Trung Quốc thích mua nhiều loại nông sản của Việt Nam, doanh nghiệp làm gì để nắm bắt cơ hội? (Bài 4)

Minh Huệ Chủ nhật, ngày 30/10/2022 08:56 AM (GMT+7)
10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Hiện, nhu cầu nhập khẩu các loại nông sản như cao su, hạt điều, trái cây, thủy sản của Trung Quốc rất lớn.
Bình luận 0

LTS: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022.

"Đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới" - nội dung trong điện mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình ngay sau thành công của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập đến nội hàm cũng như mục tiêu của mối quan hệ Việt - Trung.

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài đi sâu vào phân tích, đánh giá lịch sử hợp tác nhiều mặt của 2 Đảng và 2 Nhà nước; nhận định của các chuyên gia về tầm nhìn và hợp tác chiến lược của 2 Đảng, 2 nước trong mục tiêu nói trên.

Trung Quốc thích mua nhiều loại trái cây Việt Nam

Mới đây, quả sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau hơn 4 năm đàm phán và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Điều này không chỉ là niềm vui đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở thị trường lớn nhất thế giới này.

Trung Quốc thích mua nhiều loại trái cây Việt Nam, doanh nghiệp làm gì để nắm bắt cơ hội? - Ảnh 1.

Mới đây, quả sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau hơn 4 năm đàm phán.

Sáng 29/10, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết: "Thị trường chủ lực của chúng tôi là các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng ngay sau khi Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch quả sầu riêng, chúng tôi cũng lập tức tìm hiểu, liên kết với các nhà cung cấp, tìm kiếm cơ hội đối với thị trường này". 

Theo ông Tiến, Ameii là doanh nghiệp đang có quan hệ giao thương với 25 quốc gia, có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu nông sản đi các thị trường nổi tiếng là "khó tính" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Người dân Trung Quốc rất thích ăn quả sầu riêng Việt Nam, vì vậy doanh nghiệp cũng đã thay đổi cách tiếp cận để xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. 

10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, chiếm 18,5% thị phần; đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam.

Là đối tác Trung Quốc nhập những container sầu riêng chính ngạch đầu tiên từ Việt Nam, ông Lâm Long Đức - Tổng Giám đốc Công ty chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Trung Quốc) thông tin, phụ nữ Trung Quốc cực kỳ thích sầu riêng, bởi vị ngọt và độ ngon của nó khi ăn vào miệng.

"Tôi đã đi đến Đắk Lắk, nếm thử sầu riêng của nhiều vùng trồng, tôi mong càng ngày có càng nhiều sầu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc" - ông Đức chia sẻ.

Với container sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật và xử lý các vi sinh vật gây hại trong vườn trồng, doanh nghiệp đã tuyển chọn rất tỉ mỉ về độ tuổi, độ già và tiêu chí về kích cỡ tròn, đồng đều. Ví dụ, độ tuổi cây sầu riêng phải từ 7 tuổi trở lên, quả phải chín già.

Trước đó, trao đổi với PV, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho hay: Trong xuất khẩu trái cây, nông sản thì thị trường Trung Quốc có khi còn khó hơn thị trường Mỹ nên bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thay đổi tư duy khi nghĩ rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính.

"Chánh Thu đã có hơn 20 năm xuất khẩu sang Trung Quốc, từ trái chôm chôm tới nhãn. Chúng tôi có nhiều bài học kinh nghiệm trong giao thương mua bán như thế nào với bạn hàng Trung Quốc. Khi mình làm ăn uy tín, đảm bảo chất lượng, thì luôn được khách hàng thanh toán 100% ngay sau khi hàng xuất xưởng", bà Vy nói. 

Trung Quốc thích mua nhiều loại trái cây Việt Nam, doanh nghiệp làm gì để nắm bắt cơ hội? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc chủ động đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại nông trại chuối KDA. Ảnh: kdiholdings.

Trong khi đó, ông Võ Quan Huy (Út Huy) - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, "vua chuối" ở miền Tây khẳng định: "Quả chuối Việt Nam đang rất được quan tâm ở Trung Quốc vì lợi thế vị trí địa lí, nếu đường bộ không tắc thì vận chuyển rất nhanh. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng. Trên thế giới đâu có nước nào như vậy, hơn 1 tỷ dân mà mùa vụ sản xuất chuối của họ rất ngắn, chỉ chừng 2 tháng, nhu cầu nhập khẩu lớn hàng chục triệu tấn/ năm. Trong khi chuối nước ta xuất qua đó chỉ loanh quanh 1 triệu tấn/ năm".

Tuy nhiên, "vua chuối" miền Tây cũng lưu ý, khi làm bạn hàng với Trung Quốc, hàng đẹp không bằng chợ đẹp. Ví dụ họ có những khu chợ ngành hàng rất lớn mà vô đó giá sẽ trở về theo kiểu ít thì tăng, nhiều thì giảm. Như chợ mít ở biên giới Trung Quốc mỗi ngày tiêu thụ khoảng 120 container. Nếu xe đậu vừa đủ, trong 100 ngoài tầm 50 cái, giá sẽ ổn, đông hơn nữa giá xuống ngay lập tức. Mình phải lưu ý để nắm được giá cả trên thị trường.

"Để có thể xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, tôi đã qua đó 6 tháng để học hỏi, thấy nông dân người ta làm việc gấp 2-3 lần so với người nước mình. Nếu ta không biết gì về mùa vụ của họ, chuyển hàng qua đúng lúc bên đó đang thu hoạch thì tất nhiên rất khó bán" - ông Võ Quan Huy cho hay. 

Thay đổi cách làm ăn của mình trước

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), khi xuất khẩu nông sản, trái cây sang Trung Quốc, các đơn vị xuất khẩu phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, trái cây không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật mà nước bạn quy định.

Ngoài ra, theo quy định, tất cả vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NNPTNT, được Bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Những lô hàng từ các vườn trồng, cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý nước ta cũng phải thay đổi. Từ thói quen, tập quán canh tác phải thay đổi theo hướng tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất. Trái cây Việt Nam phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.

Trung Quốc thích mua nhiều loại trái cây Việt Nam, doanh nghiệp làm gì để nắm bắt cơ hội? - Ảnh 4.

Hiện nay đã có khoảng 3.000ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong ảnh: Lực lượng kiểm dịch thực vật và Hải quan Việt Nam kiểm tra lô sầu riêng và hoàn thiện thủ tục thông quan, xuất khẩu container sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Khương Lực.

Phân tích về các yếu tố quan trọng đòi hỏi trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải đáp ứng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, thứ nhất là hàng rào kỹ thuật, tức là sản phẩm xuất khẩu phải vượt qua được các tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu yêu cầu như: GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu), tiêu chuẩn hữu cơ hoặc yêu cầu riêng của nước nhập khẩu.

Thứ hai là hàng rào kiểm dịch, tức sản phẩm phải đảm bảo không có những dịch hại đối với quả tươi hoặc vượt qua hàng rào y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến. Thứ ba là hàng rào thuế quan.

Là người trực tiếp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, ông Võ Quan Huy đưa ra nhận định: Trung Quốc đang phát triển nhanh, nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao và sớm muộn gì sẽ không thua kém châu Âu, Bắc Mỹ. Nếu chúng ta không thay đổi sẽ không thể nào đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe đó. Ví dụ, bây giờ muốn xuất chuối đi Trung Quốc mà không có mã vạch vùng trồng, mã đóng gói, nhà máy xử lý… thì không thể nào làm được. 

Câu chuyện ách tắc hàng nông sản xuất khẩu trên vùng biên giới là minh chứng cho điều đó, nhất là khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid-19. Để giải quyết bài toán này, chắc chắn chúng ta phải thay đổi trước, hàng hoá phải xử lý đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, người nông dân muốn bán được giá, ổn định tiêu thụ thì phải nghĩ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Bởi ngoài bán hàng cho thị trường Trung Quốc, chúng ta còn phấn đấu xuất khẩu đi nhiều thị trường khác trên toàn cầu...

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem