Hằng này mỗi năm vào dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử của đất nước, trong đó có sự kiện 30/4, các thế lực thù địch lại tung ra những luận điệu nhằm hạ thấp ý nghĩa của sự kiện lịch sử này, hòng phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta từ ngày có Đảng. Bởi vậy, nhận rõ thủ đoạn đó của chúng và kiên quyết lên án, bác bỏ là hết sức quan trọng, cần thiết. Nhân dịp này, PV Dân Việt có trao đổi với Thiếu tướng GS-TS Nguyễn Hồng Quân -nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng).
Những luận điệu lạc lõng
Thưa Thiếu tướng, hằng năm vào mỗi dịp ngày thống nhất đất nước 30/4, các thế lực thù địch lại tung ra các luận điệu xuyên tạc, nguy hiểm nhằm bóp méo lịch sử, ông thấy sao?
- Ngày 30/4/1975 là ngày hội thống nhất non sông, có ý nghĩa cao cả và tầm vóc to lớn. Hàng năm cứ đến ngày 30/4, mọi người đều cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần yêu quý hòa bình, hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, một số đối tượng không thiện cảm với Việt Nam vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo bản chất cuộc kháng chiến và vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc, thậm chí truyền bá những tư tưởng hận thù, chống phá.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần gặp gỡ, trò chuyện thân mật với bà con kiều bào. Ảnh TTXVN
Cứ đến dịp kỷ niệm ngày 30/4, các đài báo, trang mạng xã hội của các tổ chức, thế lực thù địch lại cố tình xuyên tạc rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đại thắng mùa xuân 1975 là "hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt Nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh"; họ vu cáo đây là cuộc "nội chiến huynh đệ tương tàn" giữa hai miền Nam - Bắc, "không có kẻ thua, người thắng, chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi"…
Gần đây, họ đưa ra luận điệu sai lệch, đòi "định danh lại ngày 30/4 cho phù hợp"; cho rằng "không nên gọi ngày 30/4 là ngày giải phóng"; rằng nếu không có ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không kém gì Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan… Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, bịa đặt, phủ nhận trắng trợn sự thật lịch sử.
Họ coi ngày 30/4 là ngày "quốc hận", đi ngược lại tinh thần khoan dung, đoàn kết của toàn dân ta. Tư tưởng, quan điểm này không chỉ là một nhận thức mơ hồ về sự thật lịch sử, mà còn trực tiếp tiếp tay cho kẻ thù phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc.
Họ cố tình xuyên tạc chiến thắng 30/4/1975 và sự nghiệp kháng chiến của dân tộc ta ròng rã mấy thập kỷ là một sai lầm, làm cho dân tộc đau thương, chậm phát triển. Từ đó, họ quy trách nhiệm cho Đảng ta và con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn. Họ phủ nhận chiến thắng của nhân dân ta, đánh đồng người chiến thắng và kẻ thất bại, xóa nhòa mục đích, bản chất sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân ta. Thậm chí, họ còn đưa ra luận điệu rằng chỉ khi nào Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước, chỉ khi nào Việt Nam lựa chọn đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc!
Thực tiễn là Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn nhất quán chủ trương hoà hợp, hoà giải dân tộc, khép lại quá khứ để xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phát triển, thưa ông?
- Đúng như vậy. Thực tiễn, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nhất quán chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, hòa hợp, hòa giải dân tộc cần tôn trọng lịch sử, cần bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc cũng như cần xuất phát từ sự chân thành, thiện chí của tất cả các bên. Bản chất cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam trong thế kỷ XX là sự thật lịch sử, là cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, làm gì có chuyện miền Bắc xâm lược miền Nam, lại càng không có chuyện "nội chiến", "huynh đệ tương tàn".
Ngày 30/4/1975 là sự kiện đánh dấu lãnh thổ đất nước ta trở về một mối, đáp ứng nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ với nhiều thử thách, cam go, ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ, giàu mạnh và hung bạo nhất.
Thắng lợi vĩ đại đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân và các lực lượng vũ trang ta đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, không nề hà hy sinh, gian khổ; lao động quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này là thắng lợi của ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Đó cũng là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; thắng lợi của tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia; là thắng lợi của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, dám đánh Mỹ và biết thắng Mỹ. Thắng lợi này là thắng lợi của tình đoàn kết và giúp đỡ quốc tế, của cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như của mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Thực hiện khát vọng của dân tộc
Để thực hiện khát vọng của dân tộc trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nào thưa ông?
- Từ khi ra đời năm 1930 đến nay, trải qua hơn chín thập kỷ, Đảng ta luôn phấn đấu, rèn luyện, hy sinh để xứng đáng là đội tiên phong và đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Tiếp nối bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng qua 37 năm đổi mới và phát triển, Đảng đã khẳng định vị thế, vai trò to lớn về năng lực lãnh đạo, cầm quyền. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, Dân thêm tin yêu Đảng, Đảng một lòng một dạ phục vụ Dân. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu quan trọng cho sự phát triển đất nước giai đoạn mới. Ảnh VGP
Để hiện thực hóa khát vọng của nhân dân ta, dân tộc ta, Đảng chủ trương: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: nước ta là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam chỉ chọn công lý và lẽ phải
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của chúng ta được thực hiện tốt ngoài góp phần phát triển đất nước mà còn đập tan mọi âm mưu chống phá, củng cố và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, thưa Thiếu tướng?
- Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đại hội đã khẳng định:
Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Đây là bước phát triển mới trong tầm nhìn chiến lược, vừa là sự nhìn nhận vai trò quan trọng của đối ngoại, vừa đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề cho giai đoạn tới.
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Lợi ích quốc gia - dân tộc là kim chỉ nam, tiêu chí cao nhất. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII còn xác định đây là một trong những quan điểm chỉ đạo cao nhất nhằm thực hiện tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước. Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi mà thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Việt Nam không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải. Tinh thần này luôn được thể hiện trong các vấn đề liên quan quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới.
Đẩy mạnh quan hệ song phương, đồng thời phát huy vai trò đối ngoại đa phương. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Độc lập, tự chủ là cơ sở, tạo ra sức mạnh nội sinh để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đầy đủ trên các lĩnh vực, các tầng nấc khác nhau. Hội nhập quốc tế phải bám sát, gắn chặt và phục vụ trực tiếp nhiệm vụ phục vụ phát triển. Tích cực triển khai các cam kết khu vực và quốc tế, lồng ghép với các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng.
Đảng ta cũng quan tâm hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh… tạo điều kiện để đồng bào ta giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.