Sự thật về trận bóng hi hữu ngày Giáng sinh trong Chiến tranh thế giới I

Văn Giang Thứ năm, ngày 26/12/2019 17:00 PM (GMT+7)
Trận bóng mừng lệnh ngừng bắn dịp Giáng sinh năm 1914, khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ, với bao hi vọng, cả hai bên đều tin rằng Đại chiến sẽ kết thúc vào Giáng sinh. Nhưng cuộc xung đột kinh hoàng đã nổ ra trong 4 năm nữa và cướp đi sinh mạng của 16 triệu người.
Bình luận 0

img

Trận bóng giữa 50 binh sĩ Anh và 70 binh sĩ Đức.

Trận đấu cách đây 105 năm đã kết thúc với tỉ số 1-0 nghiêng về đội quân nhân Anh, các "chân sút" nghiệp dư từng là kẻ thù ở 2 bên chiến tuyến khốc liệt đã bắt tay giao hữu, trò chuyện và ăn mừng giữa những ngày lệnh ngừng bắn được áp dụng.

Người ta ở thời điểm đó tin rằng, Thế chiến sẽ kết thúc, nhưng sự thật nó kéo dài khốc liệt đến 4 năm sau, không chỉ dẫn đến một sự tổn thất nặng nề cho hang chục triệu sinh mạng mà còn đặt ra sự phân chia văn hóa kéo dài cho đến ngày nay. Nếu không có Đại chiến, nhân loại sữ không phải đối mặt với Adolf Hitler. Và nếu không có Hitler, câu chuyện của thế kỷ 20 sẽ khác biệt không thể tưởng tượng được.

Trận bóng đá ngày Giáng sinh là điều kỳ lạ chưa từng có. Ngay từ ngày 18 tháng 12, các báo cáo đã được đưa ra rằng các binh sĩ của cả hai bên, ở trong tinh thần nghỉ lễ, đã quyết định ứng biến với các lệnh ngừng bắn ngắn hạn.

Bộ Tư lệnh tối cao Anh, lo lắng cảnh báo các sĩ quan phòng tuyến rằng bất kỳ chương trình thiện chí nào cũng có thể phá hủy tinh thần tấn công của binh lính.

Trong các chiến hào của Đức, tình hình có thoải mái hơn một chút. Các chỉ huy Đức đã gửi xe tải chở cây thông Giáng sinh cho quân đội tiền tuyến để đưa vào hầm của họ, và mỗi người lính đã nhận được một hộp xì gà với dòng chữ "Giáng sinh trên cánh đồng 1914".

Cuộc đình chiến bắt đầu xung quanh làng Frelinghien.

Người Đức dưới sự chỉ huy của Đại úy Friedrich von Sinner bắt đầu hát những bài hát mừng vào đêm Giáng sinh. Người Anh có thể không nhận ra các ca từ nhưng giai điệu đã đủ quen thuộc.

Như một cử chỉ hòa bình, người Đức đã thắp nến và đèn lồng, cung cấp các mục tiêu hấp dẫn cho các tay súng bắn tỉa của Anh.

img

Binh sĩ hai bên chia nhau đồ ăn, thức uống.

Sau đó, một vài người lính Đức nói tiếng Anh bắt đầu hét vang ở chiến địa: Ngày mai là Giáng sinh; nếu bạn không chiến đấu, chúng tôi cũng sẽ không.

Sáng hôm sau, không có “bản hợp xướng bình minh nào của pháo binh.” Những người lính Đức bước ra khỏi hầm của họ và bắt đầu đi về phía quân Đồng minh.

Binh sĩ Anh và Đức ở chiến hào vẫy tay ra hiệu cho nhau hạ vũ khí để tận hưởng Giáng sinh an lành, dù không hề có thỏa hiệp ngừng bắn nào khi đó. Tiếp theo, binh sĩ ở 2 chiến tuyến bước ra khỏi chiến hào lên mặt đất cùng hát Thánh ca, tặng nhau câu chúc “Merry Christmas”, trao đổi thực phẩm, cắt tóc cho nhau... và điều đặc biệt nhất là tổ chức một trận đấu bóng đá giao hữu khi trời hừng sáng.

“Thuốc lá điếu và quà được trao đổi giữa một số binh lính, trong khi những người khác đơn giản muốn thưởng thức cơ hội được duỗi chân của mình mà không phải đối mặt với súng ống”, đoạn trong bức thư của một người lính thuộc trung đoàn bộ binh Gordon Highlanders (Anh) do Royal Mail công bố, mô tả về khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi vào ngày Giáng sinh, trong đó có trận đấu bóng đá.

Chỉ huy Clifton 'Buffalo Bill' Stockwell của Royal Welch Fusiliers, trong một lá thư gửi vợ, đã viết: Đây là một trong những ngày Giáng sinh gây tò mò nhất mà chúng ta từng thấy.

Cuộc ngừng bắn lan rộng. Không phải nơi nào cũng có. Vẫn còn một số trận đánh vào ngày Giáng sinh năm 1914, nhưng hầu hết những người đàn ông ở khu vực đó đã viết thư về nhà nói rằng họ đã cười và đùa giỡn với kẻ thù cả ngày.

img

Những tưởng hòa bình sẽ xuất hiện trong đêm Giáng Sinh năm 1914 nhưng cuộc đại chiến kéo dài đến 4 năm sau.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 1983, Ernie Williams, một cựu chiến binh Anh, khẳng định ông đã tham gia vào trận đấu bóng đá tại Wulverghem (Bỉ): “Quả bóng xuất hiện từ đâu đó nhưng nó đến từ phía lính Đức. Họ đã ghi một số bàn thắng và đồng đội của tôi cũng làm được điều tương tự. Mọi người được thể hiện hết tài năng bản thân và không có những ác ý giữa người chơi xung quanh trái bóng được làm bằng da”.

Cuộc so tài lan tỏa khắp chiến trường và nổi tiếng thế giới trong suốt cuộc chiến, sau khi tờ The Times ngày 1.1.1915 đăng tải một bài viết cho biết một trung đoàn Anh đã có trận đấu bóng đá với Saxon (một thuật ngữ ý muốn nói đến người Đức) và kết thúc với kết quả 3-2 nghiêng về quân Đức. Chính trận đấu này đã tạo nên một nguồn cảm hứng làm “mềm hóa” sự đối đầu, oán hận và hậu quả nặng nề trong tàn dư của Thế chiến thứ nhất.

Hạ sĩ John Ferguson của Seaforth Highlanders cũng đã viết: Chúng tôi đã cười và trò chuyện với những người đàn ông mà chỉ trước đó vài giờ trước khi chúng tôi cố gắng giết họ.

Và vâng, trận bóng đá thực sự đã xảy ra. Không phải là một trận đấu 11 người có tổ chức mà là một trận đá lớn, lộn xộn với khoảng 50 người Anh chơi  với 70 người Đức.

Đêm muộn hai bên trở về chiến hào.

Vào Ngày Boxing, vào khoảng 8:30 sáng, Stockwell đã bắn khẩu súng lục của mình lên không trung ba lần, và giơ một lá cờ có chữ Vui Giáng Sinh được viết trên đó.

Đối phương bắn hai phát súng trả lời. Sau đó, Chiến tranh lại tiếp tục, Stockwell viết.

Các chỉ huy của cả hai bên đã xác định rằng Thỏa ước Giáng sinh sẽ không bao giờ xảy ra nữa, và Nguyên soái Douglas Haig, đã đưa ra một chỉ thị rằng bất cứ ai làm huynh đệ với kẻ thù sẽ bị bắn.

Nhưng - mặc dù ở quy mô nhỏ hơn - đã có một thỏa thuận ngừng bắn Giáng sinh năm 1915.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem