Sơn Tây hoàn thiện bức tranh nông thôn mới

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 21/10/2020 10:32 AM (GMT+7)
Sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến tháng 10/2019, 6/6 xã thuộc thị xã Sơn Tây (TP.Hà Nội) đã đạt chuẩn NTM. Mới đây, thị xã Sơn Tây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019.
Bình luận 0

Bức tranh nông thôn đổi thay rõ rệt

Thị xã Sơn Tây có 15 xã, phường, trong đó có 6 xã thực hiện xây dựng NTM. Quá trình triển khai ban đầu, thị xã gặp rất nhiều khó khăn do địa hình chủ yếu là đất đồi gò, bán sơn địa, đời sống của người dân còn ở mức thấp, nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp…

Trước tình hình đó, công tác đầu tư cho hạ tầng ở các xã xây dựng NTM được quan tâm đầu tư, với mục tiêu thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đây cũng chính là những nét nổi bật nhất trong bức tranh xây dựng NTM ở địa phương này. 

Theo đó, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, từ năm 2010 đến nay, Sơn Tây đã bố trí gần 367,3 tỷ đồng cho 156 dự án về phát triển giao thông nông thôn, thực hiện xây dựng 221,53km đường.

Sơn Tây hoàn thiện bức tranh nông thôn mới  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân xã Kim Sơn. Ảnh: K.N

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng địa phương đạt chuẩn NTM theo quy định; chỉ đạo UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.

Trong đó, đường trục xã, liên xã đã nhựa hóa, bêtông hóa hơn 58km, đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn đã nhựa hóa, bêtông hóa 129,2km, đạt 100%; đường ngõ, xóm có 124,24/126,74km được bêtông hóa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi, bảo đảm vận chuyển hàng hóa quanh năm đạt 100% chuẩn theo quy định, trong đó, gần 68km được bêtông hóa.

Đáng chú ý, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân dược thị xã coi trọng, đạt nhiều kết quả. Mạng lưới y tế từ thị xã đến xã phường được củng cố, hoàn thiện. 100% xã, phường đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, 100% trạm y tế có bác sĩ; 100% thôn có nhân viên y tế hoạt động, số người được khám, chữa bệnh đạt bình quân trên 2 lần/người/năm... 

Để đánh giá về kết quả xây dựng NTM của thị xã, Mặt trận Tổ quốc Sơn Tây đã lấy ý kiến của 28.847/37.197 người dân trên địa bàn (đạt tỷ lệ 66,8%), theo đó tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 90% số phiếu, đồng thời thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở UBND, nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, để bảo đảm các vùng sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp hiệu quả, thị xã đã quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, phát triển trang trại, gia trại, vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả… 

Đồng thời, tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trên địa bàn thị xã hiện có 110 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt từ 1 - 3 tỷ đồng/trạng trại, tạo việc làm ổn định cho trên 800 lao động. Mô hình sản xuất rau an toàn được duy trì ở phường Viên Sơn và đang triển khai mô hình mới ở xã Sơn Đông, Xuân Sơn; ngoài ra Sơn Tây cũng có khoảng 260ha diện tích nuôi trồng thủy sản.

Hiện, thị xã có 21 HTX đang hoạt động, trong đó 18 HTX nông nghiệp, 3 HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại. Các HTX hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Để các HTX, tổ hợp tác phát triển thuận lợi, thị xã đã quan tâm, tạo điều kiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Có thể kể đến tổ hợp tác nuôi ong mật Kim Sơn thuộc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Kim Sơn đã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mật ong; HTX Chăn nuôi và thương mại Đào Phương, xã Đường Lâm với sản phẩm gà Mía…

Bà Mai cho biết, đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng 29,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Có thể thấy, Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo vùng quê nông thôn ở Sơn Tây.

Xác định Chương trình xây dựng NTM là không có điểm dừng, với kết quả đạt được, thị xã Sơn Tây đã có kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, năm 2020, phấn đấu có một xã đạt chuẩn NTM nâng cao; giai đoạn 2021-2025 có thêm từ 2 xã NTM nâng cao trở lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem