Sự thật phũ phàng giữa vựa hoa quả: Trái cây ngoại hại “bụt nhà”

Quỳnh Mai (Thế giới Tiếp thị) Thứ năm, ngày 26/06/2014 10:40 AM (GMT+7)
Một lần đi mua trái cây ở chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp), thấy nho có giá khá rẻ so với thị trường (30.000 đồng/kg), người mua hỏi: “Trái cây Trung Quốc hay Việt Nam mà rẻ vậy?” Người bán trả lời trống lảng: “Nho ngọt lắm đó em. Mua đi chị bớt cho”. Người mua phải tự hiểu.
Bình luận 0

LTS: Việt Nam được biết đến là xứ sở nhiệt đới phong phú các loại trái cây đặc sắc mà nhiều nơi trên thế giới không thể có. Ngành du lịch sinh thái vườn cây ăn trái ở miền Tây cũng đang ngày càng được du khách ưa chuộng. Nhưng hiện nay, một sự thật khá phũ phàng là nhiều chợ, siêu thị Việt Nam lại đang bày bán rất nhiều trái cây ngoại nhập.

Khảo sát ở một loạt các chợ khác như chợ Thủ Đức, chợ Tăng Nhơn Phú (quận 9), chợ Gò Vấp… thấy có sự xuất hiện của khá nhiều chủng loại trái cây Trung Quốc. Mặc dù khi hỏi, không người bán nào trực tiếp thừa nhận nhưng dựa vào các dấu hiệu nhận biết cơ bản cũng như về mức giá chênh lệch, dễ dàng nhận ra ngay nguồn gốc của chúng.

Chẳng hạn cam sành được bày bán ở nhiều nơi chỉ với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg, trong khi giá cam miền Tây thường dao động trong khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Đặc điểm cam trong nước thường là trái tròn, kích thước nhỏ, có màu xanh, vàng, vỏ sần sùi hoặc thường bị nám, có mùi thơm nhẹ, còn cam Trung Quốc trái to, có màu xanh nhạt pha vàng, vỏ mỏng, trơn láng, không hạt. Từ cách nhận biết và mức giá rẻ bất thường như vậy chắc chắn không thể là cam Việt Nam, chỉ có thể là cam Trung Quốc.

Nếu như trái cây Trung Quốc được người bán ưa chuộng vì giá rẻ, lời nhiều thì trái cây ngoại nhập từ các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… lại được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng. Chị Lệ Hằng (quận Tân Bình) chia sẻ lý do của mình:

“Ví dụ như giữa nho Việt Nam và nho Mỹ thì tôi sẽ chọn nho Mỹ. Không phải vì sính ngoại nhưng rõ ràng nho Mỹ ngon hơn nhiều và phần nào làm tôi tin tưởng hơn về mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Anh Thế Tùng (quận 7) rất thích ăn lê của Nam Phi. Khi được hỏi lý do vì sao không chọn lê Việt Nam với giá cả rẻ hơn nhiều, anh Tùng giải thích: “Trước đây mình cũng có ăn lê Việt Nam, nhưng một dạo nghe thông tin nông dân sử dụng nhiều chất tăng trưởng, phân bón không hợp vệ sinh, mình đâm ra sợ. Mà giờ cũng khó phân biệt được đâu là hàng Việt Nam, đâu là Trung Quốc nên thôi ăn giống lê khác cho chắc”.

Tại khu vực bán trái cây ngoại ở chợ Tam Bình, trái cây được vận chuyển trên những chiếc xe container lạnh, được bảo quản kỹ lưỡng, đóng trong các thùng giấy, có lớp giấy chống va đập. Trái cây ngoại nhập, đặc biệt là hàng của Mỹ, Úc, còn có thông tin đầy đủ về số lượng trái mỗi thùng, xuất xứ, điều kiện bảo quản thích hợp, ngày đóng gói...

Thậm chí, trên mỗi trái còn được dán một nhãn riêng, cũng có tên riêng của loại trái cây đó và thông tin về nơi sản xuất.

Dạo quanh các siêu thị Big C trên địa bàn quận Gò Vấp, Phú Nhuận… chúng tôi ghi nhận có hẳn một không gian riêng dành cho trái cây ngoại nhập, có diện tích ngang ngửa hoặc áp đảo quầy hàng Việt Nam với nhiều chủng loại phong phú như táo Mỹ, kiwi, lê Nam Phi, nho Úc… Không chỉ thế, các loại trái cây này cũng được siêu thị tung ra nhiều đợt khuyến mãi giảm giá nhằm làm tăng thêm sức mua của người tiêu dùng.

Liệu rằng trái cây Việt Nam có dần bị mất ưu thế trên chính sân nhà của mình hay không?

Ngoài cạnh tranh của hàng ngoại, thì nguyên nhân khác khiến trái cây Việt Nam đánh mất sức hút đó chính là ở cách chăm sóc, trồng trọt của nông dân. Tất nhiên chúng ta không “vơ đũa cả nắm” nhưng cũng không thể phủ nhận, không ít người vì ham lợi trước mắt, muốn kiếm được thật nhiều tiền mà sẵn sàng bỏ qua vấn đề sức khoẻ, hay thậm chí là tính mạng của người khác.

Không thể trách người mua quay lưng với trái cây Việt Nam, cũng không thể quy hết “tội” cho người trồng…

Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Thủ Đức) cho biết, lượng trái cây, rau củ quả xuất xứ Trung Quốc về chợ giảm khá mạnh, hiện chỉ còn khoảng 150 – 200 tấn/đêm, tức tối đa chỉ khoảng 6% lượng hàng về chợ.

Đối với mặt hàng trái cây, thời gian gần đây, do tâm lý của người tiêu dùng hạn chế dùng trái cây Trung Quốc nên các thương lái, tiểu thương cũng giảm đáng kể lượng hàng nhập về chợ. Trung bình, mỗi ngày có khoảng trên 2.000 tấn trái cây được đưa về chợ thì có khoảng 85 tấn (trên 4%) là các loại trái cây ngoại nhập, chủ yếu là hàng xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ, Úc, New Zealand...

Lượng trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc có khoảng 30 tấn, chiếm tỷ lệ 35% trên tổng lượng trái cây ngoại nhập, chủ yếu là đào, lê, táo, nho, quýt.ĐH
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem