Sông Đà Hà Nội khai thác cát tàn phá biển tại Nam Định (Bài 3)

Thế Anh - Nguyễn Chương Thứ bảy, ngày 12/09/2020 08:00 AM (GMT+7)
Quá trình tiếp cận hồ sơ về việc hàng chục tàu công suất lớn thi nhau vươn vòi "bạch tuộc" khai thác cát, PV Dân Việt phát hiện Công ty CP Sông Đà Hà Nội là đơn vị được cấp phép khai thác mỏ cát với những con số lên tới 310.000 m3/năm tại lô 2B và 312.000 m3/năm tại lô 2A.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, bất chấp hệ sinh thái biển bị đe dọa nghiêm trọng, bờ kè ven bãi biển Khu du lịch và rừng phòng hộ thuộc xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đang bị sụt lún, sạt lở xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn cho du khách tới nghỉ mát. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có hàng chục chiếc tàu công suất lớn, công khai thi nhau vươn vòi "bạch tuộc" khai thác cát.

Sông Đà Hà Nội hút cát tàn phá biển tại Nam Định và những con số lớn khủng khiếp - Ảnh 1.

Tàu khai thác cát tại vùng biển xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Cụ thể, bờ kè ven bãi biển Khu du lịch và rừng phòng hộ thuộc xã Phúc Thắng đang bị sụt lún, sạt lở xuống cấp nghiêm trọng kéo dài tới khoảng 500 – 600 mét chạy dài theo bờ bãi biển.

Đặc biệt, một số điểm mặt đường bờ kè bị sạt lở "hở hàm ếch" bên trên là mặt đường bê tông nhưng phía dưới lớp bê tông là khoảng trống do cốt nền bị sụt tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn cho du khách tới bãi biển.

Bất chấp việc bờ kè bị sạt lở, mỗi ngày tại bãi biển này có tới hàng chục chiếc tàu công suất lớn như: Tàu khai thác cát mang ký hiệu số HD-2104; NĐ-2964; BN-1116; HĐ-3258; NĐ-3188; HD-1267; Nam Tường 06 HP-4250; BG-0467; HD-2104; HD0-272... công khai thi nhau vươn vòi "bạch tuộc" thọc sâu xuống biển để khai thác cát.

Bất kỳ người dân nào tới bãi biển khu du lịch, rừng phòng hộ trên địa bàn xã Phúc Thắng đều có thể nghe thấy tiếng máy hoạt động khai thác cát kêu ầm ầm và nhìn thấy hàng chục chiếc tàu có công suất lớn đang chen nhau xả khói đen ngòm, vươn vòi "bạch tuộc" xuống lòng biển gần chân bờ kè bãi tắm của Khu du lịch.

Sông Đà Hà Nội hút cát tàn phá biển tại Nam Định và những con số lớn khủng khiếp - Ảnh 2.

Bờ kè bãi biển, rừng phòng hộ bị sụt lở.

Sông Đà Hà Nội hút cát tàn phá biển tại Nam Định và những con số lớn khủng khiếp - Ảnh 3.

Bờ kè bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra rầm rộ.

Để làm rõ những điều bất thường này, PV Dân Việt đã vào cuộc xác minh, từ những tài liệu có được, chúng tôi phát hiện ra hoàng loạt những con số lớn khủng khiếp trong quá trình khai thác cát.

Theo đó, Công ty CP Sông Đà Hà Nội là đơn vị được cấp phép khai thác cát trên khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định tại 2 lô số 2A và số 2B với thời hạn lên tới 5 năm.

Trong quá trình cấp phép khai thác cát tại đây, căn cứ từ việc xét đơn và hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoảng sản của Công ty CP Sông Đà Hà Nội; Thiết kế cơ sở dự án khai thác mỏ cát làm vật liệu san lấp tại lô số 2B khu vực ven biển Nghĩa Hưng và quyết định phê duyệt số 05/QĐ-SĐHN-HĐQT của Hội đồng quản trị Công ty CP Sông Đà Hà Nội; theo đề nghị của Trưởng phòng Tài nguyên Nước & Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã cấp phép cho Công ty CP Sông Đà Hà Nội khai thác khoáng sản cát.

Công ty CP Sông Đà Hà Nội được khai thác cát tại lô số 2B với diện tích là 48,9 ha, được giới hạn bởi các điểm góc 5,2,3,6, chiều sâu khai thác thấp nhất đến cos – 9m; chiều dày trung bình tầng cát khai thác 3,38 m. Cùng với đó là trữ lượng với con số lớn khủng khiếp là 1.517.256 m3. Phương pháp khai thác của Công ty Sông Đà Hà Nội là khai thác lộ thiên với công suất 310.000 m3/năm với thời hạn 5 lên tới 5 năm.

Sông Đà Hà Nội hút cát tàn phá biển tại Nam Định và những con số lớn khủng khiếp - Ảnh 4.

Cây bị bật gốc do bờ kè bị sạt lở.

Tại lô số 2A, Công ty CP Sông Đà Hà Nội được phép khai thác với diện tích 41,08 ha được giới hạn bởi các điểm góc 1,5,6,4; chiều sâu khai thác thấp nhất đến cos – 7,6m; chiều dày trung bình tầng cát khai thác 3,75 m. Cùng với đó là trữ lượng với con số lớn khủng khiếp là 1.539.980 m3. Phương pháp khai thác của Công ty Sông Đà Hà Nội là khai thác lộ thiên với công suất 312.000 m3/năm với thời hạn 5 lên tới 5 năm.

Đáng chú ý, quá trình khai thác phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn vật liệu nổ; phải có biện pháp phòng chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn khai thác mỏ.

Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời, có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. 

 Như vậy, trong quá trình Công ty CP Sông Đà Hà Nội khai thác cát, bờ kè biển bảo vệ rừng phòng hộ và khu du lịch tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng đang có những bộ lộ về các sự cố bị sụt lún, sạt lở xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn cho du khách tới nghỉ mát khiến dư luận đặt ra nghi vấn: Hoạt động khai thác cát có được thực hiện theo đúng giấy phép hay không? đằng sau việc khai thác cát này có gì bất thường?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem