Sự cố Formosa kéo lùi lộ trình nông thôn mới

Phan Phương Thứ sáu, ngày 30/09/2016 06:45 AM (GMT+7)
Sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải không chỉ kéo lùi sự phát triển kinh tế, xã hội ở các xã vùng biển Quảng Bình mà còn khiến lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã thêm gập ghềnh, xa vời.
Bình luận 0

Vời vợi đích đến

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình, trong số 18 xã biển của tỉnh, hiện đã có 9 xã cán đích, các xã còn lại dù còn nhiều khó khăn nhưng đều đặt mục tiêu đạt chuẩn vào năm 2020. Tuy nhiên, từ khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, lộ trình cán đích NTM của các xã này gặp rất nhiều khó khăn.

img

Mất nguồn thu từ biển, cuộc sống của người dân vùng biển bãi ngang Quảng Bình vô cùng
khó khăn. Ảnh: P.P

Sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải đã kéo dài lộ trình NTM ở 18 xã biển Quảng Bình. Ngoài các tiêu chí chịu tác động mạnh như thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và hộ nghèo thì người dân cũng không còn sức để đóng góp xây dựng các tiêu chí khác như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa...”.

Ông Nguyễn Quốc Út - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Quảng Bình

Cho đến thời điểm này, xã biển bãi ngang Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy) mới chỉ hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng NTM. Theo ông Nguyễn Hữu Hiến - Chủ tịch UBND xã, lộ trình của xã là sẽ cán đích vào năm 2020, nhưng với tình hình hiện nay, xem ra mục tiêu đó rất khó hoàn thành. Là xã bãi ngang, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ và các dịch vụ chế biến liên quan đến biển, nhưng hơn 4 tháng qua, gần 300 chiếc tàu cá của xã Ngư Thủy Nam phải nằm bờ, nhiều người dân không có việc làm.

“Thu nhập giảm nên việc huy động người dân đóng góp vào một số công trình công cộng đang gặp khó khăn như: Nhà văn hóa thôn (mới có 1/5 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn), đường nông thôn (hiện có 4/25km đạt chuẩn). Từ khi kế sinh nhai bị ảnh hưởng, việc duy trì mức sống đã vất vả thì việc đóng góp cho xây dựng NTM là điều quá khó đối với bà con” – ông Hiến nói.

Xã về đích cũng chưa hết lo

Chuyện ở xã Ngư Thủy Nam cũng là tình trạng chung đối với các xã bãi ngang còn lại của Quảng Bình như Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy), Hải Ninh (Quảng Ninh); Quảng Đông (Quảng Trạch)… Thậm chí, các xã đã về đích cũng không hết lo. Năm 2013, xã Quang Phú (TP.Đồng Hới) là xã sớm nhất của tỉnh Quảng Bình về đích NTM. Tuy nhiên sau sự cố môi trường biển, Quang Phú đang lo lắng không biết có giữ vững được các tiêu chí NTM hay không.

Ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Quang Phú cho biết, năm 2015, Quang Phú đạt mức thu nhập bình quân 28,5 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2016 sẽ tăng lên 30 triệu đồng/người. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, tàu thuyền của ngư dân không thể ra khơi kéo theo đó là các bộ phận làm dịch vụ, thương mại, du lịch… cũng bị ảnh hưởng nặng nề, tổng sản lượng khai thác thủy sản của xã chỉ đạt 30% so với kế hoạch.

Tại xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), lãnh đạo xã cho biết tiêu chí thu nhập đang có nguy cơ quay trở lại mức không đạt. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh ngậm ngùi: “Riêng tiêu chí thu nhập, xã mất 5 năm để hoàn thành và quyết tâm thu nhập bình quân của bà con sẽ đạt 3 triệu đồng/khẩu/tháng vào cuối năm 2016. Nhưng sự cố ô nhiễm môi trường biển đã gây hậu quả quá nặng nề, các chỉ tiêu xây dựng NTM sẽ rất khó giữ vững”.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NNNPTNT Việt Nam, nguyên cố vấn Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM: 
Ban chỉ đạo phải lắng nghe và có giải pháp cụ thể
Trước tình hình việc xây dựng NTM tại các xã ven biển, bãi ngang 4 tỉnh miền Trung gặp khó khăn, Ban chỉ đạo T.Ư cần phải có trách nhiệm ngồi lại ngay với các địa phương để lắng nghe những khó khăn, rào cản họ đang gặp phải trong triển khai xây dựng NTM, đồng thời xuống gặp gỡ người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Do ảnh hưởng nặng nề của sự cố ô nhiễm môi trường, người dân không dám ăn hải sản, dịch vụ du lịch cũng bị đình trệ. Cần có định hướng, giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế của các xã bãi ngang ven biển. 
Vừa qua, Chính phủ đã triển khai rất nhanh chương trình trợ cấp cho người dân vùng bị thiệt hại. Cần có thêm giải pháp cụ thể để giúp các xã vùng bãi ngang, ven biển vượt qua khó khăn. 

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội ND xã Bảo Ninh (Đồng Hới):
Mất nguồn thu, mất “nội lực”
Trước đây, với đội tàu hùng hậu, ngư dân Bảo Ninh thu nhập mỗi ngày thấp nhất cũng đuợc vài trăm ngàn đồng, có khi lên đến vài triệu đồng nên việc huy động đóng góp cho các phong trào nông dân nói riêng và xây dựng NTM nói chung ở xã Bảo Ninh khá dễ dàng. Nhưng hiện nay, nhiều ngư dân bỗng chốc tay trắng, nguồn thu bị co hẹp, việc lo toan cuộc sống hàng ngày còn khó khăn nói chi đến việc đóng góp xây dựng NTM. Ngư dân mất nguồn thu, đồng nghĩa với việc chúng tôi mất “nội lực”. 

Phương Phan - Thiên Ngân (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem