Sống thấp thỏm bên hồ, đập cũ

Thứ sáu, ngày 19/07/2013 10:30 AM (GMT+7)
Nghệ An có hơn 600 hồ đập lớn nhỏ với dung tích gần 390 triệu m3 nước. Phần lớn những hồ đập này đều xây dựng từ thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước nên hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Chúng được ví như hàng trăm quả bom nước, có thể gây thảm họa bất cứ lúc nào.
Bình luận 0
Đua nhau... xuống cấp
Sự cố vỡ đập Tây Nguyên tại Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) nhấn chìm hàng chục ha lúa, hoa màu của dân vào ngày 11.9.2012, là sự cảnh báo về an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, đặc biệt là chất lượng của hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nguyên nhân vỡ đập Tây Nguyên được xác định là do tổ mối nằm trong thân đập cũ. Lõi của đập cũ được đắp thủ công, đất đắp đập không đồng nhất, có lẫn cả cỏ, rác và các hạt sỏi, đá nhỏ. Khi nâng cấp đập, lõi đập cũ được tận dụng nên các lực lượng chức năng không phát hiện được tổ mối. Do vậy mà lúc áp lực nước trong đập lớn đã gây ra vỡ đập.
Ông Hồ Năm- một nông dân ở xã Quỳnh Thắng lo lắng: “Đập này xây dựng xây dựng từ năm 1966, có dung tích 1,2 triệu m3, tưới cho trên 200ha ở xã Quỳnh Thắng và những xã lân cận. Nhưng từ lâu nó không được sửa sang tu bổ. Từ khi vỡ đập, cấp trên đã chỉ đạo khắc phục, gia cố chắc chắn hơn, nhưng xem ra thân đập này rất yếu”. Tại Quỳnh Lưu có nhiều hồ đập đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình như đập Ao Dâu dung tích trên 1 triệu m3 nước nhưng mới chỉ được nâng cấp hạng mục làm cầu qua tràn xả lũ, trong khi thân đập đất hiện nay rất yếu, nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra. Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Huyện hiện có trên 100 hồ đập lớn nhỏ do địa phương quản lý. Trong số đó, chỉ có trên 30% được tu sửa nâng cấp, còn lại nhiều hồ đập xuống cấp trầm trọng”.
Hiểm họa đã hiện hữu
Tại huyện Yên Thành, thực trạng hồ đập xuống cấp cũng đang ở tình trạng báo động đỏ. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện thì địa phương này có trên 200 hồ đập lớn nhỏ. Hiện mới chỉ có trên 20% số đó được tu sửa, nâng cấp, còn lại đều xuống cấp nghiêm trọng. Tại đập Nhà Trò, đá lát chân đập đã bong tróc, không còn liên kết, mặt đập theo thiết kế là 4m nhưng nay chỉ còn hơn 1m. Đập này năm 2009 đã có rò rỉ, khiến dân chúng được phen hoảng loạn. Anh Nguyễn Nam (xóm 13), nhà ở gần đập Nhà Trò lo sợ nói: “Thân đập mỏng, rất yếu, hiện nay vẫn còn nhiều chỗ rò. Nếu như mưa lớn thì nguy mất, có thể vỡ đập, như vậy cả mấy ngàn dân ở đây cùng nhà cửa, hoa màu sẽ bị nhấn chìm”. Trong đợt mưa lũ năm 2012 vừa qua, Yên Thành có trên 12 hồ đập bị xói lở, sạt lở, vỡ thân đập. Đặc biệt, đê Vũ Giang vỡ vào đêm 6.9.2012 đã làm cô lập nhiều xóm ở 2 xã Khánh Thành và Long Thành, gây thiệt hại hàng trăm ha lúa, hoa màu và nhiều tài sản của người dân.
Không riêng gì hai huyện trên mà hầu hết các hệ thống đê điều, hồ đập trên địa bàn các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ... đều đã xuống cấp nghiêm trọng.
Thi công kém

Nguyên nhân chính của tình trạng hàng trăm hồ đập ở Nghệ An xuống cấp, hư hỏng là do chúng được xây dựng từ những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, thân đập chủ yếu đắp bằng thủ công. Vào thời điểm đó về việc quan trắc thủy văn còn nhiều hạn chế, thi công thô sơ. Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều công trình còn thi công đắp đập trong nước. Bên cạnh đó hệ thống tràn xả lũ của phần lớn các hồ đập có kích thước nhỏ. Như vậy, gặp mưa lớn, tràn không đủ khả năng tháo lũ sẽ đe dọa an toàn đập.

Ông Phạm Hữu Văn cho biết, chi cục đã tham mưu cho tỉnh trích 84 tỷ đồng tu sửa 29 hạng mục công trình hồ đập xung yếu. Hiện nay các công trình đã lập hồ sơ, triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trước 30.8.


Nguy hiểm hơn, khi đóng cống điều tiết nước một số công trình thủy lợi, người vận hành phải bơi thuyền ra và lặn xuống đóng mở van xả, như ở hồ Ngã Hai, huyện Nghĩa Đàn. Các hồ đập ở đây đều không có cầu công tác. Phần lớn các cống lấy nước dưới đập đều thiết kế theo kiểu cũ không có hành lang kiểm tra, nên khi có sự cố không phát hiện kịp thời. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Nghệ An thì do thiếu kinh phí, nên việc tu bổ, sửa sang hồ đập có phần hạn chế. “Việc thu thủy lợi phí chỉ để sửa chữa nhỏ, còn sửa chữa lớn hầu hết phải xin ngân sách. Nhưng ngân sách ở Nghệ An thu không đủ chi nên việc tu sửa công trình cũng ít. Trong 2 năm qua, Chính phủ đã hỗ trợ cho Nghệ An hơn 200 tỷ đồng để tu sửa đê điều, hồ đập, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu” - ông Phạm Hữu Văn- Phó Chi cục trưởng cho biết. Còn một nguyên nhân khiến hàng trăm hồ đập ở Nghệ An ngày càng nhanh xuống cấp đó là rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng, không còn thảm thực vật giữ nước. Mưa lớn làm mực nước các hồ đập tăng nhanh, áp lực nước sẽ làm cho hồ đập càng nhanh hư hỏng...
Tiến Dũng ( Tiến Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem