Sống nghèo bên di sản thế giới

Thứ sáu, ngày 08/03/2013 13:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sống bên Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) nhưng hình như nguồn lợi duy nhất mà người dân nơi đây được hưởng từ di sản là... khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Bình luận 0

Nhưng tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, đẩy cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân càng thêm khốn khó...

Những mùa vụ mất trắng

Tháng 4.2012, các xã vùng di sản Phong Nha – Kẻ Bàng được cả nước biết đến với vụ “3 cây sưa trăm tỷ”. Thế nhưng, ít ai biết được phía sau câu chuyện 3 cây gỗ sưa đó là một thực trạng nhói lòng về đời sống và việc làm của hàng chục nghìn người dân nghèo khó nơi cửa rừng này.

img
Thuyền du lịch Phong Nha nằm bờ, 5 - 10 ngày mới được 1 chuyến.

Những năm qua, trong lúc cả tỉnh Quảng Bình đều được mùa thì 2 năm liên tiếp các xã vùng đệm Phúc Trạch, Xuân Trạch và Lâm Trạch (huyện Bố Trạch) lại mất mùa cục bộ. Năm 2011, phần lớn diện tích lạc (cây trồng chủ lực ở các xã này) bị úng và chết do mưa rét kéo dài. Đến năm 2012, cây lạc và cây ngô ở đây lại thêm một mùa vụ mất trắng do hạn hán.

Ông Nguyễn Văn Lương – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (Bố Trạch) lý giải: Khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mùa hè thì gió Lào tấp về bỏng rát; mùa mưa nước tuôn xối xả, ngập lụt liên miên. Trong khi đó, diện tích đất canh tác hẹp, hệ thống kênh mương nội đồng chưa có, thổ nhưỡng của vùng núi đá vôi khô cằn làm cây cối không phát triển được, nên mất mùa, thiếu ăn là chuyện không thể tránh khỏi.

“Đơn cử như xã chúng tôi có diện tích tự nhiên hơn 6.000ha nhưng chỉ có 817ha đất sản xuất. Xã có 12 thôn nhưng chỉ 3 thôn có ruộng lúa (60ha), một năm thu khoảng 200 tấn thóc, chưa đủ cho 12.000 dân của xã ăn trong một tháng. Phúc Trạch chỉ có một công trình thủy lợi là đập Khe Ngang, nên hàng trăm ha ngô, lạc (cây chủ lực của xã) luôn thiếu nước và thường xảy ra mất mùa cục bộ. Năm 2012, bình quân lương thực của một người dân Phúc Trạch là 100kg cả lúa, ngô và lạc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 66,7%, hộ cận nghèo 21,5%, chỉ hơn 11% là hộ khá, chủ yếu là cán bộ, giáo viên, hưu trí và... đầu nậu gỗ” – ông Lương nói.

50% lên rừng, 50% đi Nam

Mới ra tết được mấy ngày nhưng đến nhiều làng vùng Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, chúng tôi chỉ gặp toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Hỏi người dân nơi đây họ nói, đàn ông trong làng đã sớm “mở cửa rừng” và đi cả rồi.

Thôn Thanh Sen 1 (xã Phúc Trạch) nằm dọc nhánh tây của đường Hồ Chí Minh năm qua bỗng dưng nổi tiếng cả nước bởi có 5 người ở thôn “trúng” 3 cây sưa trăm tỷ. Mới ra tết được mấy ngày mà thôn vắng hoe hoắt. Hỏi chuyện, ông Nguyễn Thế Vinh – Trưởng thôn trả lời chúng tôi bằng một phép chia: Thôn Thanh Sen 1 có gần 1.000 lao động, ăn tết xong một nửa đi rừng, nửa còn lại cũng lên đường vô Nam kiếm ăn cả rồi. Đông con, không có việc làm, sống nhờ khai thác trái phép tài nguyên rừng là thực trạng chung ở đây.

Trầm ngâm một lúc, ông Vinh nói tiếp: “Tui từ nhỏ đã theo ông, cha vô rừng, sau này lại đưa mấy đứa con đi rừng, chỗ mô (nào) trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng mà không biết. Không có đất sản xuất, thiếu việc làm, thừa sức lao động, không đi rừng chúng tui lấy chi sống”.

Theo ông Vinh, để có một chuyến vào rừng - người dân địa phương gọi là đi cùi, người đi phải đóng cùi. Một cùi gồm vài ba yến gạo, thực phẩm khô, thuốc chữa bệnh thông thường... chi phí khoảng từ 500.000 - 700.000 đồng, đủ để sống trong rừng khoảng 10 ngày đến nửa tháng. Người đi rừng có ba loại, loại thứ nhất là đóng cùi chi phí lớn để đi nhiều ngày trong rừng tìm gỗ quý như trầm hương, sưa; loại thứ hai đi kiếm các gỗ tạp, săn bắt động vật hoang dã và nhóm cuối tìm hái lá nón, bẫy động vật trong ít ngày rồi về. Nhưng sản vật của rừng lấy lắm cũng hết. Hiện nhiều người đi rừng cả tháng mà không được đồng nào, lỗ cả công, cả tiền cùi…

Ở các xã vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng có nhiều làng mà thanh niên còn đi rừng xuyên tết như các thôn vùng Gia Hưng (xã Hưng Trạch). Ông Hoàng Văn Mến – Trưởng công an xã Hưng Trạch cho biết, ở các thôn vùng Gia Hưng hiện có hơn 1.000 thanh niên đang xuất ngoại tìm trầm ở các nước Indonesia, Malaysia…

Thanh niên của làng đi tìm trầm bằng hộ chiếu du lịch, nên nhiều người đã bị cảnh sát nước bạn bắt phạt. Mới rồi, ở thôn có 3 anh em Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Thương bị bắt, gia đình phải gửi tiền qua nộp họ mới thả. “Nhiều người bị bắt, thậm chí bỏ mạng vẫn không ngăn được người dân Gia Hưng xuất ngoại tìm trầm vì ở nhà thì không có việc làm, rừng ở Việt Nam cũng đã cạn kiệt tài nguyên. Mà đi hàng tháng trời, thậm chí hàng năm trời như rứa nhưng số tiền gửi về cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình, vợ con ở quê, chứ chưa thấy ai giàu có chi” – ông Mến nói.

Đâu là lối thoát?

Khi được hỏi, người dân vùng di sản đã được hưởng lợi gì từ di sản, từ chủ trương bảo vệ rừng, lãnh đạo các địa phương ở đây đều lắc đầu. “Tiếng là thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng người dân nơi đây chưa được hưởng lợi gì từ chủ trương bảo vệ rừng. Mất mùa thường xuyên, người dân thiếu việc làm nên buộc họ phải vô rừng khai thác trái phép lâm sản. Ở cạnh rừng mà đói thì cũng phải nương nhờ vào rừng, khó có sự lựa chọn nào khác. Chính quyền địa phương chưa kéo họ ra khỏi rừng ngay được bởi thiếu những biện pháp căn cơ” – một lãnh đạo địa phương chua chát nói…

Lối thoát cho các xã vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng là những công trình thủy lợi. Có các công trình thủy lợi, nhiều vùng đất bỏ hoang sẽ biến thành những cánh đồng lúa 2 vụ. Điều này, lãnh đạo xã nào cũng biết, tuy nhiên đều bất lực vì không có vốn.

Chúng tôi tìm về xã Sơn Trạch nằm ngay trung tâm Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây có lẽ là một trong số ít các thôn được hưởng lợi từ di sản bằng việc chạy thuyền chở khách du lịch tham quan động Phong Nha. Thế nhưng, tiếp xúc với người dân nơi đây, chúng tôi mới vỡ lẽ, công việc chạy thuyền du lịch cũng chưa thể đem lại cho người dân một cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch cho biết, toàn xã có 312 chiếc thuyền du lịch. Mỗi năm 312 chiếc thuyền đó chỉ chạy hết công suất vào 2 ngày 30.4 và 1.5, còn lại thì 5 - 10 ngày mỗi thuyền mới chạy được một chuyến, thậm chí những tháng mùa đông, cả tháng mới chạy được một chuyến. Thế nên, người dân ở đây mang tiếng là chạy thuyền du lịch, có công ăn việc làm ổn định nhưng thực tế phải làm thêm nhiều nghề, kể cả vô rừng khai thác trái phép lâm sản mới đủ sống.

Trong những buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, trong nhiều tờ trình mà UBND các xã gửi đi, việc đề nghị đầu tư xây dựng các hồ chứa để có nguồn nước phục vụ sản xuất bao giờ cũng được nêu đầu tiên. Nhưng đến nay phản hồi cho đề nghị ấy chỉ là sự ghi nhận vô thời hạn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem