Sơn La: Làng đặc sản cốm lúa nếp tan thơm nức, xem là thèm

Hà Hoàng Thứ tư, ngày 31/10/2018 13:09 PM (GMT+7)
Khi nhắc đến huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) du khách thập phương sẽ nghĩ ngay đến những giai điệu tính tẩu du dương, những điệu múa xòe, múa khăn piêu duyên dáng đậm đà bản sắc dân tộc của những cô gái Thái. Ngoài ra, vùng đất nơi đây còn có một điều đặc biệt thú vị khác, vào mùa lúa chín bà con dân tộc Thái ở xã Chiềng Khoang, tấp nập chế biến đặc sản cốm thơm nức làm bằng lúa nếp tan thơm phức khiến ai xem cũng phát thèm...
Bình luận 0

Hàng năm, cứ vào tháng 10 dương lịch, khi sắc vàng của mùa thu phủ lên những bông lúa còn ngậm sữa, khi những thửa ruộng bậc thang bước vào mùa lúa chín, cũng là lúc bà con dân tộc Thái ở xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai lại nô nức chuẩn bị cho mùa cốm duy nhất trong năm. Xã Chiềng Khoang nằm cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai khoảng gần 10 km, dọc theo hướng Quốc lộ 6B. Khách qua đường có thể ghé thăm, tận mắt chứng kiến quy trình bà con làm ra những hạt cốm xanh mướt, dẻo thơm, đậm đà hương thơm của nếp tan Chiềng Khoang.

    

img

 Chị Hà đang chế biến cốm bằng lúa nếp tan địa phương. 

Chị Bạc Thị Hà ở bản Hán A, xã Chiềng Khoang cho biết: Gia đình tôi trồng lúa nếp tan trên 3.000m2, năm nào cũng làm cốm bán. Để có cốm thơm ngon, mềm dẻo tôi ra ruộng chọn những bông thóc tốt nhất, mang về tuốt, để ráo nước rồi cho vào rang sao cho thóc chín đều. Thóc rang xong đem rải ra nia cho đỡ nóng. Sau đó, tôi chà xát cho bóc tách bớt vỏ, rồi đưa vào cối giã, đến khi nào hạt cốm dẹt mỏng, dẻo và dậy mùi thơm rồi mang cốm ra sàng, sẩy sạch sẽ.  Một vụ cốm, gia đình tôi làm được khoảng 2 tạ cốm, bán với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng từ cốm.

img

 Cốm Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai nổi tiếng thơm ngon, mềm dẻo và được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

Bà con dân tộc Thái thường cấy lúa nếp từ tháng 5 âm lịch, giống lúa cấy là giống nếp tan địa phương, đến khi bông lúa vào giai đoạn đông sữa thì hái về làm cốm. Quy trình làm ra hạt cốm đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật rất cao, công đoạn chế biến cũng hết sức cầu kỳ, công phu... Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật thì cốm sẽ có màu vừa đẹp, hạt cốm không bị vỡ vụn, ăn có độ dẻo và thơm ngon hơn.

Hiện nay, trên địa bàn xã Chiềng Khoang có trên 60 hộ dân làm cốm, tập trung chủ yếu ở 2 bản Hán A và Hán B. Càng ngày, cốm Chiềng Khoang càng được du khách yêu thích, tìm mua, người ít một cân, người nhiều hàng yến về để làm quà cho bạn bè…Chính vì vậy, số lượng hộ làm cốm ở xã Chiềng Khoang tăng lên nhiều trong những năm trở lại đây.

img

Bình quân mỗi năm, chị Hà kiếm thêm thu nhập từ bán cốm hơn 20 triệu đồng.

Trao đổi với Dân Việt, ông Lò Văn Nguyễn, Phó Chủ tịch xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi nay, nghề làm cốm ở bản Hán đã có từ lâu đời và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, bà con vẫn duy trì nghề làm cốm đều đặn vào các mùa trong năm, đa số bà con làm cốm bằng lúa nếp tan, lúa thuần từ thời xưa nên chất lượng rất tốt và mềm dẻo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và phát triển nghề làm cốm này, để khách tham quan được chiêm ngưỡng và thưởng thức món đặc sản cốm của địa phương.

Với người dân xã Chiềng Khoang, cốm không chỉ là một món đặc sản, mà cốm đã trở thành một biểu tượng văn hóa không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của họ. Chính vì vậy, mà người dân tộc Thái (trắng) nơi đây làm cốm với cả tấm lòng, cực kì tỉ mỉ và công phu trong từng bước, để hương cốm Chiềng Khoang lan tỏa trong lòng mỗi người dân và du khách thập phương đặt chân đến khám phá du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem