Sơn La: Trồng mận hậu trái rõ là ngon, được mùa nhưng giá bán rẻ chưa từng thấy
Sơn La: Trồng mận hậu trái rõ là ngon, được mùa nhưng giá bán rẻ chưa từng thấy
PV Tây Bắc
Chủ nhật, ngày 16/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Theo ghi nhận của DANVIET.VN, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá mận hậu Sơn La năm nay giảm giá kỷ lục chưa từng có. Mận hậu nông dân đang bán giá dao động từ 2.000 – 4.000 đồng/kg tuỳ loại quả, nhiều gia đình chán nản...
Theo báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 – 2020, diện tích mận tại tỉnh này là 10.878 ha, sản lượng đạt 60.356 tấn.
Thời điểm này, người nông dân Sơn La đang bước vào vụ thu hoạch mận hậu đầu vụ. Theo nhiều hộ nông dân trồng mận hậu, mặc dù mận hậu năm nay được mùa nhưng giá thì lại giảm kỷ lục chưa từng có.
Trao đổi với DANVIET.VN, chú Lò Văn Minh, bản Xanh, xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu (Sơn La) ngao ngán: Mận năm nay được mùa nhưng lỗ nặng. Thời điểm này năm ngoái giá mận hậu khoảng 15.000 – 16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá mận rớt xuống còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nếu bán đổ không chọn thì giá 2.000 đồng/kg.
"Nhà tôi trồng 1 ha mận hậu. Tính riêng chi phí chăm sóc đã mất khoảng 10 triệu đồng. Với mức giá thấp kỷ lục như này thì vụ mận năm nay chắc chỉ lãi khoảng 3 triệu đồng. Trước đó, mận tam hoa đã rớt giá, quả rụng đầy vườn không ai mua rồi, giờ lại đến mận hậu rớt giá...".
Theo chú Minh, nguyên nhân mận hậu được mùa mất giá một phần là do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, phần còn lại có thể do bên Trung Quốc họ không thu mua.
Anh Lò Văn Phương, bản Buống Khoang, xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu (Sơn La) buồn rầu nói: Gia đình tôi trồng 1 ha mận hậu. Năm ngoái, xuất bán được 4 tấn mận hậu, thu 28 triệu đồng. Vụ mận hậu năm nay được mùa nên dự kiến thu được 8 tấn. Nhưng với mức giá 2.000 – 3.000 đồng/kg như hiện tại, sau khi trừ chi phí khó có lãi được.
Anh Lò Văn Thuỷ - 1 thương lái thu mua ở bản Pùa, xã Bản Lầm, cho hay: Mận năm nay cho quả sai trĩu cành nhưng ngược lại giá rẻ mạt. Hiện, mình đang thu mua mận hậu cho bà con với giá từ 2.000 – 3000 đồng/kg.
Trung bình, vào thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày mình xuất được gần chục tấn thì năm nay chỉ xuất được từ 2 - 3 tấn đi tiêu thụ tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Phòng. Do dịch Covid-19 nên nhiều chợ đầu mối không thu mua. Mặt khác, số khách hàng tiêu thụ mận hậu cũng giảm đi rất nhiều khiến cho giá mận giảm mạnh.
Trao đổi với DANVIET.VN, ông Lò Văn Thiểng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Lầm, cho biết: Mận hậu năm nay được mùa nhưng lại rớt giá. Cùng thời điểm này năm ngoái giá mận hậu thấp nhất cũng được khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mận hậu đầu vụ năm nay chỉ bán được từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Theo ông Thiểng, đầu tháng, giá quả mận hậu chọn được từ 7.000 – 10.000 nghìn đồng/kg. Đến giữa tháng, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên giá tụt xuống còn 3.000 – 4.000 đồng.
Nguyên nhân có thể do các đầu xe ở nhiều tỉnh thành đang có dịch Covid-19 không lên Sơn La được. Trước tình hình giá mận hậu thấp như hiện tại, chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành kết nối tiêu thụ mận hậu giúp người nông dân.
Cùng chung cảnh ngộ với nhiều hộ nông dân ở xã Bản Lầm, chị Bạc Thị Thương, bản Nong Ọ, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu (Sơn La) than vãn: Giá mận hậu năm nay giảm sâu chưa từng có. Hiện, giá mận bán đổ khoảng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Mận chọn quả to, đẹp bán được 4.000 đồng/kg. Năm ngoái, mận chọn có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.
"Với giá mận hậu như hiện tại thì không mua được 1 mớ rau ngoài chợ. Tuy giá thấp nhưng nếu để không cũng rụng hết nên gia đình cứ thu hái đem bán được đồng nào hay đồng đấy", chị Thương nói.
Chị Tòng Thị Biên, tổ 3, phường Chiềng An, thành phố Sơn La lo lắng: Gia đình tôi trồng hơn 1ha mận. Vườn mận tam hoa năm nay quả nhỏ không ai mua nên rụng đầy vườn.
Cả gia đình trông chờ vào vụ mận hậu xem có gỡ gạc được phần nào không thì giá lại rẻ như cho. Hiện, giá mận hậu khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg tuỳ loại quả, có lúc xuống còn 1.000 đồng/kg cũng chẳng có ai mua. Loại 1 nghìn không có người mua thì chở cho trâu, bò ăn.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La cần chủ động triển khai các giải pháp, xây dựng phương án giúp người nông dân kết nối tiêu thụ quả mận hậu để góp phần thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.