Sống ở Trung Quốc, mới thấy Bác Hồ sống mãi cả trong lòng người dân nước bạn (Bài 6)

Lương Kết Chủ nhật, ngày 30/10/2022 15:19 PM (GMT+7)
“Sống ở Trung Quốc mới thấy Bác Hồ sống mãi cả trong lòng người dân nước bạn. Tôi đã đi rất nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, cứ nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân dân Trung Quốc lại dành cho Người một sự ngưỡng mộ, kính trọng”, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam –Trung Quốc nói với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Những giai đoạn Bác Hồ hoạt động ở Trung Quốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ 30/10 đến 2/11 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Tính từ Đại hội XIII của Đảng thì đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông cũng là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc. Chuyến thăm sẽ củng cố thêm tình hữu nghị, tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Sống ở Trung Quốc, mới thấy Bác Hồ sống mãi cả trong lòng người dân nước bạn (Bài 6) - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc. Quần chúng dâng hoa lên Người, tháng 7/1955. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao)

Mối quan hệ Việt Nam –Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Nói về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân và các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ngược lại thì nó gắn với các thời kỳ hoạt động, các chuyến thăm, làm việc của Người tới quốc gia láng giếng này.

Trao đổi với Dân Việt, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết, Bác Hồ có mấy thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc đáng chú ý như sau:

Thứ nhất giai đoạn từ cuối 1924-1927, Bác ở Quảng Châu, ngoài liên lạc với các đồng chí cộng sản Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nơi đây thì Người có mối quan hệ mật thiết với nhân dân Trung Quốc. Hiện nay ở những nơi Người đã hoạt động, lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc đang gìn giữ thành di tích lịch sử, như nơi Bác mở các lớp huấn luyện ở Quảng Châu.

Thời kỳ thứ hai Bác trở lại Trung Quốc vào cuối năm 1929 để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời kỳ này Người hoạt động nhiều ở Hồng Kông. Đến năm 1931, Người bị chính quyền của Đế quốc Anh ở Hồng Kông bắt giam. Trong quá trình Người giam giữ thì các bạn bè, đồng chí và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhiều, đặc biệt cùng với sự giúp đỡ của luật sư người Anh Lô-dơ-bi, Người đã ra khỏi nhà tù ở Hồng Kông. Sau đó được các đồng chí của Trung Quốc giúp đỡ, tạo điều kiện để trở lại Quốc tế Cộng sản vào năm 1934.

Sống ở Trung Quốc, mới thấy Bác Hồ sống mãi cả trong lòng người dân nước bạn (Bài 6) - Ảnh 2.

Chủ tịch Mao Trạch Đông đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sang thăm Trung Quốc. Ảnh T.L

Cuối năm 1938, từ Matxcơva Người trở lại Trung Quốc hoạt động. Giai đoạn này kéo dài đến tháng 1/1941. Đây là thời kỳ Bác có nhiều gắn bó với nhân dân Trung Quốc nhất, đặc biệt là nhân dân ở vùng Quế Lâm, Nam Ninh, Quảng Tây, Tĩnh Tây, Côn Minh, Vân Nam. Nhân dân Trung Quốc đã che trở và các đồng chí Trung Quốc cũng giúp Bác chuẩn bị về nước trực tiếp cách mạng.

Giai đoạn thứ tư, năm 1942, Bác từ Việt Nam trở lại Trung Quốc bắt liên lạc với các lực lượng Đồng minh để tranh thủ sự ủng hộ của họ giúp chúng ta đánh Nhật. Tuy nhiên khi sang đây Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và đến năm 1943 mới ra khỏi nhà tù. Từ năm 1943 đến năm 1944, trước khi về nước Người tiếp tục gắn bó các cơ sở cách mạng và nhân dân Trung Quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp, cũng có một số lần Bác sang Trung Quốc, đáng chú ý sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (tháng 10/1949), đến tháng 1 năm 1950, Bác đi bộ từ Thái Nguyên lên Cao Bằng rồi sang Nam Ninh (Trung Quốc), từ đây Người đi tàu hỏa lên Bắc Kinh để gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt những vấn đề quan trọng, trong đó có việc để các nước công nhận chúng ta.

"Bác Hồ đã có thời gian dài hoạt động cách mạng gắn bó với đất nước và nhân dân Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Người đã tạo nền tảng cho mối quan hệ giữa 2 Đảng cộng sản, 2 nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam – Trung Quốc", PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Sống ở Trung Quốc, mới thấy Bác Hồ sống mãi cả trong lòng người dân nước bạn (Bài 6) - Ảnh 4.

Bác Hồ dắt tay một em bé trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh T.L

Nhân tố Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam –Trung Quốc cho rằng: Có thể nói, trong quan hệ Việt Nam –Trung Quốc có nhân tố cực kỳ quan trọng, tồn tại vĩnh viễn, đó là nhân tố Hồ Chí Minh. Nhân tố Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt –Trung là cốt lõi, có tính chất định hướng.

"Tại sao lại nói như vậy, vì Bác Hồ có tổng cộng 12 năm sống và hoạt động ở Trung Quốc (chia làm nhiều đợt), có lẽ đây là thời gian nhiều nhất trong tất cả các nước Bác đến. Trong những năm tháng ở Trung Quốc đó Bác làm hai việc, thứ nhất theo dõi và chỉ đạo cách mạng Việt Nam, thứ hai giúp đỡ Đảng cộng sản Trung Quốc, làm cách mạng cùng Đảng cộng sản Trung Quốc", ông Quang cho biết.

Sống ở Trung Quốc, mới thấy Bác Hồ sống mãi cả trong lòng người dân nước bạn (Bài 6) - Ảnh 5.

Ngày 30/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lên đường sang thăm Trung Quốc. Chuyến thăm sẽ củng cố thêm tình hữu nghị, tăng cường hợp tác giữa 2 nước. Ảnh TTXVN

Thời gian sau khi miền Bắc được giải phóng, Bác đã sang thăm Trung Quốc rất nhiều lần và để lại ấn tượng rất tốt đẹp với người dân Trung Quốc.

"Sống ở Trung Quốc mới thấy Bác Hồ không chỉ sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam mà cả người dân nước bạn. Tôi đã đi rất nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, cứ nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân dân Trung Quốc lại dành cho Người một sự ngưỡng mộ, kính trọng. Chẳng hạn khi tôi đi taxi, họ hỏi ông ở nước nào? Tôi trả lời ở Việt Nam. Anh tài xế reo lên a hay quá, nước có Chủ tịch Hồ Chí Minh phải không? Câu chuyện đơn giản như vậy nhưng để thấy người dân Trung Quốc thân thiện thế nào khi nói về Bác Hồ", Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc cho biết.

Có rất nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ đã xuất bản ở Trung Quốc được ông Quang giới thiệu. Theo ông, ngoài câu chuyện về Bác Hồ thì điều quan trọng nữa là họ đưa tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người Trung Quốc biết và học tập.

"Nói về những câu chuyện thể hiện tình cảm của người dân Trung Quốc với Bác Hồ có lẽ nói mãi không hết. Để chứng kiến và hiểu hơn, những ai có điều kiện có thể sang Trung Quốc, đến những nơi nước bạn đã làm thành khu tưởng niệm Hồ Chí Minh, bảo tàng Hồ Chí Minh, di tích về Hồ Chí Minh. Hiện nay đếm được khoảng 70 điểm như vậy trên đất nước Trung Quốc, trong đó có nơi được nâng cấp lên di tích cấp quốc gia, ví dụ như trụ sở của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu (từ năm 1971 nước bạn đã xây dựng).

Vẫn theo ông Quang, ở Trung Quốc có những học giả chuyên nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn gọi là nhà Hồ Chí Minh học… GS Hoàng Tranh (Trung Quốc) có nhận xét: Chủ tịch Hồ Chí Minh có lối sống giản dị, quan tâm quần chúng, gần gũi quần chúng, bình dị dễ gần, tác phong dân chủ, hòa nhã thân thiện. Người là một vị lãnh đạo bình dân.

Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp tổ chức các cuộc triển lãm về Bác Hồ nhân các ngày lễ. Ví dụ, năm 2020 dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ, hai nước tổ chức một cuộc triển lãm với quy mô khá lớn. Người dân Trung Quốc đến xem rất đông, họ ghi cảm tưởng.

Cũng dịp đó, ông Quang biết một người Trung Quốc treo trong phòng làm việc bức sơn dầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chú thích "Không có một gánh nặng nào có thể làm oằn đôi vai con người này". Khi ông Quang ngỏ ý mượn bức tranh để trưng bày trong cuộc triển lãm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đàn ông Trung Quốc sẵn sàng cho mượn và coi đó là điều rất vinh dự. Ông không chỉ mang bức tranh mà còn đưa cả gia đình đến triển lãm.

Như lời ông Nguyễn Vinh Quang, những câu chuyện thể hiện tình cảm của người dân Trung Quốc với Bác Hồ có lẽ nói mãi không hết. Trải qua quá trình lịch sử, dù quan hệ giữa hai nước có lúc thăng trầm nhưng tình cảm của người dân Trung Quốc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không có gì thay đổi.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem