác. Nhờ thế năm 2012 tôi và 3 hộ trong bản đã
thoát nghèo. Cuối năm nay, tôi có thể
trả hết nợ ngân hàng".
"Tôi và một số hộ nghèo trong bản được cán bộ Hội ND tư vấn,
bảo lãnh vay 30 triệu đồng/hộ của Ngân hàng CSXH trong 3 năm. Số tiền ấy, cán
bộ hướng dẫn tôi đầu tư trồng ngô và chăn nuôi”.
Chị Lò Thị Thinh
|
Anh Vì Văn Hôm - Chi hội trưởng ND bản Tà Ẻn, xã Phiêng
Khoài, cho biết thêm: Gần 100 nóc nhà ở bản này, nhà nào chả có vốn đầu tư hỗ
trợ của Nhà nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao vì không biết cách làm ăn. Hội ND
phải trực tiếp hướng dẫn ND cách dùng vốn, cách chi tiêu hợp lý. Hội còn tìm
rất nhiều nguồn vốn để hỗ trợ ND, như phối hợp với Ngân hàng NNPTNT huyện triển
khai Nghị quyết liên tịch 2308 giữa Ngân hàng NNPTNT Việt Nam với T.Ư Hội NDVN
với số dư nợ hiện nay hàng chục tỷ đồng. Rồi vốn vay qua Ngân hàng CSXH, vốn
120, vốn Quỹ Hỗ trợ ND... lên tới gần 60 tỷ đồng toàn huyện. Hộ nào vay vốn mà
không sử dụng đúng mục đích là mình phải nắm được, hướng dẫn chỉ bảo ngay.
Ngoài ra, Hội còn tín chấp để ND trả chậm vào cuối vụ thu hoạch hàng ngàn tấn
giống và phân bón trước mỗi vụ gieo trồng. Nếu cứ bám bản, bám dân chặt chẽ và
đầu tư nhiều như hiện nay thì tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh lắm”.
Kiều Thiện ( Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.