Sơn La: Vốn vay ưu đãi đưa nông dân trên đường khấm khá nhờ trồng cây ăn quả đặc sản và nuôi trâu, bò, dê

Thu Hà Thứ năm, ngày 29/07/2021 17:56 PM (GMT+7)
Nhiều hộ nông dân ở Sơn La đã có đời sống khấm khá hơn nhờ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để đầu tư trồng vườn cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi trâu, bò.
Bình luận 0

Tiếp sức cho hộ nghèo

Từng là hộ nghèo khó khăn về nhà ở, nhờ vốn chính sách tín dụng, giờ đây gia đình anh Lò Văn Hạnh (ở bản Mé Mời, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn) không chỉ thoát nghèo mà còn xây được nhà mới khang trang.

Anh Hạnh chia sẻ: Từ năm 2013 đến nay, gia đình anh được vay Ngân hàng CSXH gần 100 triệu đồng. Có vốn, anh đã đầu tư chăn nuôi lợn, trâu, bò, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm, hoàn thành trả gốc và lãi vay. Hiện gia đình đang vay nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để tiếp tục đầu tư chuồng trại, mở rộng chăn nuôi lợn, trâu, bò.

Mường Bằng là xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Ông Cà Văn Cấu - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bằng cho biết: Hiện tổng dư nợ vốn vay ưu đãi trên địa bàn xã đạt 38,2 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã hỗ trợ nông dân trong xã xóa 39 nhà tạm, xây dựng gần 1.400 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,3%.

Góp vốn ưu đãi đưa nông hộ thoát nghèo - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây ăn quả, nuôi cá của chị Trần Thị Tuyết (giữa) ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) được vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH. Ảnh: H.G

"Đồng bào các dân tộc ở Tân Lập đã sử dụng vốn tín dụng chính sách vào trồng vườn cây ăn quả đặc sản như cam Vinh, mận hậu, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Một số gia đình sử dụng vốn chính sách làm ăn hiệu quả, có mức thu nhập 200 triệu đồng/năm".

Ông Vàng A Thào - Chủ tịch UBND

xã Tân Lập, huyện Mộc Châu

Cũng đánh giá cao hiệu quả vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH, ông Vàng A Thào - Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Mộc Châu cho biết: Là xã nằm trên vành đai biên giới Việt - Lào của huyện Mộc Châu, đồng bào các dân tộc ở Tân Lập đã sử dụng vốn tín dụng chính sách vào trồng vườn cây ăn quả đặc sản như cam Vinh, mận hậu, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Một số gia đình sử dụng vốn chính sách làm ăn hiệu quả, có mức thu nhập 200 triệu đồng/năm.

"Đến nay, toàn xã có 92% nhà ở của dân được xây mới, vững bền; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 10%; thu nhập bình quân đạt trên 28 triệu đồng/người/năm. Tất cả nhờ công sức đóng góp thiết thực và to lớn của Ngân hàng CSXH" - ông Vàng A Thào nhấn mạnh.

Có vốn trồng cây ăn quả đặc sản

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn cho biết: Hiện, Phòng giao dịch đang thực hiện cho vay 13 chương trình chính sách tín dụng, với 16.257 hộ được vay vốn, tổng dư nợ gần 575 tỷ đồng.

Ông Mạnh cho biết: Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, toàn huyện Mai Sơn đã có trên 2.300 hộ được vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó trên 1.000 hộ được vay vốn hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo...

Góp vốn ưu đãi đưa nông hộ thoát nghèo - Ảnh 3.

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường cho biết: Ngân hàng CSXH tỉnh được bố trí nguồn vốn trong kế hoạch và bổ sung vốn ngân sách từ địa phương, tạo tiền đề cho tăng trưởng nguồn vốn ổn định, cũng như nâng cao năng lực hoạt động. Tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh Sơn La đến ngày 31/5/2021 đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 316 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chuyển về hơn 4.309 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương ủy thác 145 tỷ đồng. Thông qua phương thức cho vay trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, Ngân hàng CSXH tỉnh Sơn La đã giúp gần 16.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện chủ động SXKD, tăng thu nhập, tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc; đầu tư chăn nuôi được 21.00 con trâu, bò; mở rộng, thâm canh 15.637ha vườn cây ăn quả đặc sản như xoài, chanh leo lòng vàng...

Đặc biệt đồng vốn chính sách đã hỗ trợ các huyện nghèo và 112 xã đặc biệt khó khăn khai hoang, phục hóa 610ha ruộng nước, 600ha ruộng bậc thang, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, nuôi cá lồng bè ở các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 30,44% (năm 2016) xuống còn 18,7% (năm 2020). Hai huyện vùng cao là Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a có sự góp phần tích cực của nguồn vốn chính sách. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem